Chiều 5/9, tại phiên họp của Tổ công tác triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn đã công bố Quyết định về việc thành lập Tổ công tác, Tổ giúp việc triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Chủ động công tác triển khai
Tổ công tác có 3 nhiệm vụ chính gồm: Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố trong công tác triển khai thi hành Luật Thủ đô; phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ và cơ quan của Trung ương về thi hành Luật Thủ đô; điều phối, gắn kết việc triển khai thi hành Luật Thủ đô với việc triển khai thực hiện Quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô.
Hà Nội sẽ ban hành 39 văn bản thi hành Luật Thủ đô trong năm 2024. |
Về văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, thành phố chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn tham gia xây dựng 6 Nghị định, gồm: Nghị định quy định chi tiết về tổ chức, hoạt động của UBND phường của thành phố Hà Nội; Nghị định quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp; Nghị định quy định chi tiết về thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; Nghị định quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm; Nghị định quy định chi tiết Luật Thủ đô về hợp đồng xây dựng - chuyển giao và Nghị định quy định về thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp, tham gia góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Đối với tiến độ xây dựng văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô, theo thẩm quyền, HĐND, UBND thành phố sẽ soạn thảo, ban hành 114 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt; có 87 văn bản là Nghị quyết do HĐND thành phố ban hành và 27 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của UBND thành phố.
Trong 114 văn bản, tiến độ trong năm 2024 ban hành 39 văn bản, các văn bản còn lại được ban hành trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Tại phiên họp, các thành viên Tổ công tác đã thảo luận nhằm xác định rõ các nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc soạn thảo, ban hành các văn bản để tổ chức thi hành Luật Thủ đô.
Bên cạnh đó, Tổ công tác cũng đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để bảo đảm tiến độ, hiệu quả của việc soạn thảo, ban hành các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Đưa Luật sớm đi vào cuộc sống
Đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của các sở ngành, đơn vị trong triển khai Luật Thủ đô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị, đối với danh mục văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt phải ban hành để hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, các đơn vị cần tuân thủ đúng thời gian trình UBND thành phố và HĐND thành phố xem xét theo quy trình, thủ tục rút gọn đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Luật Thủ đô sửa đổi được kỳ vọng tạo cơ chế đặc thù giúp Hà Nội cất cánh. |
Ông Lê Hồng Sơn cũng đề nghị Sở Tư pháp với vai trò cơ quan thường trực Tổ công tác xác định rõ các nhiệm vụ cần thực hiện như tổ chức hội thảo, tọa đàm, đề xuất thuê chuyên gia… nhằm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt thi hành Luật Thủ đô, báo cáo thành phố xem xét.
Trước đó, cho ý kiến đối với các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nội vụ trong Luật Thủ đô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh 3 yêu cầu cần quan tâm đưa vào, gồm: Thứ nhất là xây dựng chính sách thu hút nhân tài kèm chế độ đãi ngộ đi kèm; thứ hai là rà soát lại tất cả Nghị quyết HĐND đã ban hành về phân cấp, ủy quyền; thứ ba là công tác thi đua khen thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Như VnBusiness đã đưa tin, vào sáng ngày 28/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với 462/470 đại biểu tán thành. Các nội dung của Luật Thủ đô được thông qua được các đại biểu đánh giá là rất toàn diện.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, đánh giá Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ có giá trị pháp lý đặc biệt quan trọng, cùng với hai quy hoạch của Thủ đô đã xin ý kiến Quốc hội và sẽ trình Thủ tướng phê duyệt, sẽ tạo được một khuôn khổ giá trị cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý cho Thủ đô Hà Nội triển khai thực hiện các nhiệm vụ, những chính sách và những đột phá mới, những tư duy, tầm nhìn mới để đáp ứng được yêu cầu trọng trách mà Đảng, Nhà nước cũng như nhân dân cả nước tin tưởng, giao phó. Từ đó xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại theo đúng tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
Sau 10 năm thi hành, những quy định của Luật Thủ đô đã giúp thành phố Hà Nội thiết lập các công cụ pháp lý tương đối đồng bộ cho việc xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô, tạo sự chuyển động tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Các cơ chế đặc thù quy định trong Luật đã giúp thành phố huy động được nguồn lực, tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung. Kinh tế Thủ đô đạt tốc độ tăng trưởng tốt.
Trên nền tảng đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) với những quy định hoàn thiện hơn sẽ là điểm tựa để Hà Nội hướng tới xây dựng Thủ đô trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên khu vực và thế giới.
Chủ tịch TP.Hà Nội là Tổ trưởng Tổ công tác triển khai thi hành Luật Thủ đô Theo Quyết định số 4279/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác, Tổ giúp việc triển khai thi hành Luật Thủ đô, Tổ công tác sẽ bao gồm 46 thành viên, trong đó Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh là Tổ trưởng Tổ công tác triển khai thi hành Luật Thủ đô; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn là Tổ phó Thường trực. Tổ giúp việc của Tổ công tác có 41 thành viên, trong đó đồng chí Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tư pháp là Tổ trưởng. |
Vũ Phong