Sau thời điểm dịch nCoV bùng phát mạnh (từ ngày 20/1) thì nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng rất mạnh lên đến hơn 2,82 tỷ USD tại các thị trường chứng khoán (TTCK) châu Á trong 2 tuần cuối tháng 1.
Cụ thể, Hàn Quốc bị bán ròng nhiều nhất với 462,7 triệu USD, Thái Lan 410,3 triệu USD, Indonesia 195,9 triệu USD, Philippines 92,2 triệu USD, Đài Loan 891,6 triệu USD, Malaysia 154,1 triệu USD.
Điểm sáng Việt Nam
Ở chiều ngược lại, cũng trong tuần từ 20/1-31/1, nhà đầu tư nước ngoài lại duy trì mua ròng với giá trị khoảng hơn 490 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam. Còn trên thị trường trái phiếu chính phủ, tính trong cả tháng 1/2020, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngay trong phiên giao dịch sau đó (31/1), khối ngoại đã giảm mạnh mức bán xuống còn 16 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ; đồng thời quay trở lại mua ròng tại thị trường trái phiếu với giá trị 144 tỷ đồng.Thực tế, trong phiên giao dịch sau kỳ nghỉ Tết (30/1), TTCK Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị là 182 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và 18 tỷ đồng trái phiếu.
Diễn biến giao dịch của dòng tiền ngoại trên TTCK cũng vẫn tiếp tục giằng co trong những phiên giao dịch đầu tháng 2 khi quay lại mua ròng trong phiên 3/2, song lại bán ròng trong phiên 4/2.
Đánh giá về hoạt động của khối ngoại trên TTCK, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho rằng, nhiều khả năng đây chỉ là giao dịch “mang tính thị trường” và không thể hiện xu hướng bán ròng, đặc biệt không thể hiện dấu hiệu rút ròng trên TTCK Việt Nam.
Ông Dũng thừa nhận, việc bùng phát của dịch corona đã tạo ra hệ lụy khá lớn khiến thị trường giảm điểm sâu trong những phiên giao dịch sau Tết. Tuy nhiên, sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước, những cải thiện trong chính sách và môi trường kinh doanh của Việt Nam cùng với sức mạnh nội tại của TTCK trong nước như: kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết khá lạc quan với 86,1% tổng số công ty đã thực hiện báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2019 có lãi, cao hơn mức 84,1% của cùng kỳ năm 2018; độ minh bạch, quản trị công ty được cải thiện; ngày càng đa dạng sản phẩm phòng vệ rủi ro là các yếu tố nhà đầu tư cần xem xét để có thái độ thận trọng, tránh phản ứng thái quá.
Đặc biệt, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam hiện được định giá ở mức 15,07 lần, thấp hơn khá nhiều so với các thị trường trong khu vực như Ấn Độ (24,57), Indonesia (19,88), Nhật Bản (18,92), Malaysia (18,28), Philippines (16,94), Thái Lan (18,94). “Tôi cho rằng, đây là yếu tố hấp dẫn, có sức hút đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài đến TTCK Việt Nam”, ông Dũng nói.
Ngay cả khi điều kiện thị trường không thuận lợi nhất, TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn được dòng vốn ngoại |
Nhiều câu chuyện đáng chú ý
Nhìn lại diễn biến thị trường trong vòng hơn 1 năm qua có thể thấy, ngay cả khi điều kiện thị trường không thuận lợi nhất, TTCK Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Việt Nam luôn là quốc gia “níu chân” được dòng vốn ngoại. Còn nhớ, hồi giữa năm năm 2019, trước diễn biến căng thẳng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung Quốc cùng với sự biến động của đồng Nhân dân tệ, nhà đầu tư nước ngoài đã có xu hướng rút ròng ra khỏi các thị trường cận biên.
Tuy nhiên, giá trị danh mục cuối tháng 9/2019 của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam tăng thêm 4,3 tỷ USD, tăng 13% so với cuối năm 2018 đã minh chứng cho sự quan tâm ngày càng cao của nhà đầu tư nước ngoài.
Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán của Chứng khoán BIDV (BSC) được phát hành mới đây đã chỉ ra 6 câu chuyện chi phối TTCK trong năm 2020.
Đầu tiên là câu chuyện thu hút dòng vốn nước ngoài đón đầu kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Cụ thể, năm 2020, dự thảo về Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư cũng sẽ được đệ trình lên Quốc hội, với kỳ vọng dự kiến các Luật này được thông qua sẽ giúp Việt Nam đáp ứng các yêu cầu nâng hạng thị trường như cải thiện khung pháp lý về giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL), hoạt động thanh toán và quy chuẩn công bố thông tin.
Tiếp theo đó là việc thị trường đã cho ra mắt 3 bộ chỉ số mới (VN Diamond, VNFIN Lead và VNFIN Select) phần nào giải quyết bất cập đối với nhà đầu tư nước ngoài bởi những quy định về tỷ lệ sở hữu thông qua việc giải ngân gián tiếp vào các quỹ ETF bám theo các chỉ số này.
Bên cạnh đó là tiến trình cổ phần hóa, niêm yết và chuyển sàn từ năm 2020 sẽ cải thiện hơn trước áp lực hoàn thành kế hoạch do tiến độ chậm chạp trong vòng giai đoạn năm 2018-2019. Câu chuyện thay đổi thứ tự trong rổ VN30 cũng được dự báo sẽ có ảnh hưởng lớn đến Vn-Index năm 2020.
Theo dự báo của BSC, nhóm VN30 sẽ tiếp tục có thêm sự bổ sung chất lượng từ các cổ phiếu lớn khác trong kỳ tái cơ cấu danh mục quý I/2020 là POW (Pv Power) và PLX (Petrolimex), cổ phiếu bị loại tương ứng là DPM và CTD, nhóm các cổ phiếu dự phòng là TPB, GEX, KDH, DXG. Theo đó, trong trường hợp POW và PLX được thêm vào, nhóm danh mục VN30 mới sẽ chiếm khoảng 81,3% tổng vốn hóa Vn-Index.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu blue chip, đặc biệt là các nhóm ngành ngân hàng, bán lẻ và công nghệ thông tin được dự báo sẽ là các nhóm duy trì được mức tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số trong năm 2020.
Cuối cùng là câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công, dự kiến sẽ chưa có nhiều biến chuyển tích cực trong năm 2020, tuy nhiên được kỳ vọng thay đổi trạng thái từ năm 2021 bởi Luật Đầu tư công mới chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020 giúp đẩy nhanh các thủ tục xét duyệt về nguồn vốn, cải thiện tiến độ giải ngân.
Linh Đan