![]() |
Dự kiến SCIC sẽ thoái toàn bộ 63% vốn tại Seaprodex vào quý III/2020 (Ảnh: Internet) |
Ngay trước thềm SCIC thoái vốn, Seaprodex vừa có diễn biến mới đáng chú ý khi xuất hiện một nhà đầu tư cá nhân là ông Nguyễn Văn Hùng mua vào gần 25 triệu cổ phiếu SEA, tương đương 19,97% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Seaprodex và trở thành cổ đông lớn.
Trước giao dịch này, ông Hùng không sở hữu cổ phiếu SEA nào. Giao dịch thực hiện ngày 4/6/2020. Cũng trong phiên này, xuất hiện các giao dịch khớp lệnh gần 25,44 triệu cổ phiếu SEA với giá khớp lệnh bình quân 15.040 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị giao dịch gần 382 tỷ đồng.
Ngay sau đó, HNX công bố thông tin ông Ngô Minh Anh, một cổ đông lớn của Seaprodex, đã bán ra toàn bộ 25,125 triệu cổ phiếu SEA (tỷ lệ 20,1%) và không còn là cổ đông lớn. Giao dịch thực hiện cũng trong ngày 4/6. Nếu tạm tính theo giá khớp lệnh trong cùng phiên, tổng số tiền ông Ngô Minh Anh thu về gần 377 tỷ đồng.
Quay trở lại hơn 2 năm trước, giai đoạn giữa tháng 12/2017 tại Seaprodex đã diễn ra những biến động lớn về cổ đông. CTCP Đầu tư và Phát triển Chấn Phong bán hết 25,125 triệu cổ phiếu SEA đang sở hữu. Và người mua số cổ phần này chính là ông Ngô Minh Anh. Đây là giao dịch thỏa thuận với giá thỏa thuận bình quân 12.200 đồng/cp, tương ứng tổng số tiền ông Minh Anh chi ra khoảng 307 tỷ đồng...
Đáng chú ý, sau giao dịch của ông Hùng, cổ phiếu SEA đã tăng trần liên tiếp 4 phiên và hiện đang giao dịch quanh mức 22.000 đồng/cp, tăng 53% so với thời điểm đầu năm.
Bên cạnh Seaprodex, SCIC cũng đang chuẩn bị thoái vốn tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex - mã: VOC), thời gian dự kiến cũng trong quý III/2020. SCIC cho biết, nếu thoái vốn thành công tại cả Seaprodex và Vocarimex, nhiều khả năng Tổng công ty sẽ hoàn thành kế hoạch cả năm.
Trong công tác đầu tư thời gian tới, đại diện SCIC cho biết, sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng có thể lên tới “nhiều nghìn tỷ đồng". Khoản đầu tư này cũng được xác định là dài hạn, nhiều năm sau mới có lãi.
Việc SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines cũng được coi như một hướng giải pháp để nhanh chóng đưa hãng hàng không này vượt qua khó khăn hậu Covid-19.
Ngoài dự định đầu tư vào Vietnam Airlines, lãnh đạo SCIC cũng cho biết việc đang tiếp cận, nghiên cứu khả năng đầu tư vào một số dự án trọng điểm của Nhà nước có nhu cầu vốn như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam, đầu tư mua cổ phần tại một số ngân hàng, doanh nghiệp lớn…
Về quy mô đầu tư, SCIC đặt kế hoạch đến năm 2025, tổng tài sản đạt khoảng 82.000 tỷ đồng theo giá trị sổ sách.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, trên cơ sở mô hình tài chính được tính toán dựa vào quy mô vốn tiếp nhận, giá trị bán vốn tại doanh nghiệp hiện hữu được xác định trên cơ sở danh mục 31/12/2019, nhu cầu tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp hiện hữu và dòng tiền tài chính như cổ tức, trái tức, vốn điều lệ SCIC tăng thêm… dự kiến mỗi năm SCIC có thể giải ngân từ 13.000 - 16.000 tỷ đồng.
SCIC cho biết sẽ tập trung vốn vào những ngành, lĩnh vực then chốt để tạo động lực, nhân tố mới, lan tỏa cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo ước tính đến ngày 30/6, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của SCIC lần lượt đạt 52% và 53% kế hoạch. Trong đó, nguồn thu từ cổ tức đạt 52% kế hoạch, doanh thu từ bán vốn Nhà nước đạt 700 tỷ đồng (đạt 50% kế hoạch năm). Được biết, trong cả năm 2019, SCIC chỉ thu về 314 tỷ đồng từ bán vốn nhà nước.
H.T