Theo dữ liệu cập nhật từ Đại học Johns Hopkins University, trên toàn thế giới, tính đến 3/2, tổng số ca nhiễm bệnh toàn cầu đã lên tới 17.318 trường hợp tại 20 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ, Pháp, Việt Nam. Đã có 362 người tử vong vì dịch bệnh và 487 ca phục hồi tính đến thời điểm hôm nay (3/2).
Tại Việt Nam, chiều 1/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (nCoV).
Nhiều "đại gia" thiệt hại
Kể từ phiên giao dịch ngày 30/1 tới nay, đồ thị các chỉ số thị trường gần như rơi tự do. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 3/2, chỉ số Vn-Index “mất phanh” lao thẳng xuống mức 892,84 điểm chỉ trong 30 phút giao dịch đầu tiên, ghi nhận mất tới 43,77 điểm và đây cũng là lần đầu tiên Vn-Index “thủng” mốc 900 điểm kể từ tháng 1/2019 đến nay.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng mất gần 4 điểm xuống 98,77 điểm vào thời điểm 9 giờ 39 phút; ước tính vốn hoá toàn thị trường“bốc hơi” hơn 5 tỷ USD. Tuy nhiên, sau đó các chỉ số đã có dấu hiệu phục hồi, kết phiên Vn-Index chỉ còn giảm gần 8,5 điểm về mức 928,14 điểm; HNX-Index giảm hơn 1 điểm còn 101,31 điểm.
Chịu thiệt hại lớn nhất trong bối cảnh thị trường như hiện nay là nhóm cổ phiếu hàng không, thủy sản do nhà đầu tư lo ngại về ảnh hưởng của dịch virus corona gây ra đối với nhóm ngành này.
Theo đó, cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã mất tới gần 15% giá trị so với trước kỳ nghỉ lễ từ 69.000 đồng/cp xuống còn 58.800 đồng/cp (phiên 3/2). Tương tự, cổ phiếu VJC của Vietjet và HVN của Vietnam Airlines cũng giảm lần lượt gần 15,5% và gần 17% chỉ sau 3 phiên giao dịch.
Cũng trong những phiên giao dịch đầu xuân Canh Tý, cổ phiếu SAS của Sasco cũng giảm hơn 16,6%; SGN của SAGS giảm 7,5%; cổ phiếu NCT của CTCP Dịch vụ hàng hoá Nội Bài giảm 6,4%; cổ phiếu MAS của CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng giảm 9,8%.
Cổ phiếu VTR của Vietravel, hãng lữ hành lớn nhất nước, đơn vị vừa công bố việc lấn sân vào mảng hàng không cũng giảm 17,3% trong 3 phiên giao dịch vừa qua; cổ phiếu FLC, tập đoàn sở hữu hãng bay Bamboo Aiways, cũng bị giảm 14,7%.
Áp lực bán mạnh cũng diễn ra tại nhóm cổ phiếu thủy sản như “ông lớn” VHC của Vĩnh Hoàn mất 16,7%; MPC của “vua tôm” Minh Phú giảm 12,4%; ANV của Nam Việt giảm sàn liên tiếp 3 phiên, mất 19,5% giá trị...
Bên cạnh diễn biến tiêu cực của nhóm cổ phiếu hàng không, cổ phiếu các “ông lớn” ngành ngân hàng, bán lẻ cũng có diễn biến tiêu cực và ảnh hưởng đáng kể đến Vn-Index. Bị bán mạnh nhất phải kể đến VNM của Vinamilk với mức giảm 12,3% từ 121.300 đồng/cp xuống 106.300 đồng/cp bất chấp đây là một cổ phiếu có tính phát triển bền vững cao.
Đã có ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến VNM rơi vào tình trạng như hiện nay là do Vinamilk đang triển khai hoạt động kinh doanh tại thị trường Trung Quốc nên nhà đầu tư lo ngại virus corona có thể ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp này.
“Trong nguy có cơ”
Đánh giá về diễn biến thị trường giai đoạn tới, hầu hết giới phân tích đều đưa ra cái nhìn thận trọng trong bối cảnh nhà đầu tư gia tăng lo ngại đối với tác động của dịch viêm phổi cấp do coronavirus gây ra cho nền kinh tế.
Trong báo cáo mới nhất của Công ty chứng khoán Agribank (Agriseco), hiện tại rất khó định lượng cụ thể tác động của dịch bệnh corona do dịch vẫn đang trong quá trình lan rộng. Agriseco cho rằng, việc chỉ số Vn-Index giảm mạnh là phù hợp với tình hình cũng như diễn biến chung của thế giới.
Thị trường sau đó có thể giảm thêm khoảng 3-5% nữa trước khi bình yên và hồi phục trở lại. Đồng quan điểm, Chứng khoán SHS cũng cho rằng, trong tuần giao dịch từ 3/2-7/2, Vn-Index có thể sẽ biến động giằng co và tích lũy lại với biên độ trong khoảng 920-950 điểm (cạnh trên vùng tích lũy đầu 2019-cạnh dưới vùng tích lũy cuối năm 2019) nhằm ổn định cung cầu.
SHS khuyến nghị, nhà đầu tư nên hạn chế bán tháo cổ phiếu trong vùng giá thấp này. Những nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh 900- 920 điểm (vùng tích lũy đầu năm 2019) nếu có sẽ là cơ hội mua tốt cho nhà đầu tư.
Cũng theo Agriseco, đối với những nhà đầu tư ngắn hạn, rủi ro trong ngắn hạn là khó lường nên hạ tỷ trọng cổ phiếu để bảo toàn vốn, bán dứt khoát các cổ phiếu thuộc ngành bị ảnh hưởng như hàng không, du lịch, dầu khí.
Đối với nhà đầu tư trung dài hạn, có thể tiếp tục chờ đợi thị trường giảm sâu hơn để mua tích lũy các cổ phiếu cơ bản tốt, không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh corona như ngành dược, thép, ngân hàng.
Ở một góc nhìn khác, VNDirect lại cho rằng, nhóm ngành dược, vật tư y tế và bán lẻ dược có thể được hưởng lợi, tuy nhiên quy mô của nhóm ngành này còn nhỏ. Cụ thể hơn, các doanh nghiệp được phép nhập khẩu thuốc (đặc biệt là thuốc đặc trị) và các công ty phân phối, sản xuất vật tư y tế là các doanh nghiệp chính được hưởng lợi.
Còn lại đa phần các doanh nghiệp dược trong nước chủ yếu sản xuất các sản phẩm kháng sinh, thuốc chữa bệnh đơn giản và thực phẩm chức năng không được hưởng lợi từ sự bùng phát của dịch.
Tuy nhiên, hầu hết các báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán đều đưa ra những thống kê giống nhau về mối liên hệ giữa các trận đại dịch với chỉ số chứng khoán. Theo đó, các trận đại dịch SARS, H5N1, H1N1 cho thấy thị trường chứng khoán thường giảm mạnh trong giai đoạn dịch bùng phát nhưng tăng trở lại ít nhất trung bình 8,5% sau đó 6 tháng. Ngoài ra, thống kê cũng cho thấy khi đại dịch đạt đỉnh thì cũng là thời điểm thị trường chứng khoán bắt đầu tạo đáy và tăng điểm trở lại.
Linh Đan