Trong 2 phiên giao dịch 6-7/2, thị trường chứng khoán diễn biến theo chiều hướng tích cực trước đà tăng lan rộng của nhiều nhóm cổ phiếu. Ngay cả cổ phiếu hàng không – nhóm được cho là chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch nCoV cũng đã “cất cánh” hỗ trợ Vn-Index “bay cao”, ở mức 940,75 điểm.
Cổ phiếu đua nhau tăng giá
Sau 3 phiên sụt giảm sâu đầu năm Canh Tý, thị trường chứng khoán đã trở nên hấp dẫn hơn khi hàng loạt cổ phiếu đã quay về đáy giá 3 năm. Thực tế đã chứng minh khi trong 2 phiên giao dịch ngày 6-7/2, hàng loạt cổ phiếu đua nhau tăng giá khiến thị trường khởi sắc.
Đáng chú ý nhất phải kể đến cổ phiếu VRE của CTCP Vincom Retail với mức tăng 10,5% từ mức giá 28.950 đồng/cp lên 32.000 đồng/cp chỉ với 2 phiên giao dịch, trong đó có 1 phiên tăng trần (6/2).
Tiếp đến là nhóm cổ phiếu ngân hàng khi tiếp tục là đầu kéo chính của Vn-Index trong 2 phiên gần đây. Sức mua mạnh mẽ giúp nhóm cổ phiếu này tăng mạnh cả về thanh khoản lẫn điểm số.
Gây chú ý nhất trong nhóm này phải kể đến STB của Sacombank với mức tăng 8,8% từ 10.250 đồng/cp lên 11.150 đồng/cp, khối lượng khớp lệnh trung bình đạt gần 19 triệu đơn vị, mức ấn tượng nhất trong vòng hơn 1 năm của cổ phiếu này.
Cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt cũng là một trong những cổ phiếu ấn tượng trong 2 phiên cuối tuần. Trước đó, cổ phiếu BVH bị bán mạnh nhiều phiên, trước e ngại rủi ro của các nhà đầu tư khi mảng trọng yếu trong hoạt động kinh doanh của Bảo Việt là bảo hiểm nhân thọ mà tình hình dịch bệnh đang khó đoán diễn biến.
Tuy nhiên, tại phiên ngày 6/2, BVH bất ngờ quay đầu tăng điểm mạnh nhất nhóm VN30 và tiếp tục tăng thêm trong phiên 7/2. Tổng mức tăng mà BVH có được trong 2 phiên này là 5,3%, nếu tính trong cả tuần giao dịch (3-7/2) đã tăng gần 7,6%.
Có lẽ, những nỗ lực của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch bệnh Corona đã khiến nhà đầu tư đặt niềm tin lớn hơn. Là doanh nghiệp có lượng tiền mặt dồi dào nhất, GAS của PV Gas hiện cũng đã tăng 5,3% sau chuỗi ngày giảm sâu cùng biến động thị trường chung.
Những nỗ lực của các cổ phiếu vốn hóa lớn khác như VCB, VNM, VHM... cùng với giao dịch tích cực đến từ nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng như CTD, HBC, DXG... cũng giúp thị trường giữ vững được sắc xanh.
Đáng chú ý nhất phải kể đến bộ đôi hàng không HVN của Vietnam Airlines và VJC của Vietjet Air trong phiên giao dịch ngày 7/2 với mức tăng lần lượt 6,1% và 2,9%. Trước đó, HVN và VJC cũng có chuỗi ngày giảm sâu như BVH trước tâm lý lo sợ của các nhà đầu tư với dịch nCoV.
Nhiều ý kiến cho rằng đang tồn tại những tín hiệu của sự không bền vững của thị trường |
Nhà đầu tư cần cẩn trọng
Mặc dù thị trường hồi phục khiến các nhà đầu tư hứng khởi, nhưng nhìn lại diễn biến của thị trường trong 2 phiên vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng đang tồn tại những tín hiệu của sự không bền vững.
Cụ thể, sau phiên tăng vọt ngày 6/2, thị trường đã quay trở lại trạng thái phân hóa và giằng co trong phiên 7/2. Nhiều cổ phiếu bluechip bị áp lực bán chốt lời gây áp lực lên thị trường, chỉ số Vn-Index liên tiếp bị thử thách tại mốc 940 điểm, thậm chí có lúc bị đẩy về đáy của phiên sáng.
Về gần cuối phiên, Vn-Index có chịu thêm một đợt rung lắc nhẹ nhưng cũng đã nhanh chóng hồi phục, lên mức cao nhất trong phiên chiều và chính thức chinh phục thành công mốc 940 điểm. Dao động này mang lại cảm giác của xu hướng mua bán đầu cơ, hơn là dòng tiền bắt đáy trung - dài hạn.
Theo ý kiến của một chuyên gia phân tích, những nhịp kéo - xả khéo léo này cũng cho thấy một điều rõ ràng là bên bán đang nắm thế chủ động. Tuy nhiên, bên bán cũng chọn cách khôn ngoan hơn khi muốn "giữ khách" và tìm mức giá tốt, thay vì động thái bán tháo bằng mọi giá.
Thực tế, với việc sụt giảm sâu 3 phiên liên tiếp sau Tết của chỉ số VnIndex thì áp lực margin call đã xuất hiện tại nhiều tài khoản sử dụng margin quá đà.
Trong khi đó, nguồn cơn của đợt “lao dốc” (downtrend) trên các thị trường chứng khoán toàn cầu lần này vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan. Mọi thứ vẫn đang khá rối bời khi số ca nhiễm và người tử vong vẫn lên cao ở Trung Quốc. Do đó, thị trường tài chính hoàn toàn vẫn có thể bị ảnh hưởng khi tâm lý e ngại của nhà đầu tư toàn cầu lên cao.
Tất nhiên, trong bất kỳ chuỗi downtrend nào cũng có thể có những điểm bull trap và nhà đầu tư cần tỉnh táo để tránh lao theo bán tháo, đua mua và lại bán tháo. Cần nhất thời điểm này là sự bình tĩnh và cẩn trọng kiểm soát tâm lý đám đông của mỗi nhà đầu tư.
Ở một góc nhìn khác, bộ phận tư vấn và đầu tư Chứng khoán VNDirect lại cho rằng, thị trường đang hồi phục nhưng khó có đợt uptrend dài, nhà đầu tư chỉ nên mua bán trong trung hạn, không nên nắm giữ dài hạn bởi những rủi ro của nền kinh tế.
Linh Đan