Tính đến phiên giao dịch ngày 13/2, chỉ số Vn-Index đóng cửa ở mức 938,24 điểm, hồi phục nhẹ 0,6% so với phiên trước (12/2). Tuy nhiên, ngay cả khi so với đáy 891 điểm thì mức hồi phục của chỉ số này mới chỉ là 5,3%, chưa thấm vào đâu so với 3 phiên giảm sau Tết (30/1-3/2) lên đến 11%.
Thực tế, các nhà đầu tư vẫn còn chịu nhiều tác động tâm lý lớn từ dịch Covid-19, nên sẽ không quá mạo hiểm khiến cho cầu mua giá cao yếu đi và nhiều nhà đầu tư mua giá rẻ bắt đầu chốt lời.
Quy luật đảo lộn
Theo báo cáo của Chứng khoán SSI, chỉ trong chưa đầy 2 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán (TTCK) đã được chia ra làm 2 giai đoạn rõ rệt. Theo đó, giai đoạn trước kỳ nghỉ Tết, thị trường giao dịch khởi sắc với 3 nhân tố chính hỗ trợ chỉ số Vn-Index: thông tin tích cực của nhóm ngân hàng, dòng vốn ngoại và kết quả kinh doanh quý IV/2019.
Giai đoạn sau kỳ nghỉ Tết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến các chỉ số “lao đầu” giảm mạnh. Hiện, các thị trường quốc tế đã hồi phục lại tương đối nhanh, trong khi Vn-Index vẫn đang bị tụt lại phía sau.
Cụ thể, giai đoạn từ 22/1-12/2, tổng mức giảm của Vn-Index là 5%, trong khi chỉ số MSCI EM Index giảm 3% và S&P 500 tăng 1%.
Chứng khoán SSI cho rằng, dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi dự báo TTCK quý I/2020, nếu không có dịch bệnh thì thỏa thuận Mỹ- Trung và dòng vốn nước ngoài sẽ là động lực hỗ trợ TTCK khởi sắc.
Cho đến giữa tháng 1/2020, các nhà quản lý quỹ trên toàn cầu vẫn tỏ ra lạc quan với tỷ trọng đầu tư cổ phiếu trong danh mục đạt mức cao nhất 17 tháng. Dòng vốn vào các thị trường mới nổi liên tục tăng và cũng với đó là đà mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài tại TTCK Việt Nam.
Theo SSI, kể từ cuối tháng 1, xu hướng của dòng vốn trên toàn cầu đã bắt đầu đảo chiều, dịch bệnh Covid-19 làm giảm mạnh dự báo tăng trưởng của các nước Đông Á khiến các nhà quản lý quỹ phải thay đổi chiến lược.
Do đó, nhóm các thị trường mới nổi ở khu vực châu Á bị rút vốn mạnh, đặc biệt là tuần đầu tháng 2 với tổng giá trị tăng lên mức cao nhất 19 tuần. Triển vọng thu hút vốn nước ngoài cho TTCK trong tháng 2 và kể cả các tháng tiếp theo của Việt Nam vì vậy đã giảm xuống mức thấp.
Việc thời gian phong tỏa ở Trung Quốc kéo dài do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam. Đây sẽ là đợt tác động tiêu cực thứ 2 sau đợt 1 là sụt giảm du lịch và tiêu dùng.
Nguy cơ trầm lắng đang đe dọa thị trường chứng khoán Việt |
Sức bật bị tiêu diệt
Từ những diễn biến khó khăn về dòng vốn cũng như tâm lý thị trường, SSI cho rằng, các yếu tố này sẽ triệt tiêu sức bật của TTCK Việt Nam trong quý I/2020. Sự trầm lắng của quý I có thể kéo dài sang quý II, thậm chí cả nửa cuối năm nếu như không có những diễn biến mới làm thay đổi cục diện.
Bởi thông thường sóng đầu năm luôn là sự khởi đầu thuận lợi cho TTCK Việt Nam để tạo bàn đạp cho các tháng tiếp theo. Thế nhưng, năm 2020 đã và đang đi ngược lịch sử thị trường do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên sẽ cần thêm rất nhiều thời gian để tích lũy.
Tuy nhiên, SSI vẫn đưa ra kịch bản tích cực cho TTCK Việt trước khả năng có thể khống chế được dịch bệnh thành công ngay trong tháng 2, cùng với đó là sức cầu tiêu dùng và chuỗi sản xuất ít bị ảnh hưởng sẽ mang lại diễn biến khả quan hơn cho thị trường.
Ngoài ra, mức độ công bố thông tin và sự quyết tâm kiểm soát dịch bệnh của chính phủ các nước. Minh bạch thông tin có thể khiến tâm lý chịu sức ép ở giai đoạn đầu nhưng khi dịch bệnh được kiểm soát, tâm lý cũng sẽ được phục hồi nhanh.
Bên cạnh đó là làn sóng kích thích kinh tế, hạ lãi suất tại hàng loạt quốc gia. Ở Việt Nam, đó là tích cực giải ngân đầu tư công và hạ lãi suất cho vay. Thực tế, trong những ngày gần đây, các ngân hàng từ lớn đến nhỏ đều tuyên bố dành hàng nghìn tỷ đồng với các hình thức hỗ trợ như giảm lãi vay, miễn tiền phạt quá hạn đối với các khách hàng có mục đích vay để trồng các loại nông sản, trái cây như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít…; giảm, miễn 100% phí thanh toán cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị - vật tư y tế; đưa ra chương trình cho vay với một số lĩnh vực với lãi suất ưu đãi, bên cạnh mức 6%/năm dành cho lĩnh vực ưu tiên. Đến thời điểm này, có ngân hàng đã đưa ra mức lãi suất cho vay 3%/năm, thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm.
Đồng thời, các ngân hàng cũng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Một số ngân hàng giảm phí thanh toán chuyển khoản; tư vấn, hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử online banking, mobile banking…
Một động lực khác có thể hỗ trợ TTCK trong thời gian tới được SSI đưa ra là việc được FTSE cân nhắc nâng hạng dù khả năng là không lớn, nhưng những nỗ lực của Việt Nam chắc chắn sẽ được ghi nhận, từ đó mang lại tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư.
Linh Đan