Vietnam Airlines xin Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 12.000 tỷ đồng (Ảnh: Internet) |
Báo cáo về tình hình hoạt động của Vietnam Airlines bị ảnh hưởng dịch Covi-19, Tổng giám đốc Dương Trí Thành cho biết: "Dịch covid-19 gây ra không chỉ riêng chúng tôi mà các hãng hàng không khác đều chịu thiệt hại nặng nề".
Cổ đông lớn gặp khó, Vietnam Airlines không còn nguồn vay
Đánh giá về sự sụt giảm nghiêm trọng này, ông Thành cho rằng: "Vietnam Airlines đang phát triển vững mạnh nhưng dịch Covid-19 làm đảo lộn toàn bộ khiến doanh nghiệp lỗ ròng 15.000 tỷ đồng. Nếu áp dụng chậm lại khấu hao, chính sách về thuế xăng dầu dự kiến bớt được 2.200 tỷ đồng nên sẽ lỗ 13.000 tỷ đồng".
Mặc dù hiện nay, thị trường nội địa đã tăng đến 85% so với thời điểm trong tháng 3 và tháng 4, nhưng doanh thu vẫn chưa phục hồi do phần lớn là các chặng bay ngắn, bán với giá rẻ.
Tổng giám đốc Vietnam Airlines dự đoán thị trường hàng không nội địa đến hết năm 2021 mới có thể phục hồi bằng mức trước dịch - năm 2019, còn quốc tế phải đến hết năm 2022.
"Chúng tôi đề nghị Chính phủ - với vai trò là chủ sở hữu hỗ trợ khẩn cấp 12.000 tỷ đồng, nếu không đến cuối tháng 8 sẽ rất khó khăn", ông Thành nói và khẳng định, vượt qua giai đoạn thiếu vốn trước mắt, Vietnam Airlines sẽ phục hồi và phát triển bền vững sau khủng hoảng.
Trong khó khăn, Vietnam Airlines cũng đã “cầu cứu” All Nippon Airways (ANA) của Nhật Bản – cổ đông nắm giữ 8,6% vốn của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, cũng chung như các hãng hàng không toàn cầu, ANA thậm chí còn khó khăn hơn khi đang phải tìm cách vay 10 tỷ USD, nên không còn nguồn tiền cho Vietnam Airlines vay.
Đánh giá về vai trò của Chính phủ trong việc "giải cứu" ngành hàng không, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng: "Vai trò của Chính phủ là chủ sở hữu, là cơ quan quản lý nhà nước tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các hãng hàng không".
Hiện nay, hầu hết các chính phủ trên thế giới đều “giải cứu” ngành hàng không quốc gia vì có đầy đủ năng lực nên cần phải duy trì. Vietnam Airlines là hãng bị tác động nhưng cũng là nhân tố đầu tiên phục hồi nhanh nhất. Vì vậy, với tư cách là chủ sở hữu, Chính phủ nên có trách nhiệm với các biện pháp hoặc chính sách tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines.
TS. Nguyễn Đình Cung nêu nhận định, vừa qua, Chính phủ đã có các giải pháp hỗ trợ ngành hàng không với vai trò quản lý nhà nước, nhưng chưa có các triển khai giải pháp với vai trò là chủ sở hữu của Vietnam Airlines.
“Hiến kế” gỡ khó cho Vietnam Airlines, ông Cung cho rằng, cần xử lý tháo gỡ theo cơ chế đặc thù do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không chỉ theo các khung pháp lý/quy định sẵn có. Các giải pháp cần phải vừa đảm bảo tính khả thi, vừa không tạo áp lực cân đối thu – chi trong tương lai; nguồn trả nợ và lãi vay cũng như các chỉ số tài chính của Vietnam Airlines không quá mất cân đối.
Cần cơ chế đặc thù
Theo đó, ông Cung nêu ra 3 phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp. Phương án thứ nhất là tăng vốn điều lệ: Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đầu tư vào Vietnam Airlines. Phương án thứ 2 là chuyển giao vốn giữa các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Phương án thứ 3 là vay vốn từ chủ sở hữu nhà nước.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cả 3 phương án đều có cơ sở pháp lý và có tính khả thi, nhưng cần có cơ chế đặc thù để triển khai.
Ở phương án 1, điều cần lưu ý là phần vốn do SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines cần được xác định là tài sản của SCIC đầu tư vào doanh nghiệp khác và không nên áp dụng quy định về phạm vi đầu tư vốn nhà nước tại Nghị định 91.
Phương án 2, việc chuyển giao vốn nhà nước về Vietnam Airlines có cơ sở pháp lý, nhưng phải được thông qua tại đại hội đồng cổ đông.
Với phương án 3, mọi phương án vay Chính phủ cũng cần có sự thống nhất ý kiến, sự chấp thuận từ đại hội đồng cổ đông và các bộ liên quan theo đúng trình tự pháp luật hiện hành.
Giải đáp về việc đầu tư vốn cho Vietnam Airlines, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng: "Hiện, Ủy ban quản lý vốn nhà nước và SCIC đã tiếp xúc với nhau và cho rằng cơ hội có thể đầu tư. Tuy nhiên, nếu là cơ hội đầu tư SCIC mất 6 - 9 tháng với các thủ tục vai trò nhà đầu tư tài chính thông thường sẽ không kịp tiến độ của Vietnam Airlines.
Vị này cho biết, Vietnam Airlines phát hành tăng vốn sẽ vướng về Luật Chứng khoán nên muốn phát hành phải trình Quốc hội. Mặt khác, Vietnam Airlines chưa đưa ra được "bức tranh" (tức kế hoạch) tương lai lâu dài của ngành hàng không (dự báo tương lai khoản đầu tư chưa có) nên SCIC với tư cách nhà đầu tư sẽ là rất khó.
"SCIC được Chính phủ chỉ định với vai trò đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã tổ chức các cuộc họp, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ Vietnam Airlines, trong đó các giải pháp hỗ trợ thanh khoản Vietnam Airlines mang tính ngắn hạn mà phải có phương án tổng thể tái cấu trúc, dự báo các kịch bản từng năm bởi bỏ tiền vào phải duy trì được dòng vốn", đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nói.
Bên cạnh đó, SCIC với chức năng đầu tư là có theo chỉ định của Chính phủ nhưng vẫn là doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo Luật số 69 về Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp nêu rõ việc đầu tư phải đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn khi đầu tư vào doanh nghiệp.
Vì vậy, trong trường hợp SCIC rót vốn vào Vietnam Airlines thì hoàn toàn không làm được do khoản đầu tư này chưa thể khẳng định có bảo toàn được nên cần phải có cơ chế đặc thù, miễn trừ hồi hồi tố thì mới dám "nhảy" vào làm. Thắc mắc khác là khi SCIC thực hiện thì các quy trình thực hiện đầu tư ra sao?
Hoàng Hà