Số lượng cổ phần mà SCIC nắm giữ tại FPT chỉ đạt 5% vốn điều lệ của doanh nghiệp này (Ảnh: internet) |
Hình thức đấu giá là cả lô, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được tham gia đấu giá do tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại tại FPT đã đạt mức tối đa 49%. Có ý kiến cho rằng đây sẽ là điểm trừ đối với cổ phiếu FPT trong phiên đấu giá.
Thời gian đăng ký và nộp tiền cọc là từ ngày 31/7/2020 đến 16h00 ngày 6/8/2020, thời gian nộp phiếu tham dự đấu giá là từ 9h00 đến 14h00 ngày 7/8/2020. Buổi đấu giá dự kiến tổ chức ở Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vào 14h30 ngày 7/8/2020.
Công ty cổ phần FPT tiền thân là Công ty Công nghệ Thực phẩm (The food Processing Technology Company), thành lập vào năm 1988. Năm 2006, doanh nghiệp này bắt đầu niêm yết chính thức với mã FPT trên sàn HoSE. Hiện nay, FPT chủ yếu kinh doanh ở mảng công nghệ, viễn thông và giáo dục.
Về cơ cấu cổ đông của FPT, hiện SCIC đang nắm giữ 5,87% vốn điều lệ, Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình nắm giữ 7,07% vốn điều lệ. Nhóm cổ đông nước ngoài đang sở hữu hơn 384 triệu cổ phần, tương ứng 49% vốn điều lệ.
Việc thoái vốn FPT đã được SCIC lên kế hoạch cách đây hơn 3 năm, tuy nhiên đến nay đơn vị này mới chính thức đấu giá công khai cổ phần FPT. Nếu đấu giá thành công, SCIC dự kiến thu về tối thiếu 2.273 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh của FPT, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 được FPT công bố hồi cuối tháng 4, quý vừa qua, doanh nghiệp này đạt trên 6.600 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận trước thuế đạt trên 1.100 tỷ đồng, tăng 19%. Tuy nhiên, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của FPT trong quý I/2020 lại âm (-) 443 tỷ đồng. Nguyên nhân là do doanh nghiệp này phải chi lượng lớn tiền để thanh toán các khoản nợ phải trả, chủ yếu là nợ phải trả người bán ngắn hạn và người lao động.
Không chỉ FPT, tới đây SCIC cũng sẽ thoái vốn tại Thủy sản Khánh Hòa (mã: KSE) và Công ty Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn (mã: SMA). Ngoài ra, trong quý III, SCIC có thương vụ bán vốn nghìn tỷ kỳ vọng sẽ thành công là Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex, mã: VOC).
SCIC dự kiến bán 36% vốn Vocarimex, tương đương 44,2 triệu cổ phiếu. Thông tin chi tiết chưa được công bố nhưng năm trước SCIC từng muốn bán vốn tại Vocarimex với giá 22.300 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị bán hơn 980 tỷ đồng.
Tập đoàn Kido, cổ đông lớn nắm 51% vốn Vocarimex, đánh tiếng sẽ mua phần vốn doanh nghiệp này từ SCIC với mức giá hợp lý. Kido đang muốn hợp nhất các đơn vị thành viên gồm Kido Foods, Dầu Tường An và cả Vocarimex. Trong đó, Vocarimex đang nắm 26,55% vốn Dầu Tường An nên Kido phải có phương án giải quyết vấn đề liên quan vốn nhà nước trước khi thực hiện hợp nhất.
Trong nửa đầu năm, việc thực hiện thoái vốn của SCIC không thực sự khởi sắc, thiếu vắng các thương vụ nghìn tỷ. Nhiều phiên đấu giá không thể diễn ra do không có nhà đầu tư tham gia như phiên đấu giá bán trọn lô 9% vốn Nhiệt điện Hải Phòng, 6% vốn Công ty Dược Khoa, 45,72% vốn Công ty Đầu tư Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Hóa…
Phiên thoái vốn đáng chú ý nhất của SCIC là bán 17,56 triệu cổ phiếu Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco5) thu về 342 tỷ đồng. Ngoài ra, phiên bán vốn Tổng công ty tư vấn Xây dựng Thủy lợi Việt Nam cũng giúp SCIC thu về 185,6 tỷ đồng. Mức giá trúng bình quân 86.100 đồng/cp, gấp 3,2 lần giá khởi điểm.
Vào đầu tháng 7, SCIC đã bán thành công lô gần 5 triệu cổ phần, chiếm 97,42% vốn Công ty Chăn nuôi Tiền Giang. Giá đấu thành công 20.600 đồng/cp, gấp đôi giá khởi điểm. Tổng số tiền thu về là 102 tỷ đồng.
Theo tiết lộ của lãnh đạo SCIC mới đây, Tổng công ty đã bán được khoảng 700 tỷ đồng vốn nhà nước trong 6 tháng đầu năm, hoàn thành 54% kế hoạch năm.
N.K