![]() |
Những số liệu tài chính cho thấy hoạt động kinh doanh của Afiex có hiệu quả, "sức khỏe" tài chính lành mạnh |
Theo đó, SCIC dự kiến chào bán hơn 17,85 triệu cổ phiếu AFX (tương ứng 51% vốn điều lệ) thông qua phương thức đấu giá công khai cả lô với giá khởi điểm là 18.900 đồng/cp vào ngày 10/9 tới và chỉ bán cho nhà đầu tư trong nước. Nếu giao dịch thành công, SCIC dự kiến thu về ít nhất 337 tỷ đồng.
Thời gian nộp hồ sơ năng lực cho phiên đấu giá này từ ngày 12 - 31/8 tại Chi nhánh phía Nam của SCIC. Thời gian đăng ký và nộp tiền đặt cọc từ ngày 3 - 9/9 tại các đại lý đấu giá. Thời gian nộp phiếu tham dự đấu giá là trước 14h00 ngày 10/9 tại HoSE.
Trên thị trường chứng khoán, dù thị giá của cổ phiếu AFX đã phục hồi từ đáy 2.800 đồng/cp (thời điểm đầu tháng 4/2020) và đang trên đà tăng trong thời gian qua, nhưng hiện chỉ đang giao dịch quanh mức giá 7.000 đồng/cp, cách khá xa mức giá khởi điểm mà SCIC đưa ra.
Afiex được thành lập năm 1990 từ sự sáp nhập của 3 công ty là Công ty Chăn nuôi, Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản và Xí nghiệp Khai thác chế biến thủy sản theo mô hình doanh nghiệp nhà nước của UBND tỉnh An Giang. Năm 2011, Afiex trở thành công ty đại chúng và hoạt động theo mô hình CTCP; đến năm 2016, cổ phiếu AFX của công ty được giao dịch trên UPCoM.
Afiex duy trì vốn điều lệ 350 tỷ đồng từ năm 2011 đến nay, ngành nghề kinh doanh chính của công ty là mua bán lương thực, sản phẩm chăn nuôi; mua bán nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, dịch vụ cung cấp vật nuôi…
Về cơ cấu cổ đông, bên cạnh SCIC là cổ đông lớn nhất nắm giữ 51% cổ phần, 49% cổ phần còn lại do 835 cổ đông trong nước nắm giữ, trong đó 3 tổ chức nắm 29,2%, còn lại là các cổ đông cá nhân.
Mặc dù vậy, 2 trong 3 cổ đông tổ chức nói trên đều là các tổ chức liên quan đến nhà nước, bao gồm Tổng công ty Lương thực miền Nam - CTCP (Vinafood 2) nắm giữ 20,52% và Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết An Giang sở hữu 8,63%. Vinafood 2 từng chào bán toàn bộ số cổ phiếu AFX mà doanh nghiệp này nắm giữ vào năm 2015 với giá 10.200 đồng/cp nhưng không thành công.
Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của Afiex đạt 434,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 11,9 tỷ đồng, lần lượt tăng 2,9% và 77,86% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng giá trị tài sản vào ngày 30/6/2020 đạt 399,6 tỷ đồng, giảm 15,6% so với thời điểm 1/1/2020. Về nguồn vốn, Afiex có khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 12,2 tỷ đồng, giá trị nợ thấp chỉ có 29,16 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 114,8 tỷ đồng ghi nhận hồi đầu năm 2020.
Trong một diễn biến liên quan, SCIC vừa phải hủy phiên đấu giá trọn lô hơn 46 triệu cổ phiếu FPT với giá khởi điểm 49.400 đồng/cp, tương đương tổng trị giá khoảng gần 2.300 tỷ đồng do kết thúc thời hạn đăng ký tham gia và nộp tiền cọc vẫn không có nhà đầu tư nào quan tâm, bất chấp FPT là doanh nghiệp tăng trưởng tốt.
Cũng giống với Afiex, lô cổ phần FPT này của SCIC cũng không thể bán cho khối ngoại vì đã hết room. Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến phiên đấu giá của SCIC “ế nặng”.
Ngoài ra, tỷ lệ cổ phần nắm giữ sau khi bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng chỉ đạt được mục tiêu đầu tư tài chính bởi tỷ lệ sở hữu nhỏ (gần 6%) không đủ để tham gia vào công tác quản trị doanh nghiệp cũng là yếu tố ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của phiên đấu giá.
Từ những diễn biến này, có ý kiến tỏ ra lo ngại về kịch bản của lô cổ phiếu AFX sắp được bán tới đây sẽ tương tự với FPT. Tuy nhiên, kết quả vẫn là khó đoán định bởi lô cổ phần của SCIC tại Afiex là tỷ lệ chi phối và số tiền để nhà đầu tư phải bỏ ra cũng nhỏ hơn rất nhiều so với FPT.
L.L