Theo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2024 trên địa bàn TP ước tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất và phân phối điện giảm 4,2% và tăng 1%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải giảm 3% và tăng 8,8%; ngành khai khoáng tăng 2,7% và tăng 10,7%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng
Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9%; công nghiệp khai khoáng giảm 1,5%.
Hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo trong 8 tháng năm 2024 có 20/23 ngành sản xuất có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ, trong đó một số ngành tăng khá như: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 19%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,7%; sản xuất thiết bị điện tăng 9,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 9,5%; sản xuất trang phục tăng 7,7%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đang phục hồi tích cực. |
Bên cạnh đó, 3 ngành sản xuất có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 5,1%; sửa chữa, bảo dưỡng máy móc giảm 4,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 1,8%.
Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước đến cuối tháng 8/2024 tăng 0,6% so với tháng trước và tương đương cùng kỳ năm 2023.
Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 12,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 1,8 tỷ USD, tăng 17,1%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 1,5 tỷ USD, tăng 10,4%; hàng dệt may đạt 1,5 tỷ USD, tăng 2,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,4 tỷ USD, tăng 18,9%; xăng dầu đạt 1 tỷ USD, tăng 17,3%; hàng nông sản đạt 982 triệu USD, tăng 43,3%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 524 triệu USD, tăng 5%; hàng hóa khác đạt 3 tỷ USD, tăng 11,1%.
Chuyển biến cả về chất và lượng
Có thể thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thủ đô đang có sự hồi phục tích cực. Công tác xúc tiến thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tiếp tục được đẩy mạnh thời gian qua. Đến đầu năm 2024, Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348 ha, tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt hơn 95%.
Nổi bật như Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP), giai đoạn 1 diện tích 76,9 ha đã có 6 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, cơ bản lấp đầy; Khu công viên Công nghệ thông tin Hà Nội (quận Long Biên) diện tích 36 ha đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư thứ phát; Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, diện tích 302 ha đang trong giai đoạn thực hiện giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án...
Lũy kế đến nay, số dự án thứ phát đang hoạt động tại các khu công nghiệp là 710 dự án, trong đó có 302 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đăng ký gần 6,7 tỷ USD, 408 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký hơn 26.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án có vốn đầu tư lớn của các công ty đa quốc gia có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao như Canon, Yamaha, Meiko, Terumo, Hoya…
Hà Nội chủ trương hút dòng vốn vào các lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao. |
Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long cho biết, Ban Quản lý đã thường xuyên phối hợp các sở, ngành, Trung tâm xúc tiến Đầu tư, thương mại, du lịch TP xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp với các hình thức đa dạng, phong phú.
Các khu công nghiệp của Hà Nội đã thu hút gần 165 nghìn người lao động (trong đó lao động nước ngoài là trên 1.100 người), bình quân 1 ha đất đã tạo việc làm cho hơn 160 lao động. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp và phát triển kinh tế-xã hội của TP…
Hút dòng vốn vào lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao
Với những nền tảng đang có, Hà Nội dự kiến tiếp tục phát triển thêm các khu, cụm công nghiệp mới, tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống hạ tầng khu công nghiệp theo hướng đồng bộ hiện đại, phù hợp với nhu cầu thực tế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư.
Đồng thời, tăng cường chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, chủ động lựa chọn các dự án phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, trong đó ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao, hiện đại...
Đặc biệt, để đẩy mạnh công tác phát triển các khu công nghiệp, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo đột phát trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá Thủ đô trên nền tảng năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững. Xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển mô hình khu công nghiệp mới đối với các mô hình phù hợp khu công nghiệp TP Hà Nội như mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghiệp - đô thị - dịch vụ...
Đáng chú ý, trong Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội được định hướng thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học; phát triển sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao...
Để hoàn thành những mục tiêu đặt ra, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính thông thoáng, có tính cạnh tranh cao, nâng cao chất lượng dịch vụ công nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư... Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền công tác quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp để tạo cơ chế "một cửa, tại chỗ" thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đông Phong