Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Công điện số 16/CĐ-UBND yêu cầu triển khai phòng, chống lũ, hộ đê theo cấp báo động để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, trong đó phải bảo đảm an toàn cho các tuyến đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt trên địa bàn.
Nguy hiểm vẫn thường trực
Khảo sát cho thấy mưa lũ kéo dài nhiều ngày qua khiến hệ thống đê sông ở nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội gặp nhiều sự cố. Đơn cử, do nước lớn, bờ bao sông Tích tại nhiều xã của huyện Thạch Thất đã bị tràn. Đáng chú ý, tại xã Đồng Trúc ghi nhận tình trạng sạt lở 5m bờ bao Gò Sui.
Tại Thanh Oai, trong ngày 11/9 ghi nhận hai vị trí bị sạt lở mái đê tả Đáy. Trong đó, cung sạt tại vị trí K31+680 đến K31+760 hiện đã ổn định, còn cung sạt tại vị trí K29+500 đến K29+590 có phát sinh.
Các sự cố đê điều trên địa bàn Hà Nội đang được xử lý kịp thời nhưng nguy cơ vẫn đang rất lớn. |
Trong khi đó, trên hệ thống sông Nhuệ thuộc huyện Phú Xuyên cũng xảy ra sụt lún mái đê phía hạ lưu thôn Đồng Tiến (xã Phượng Dực) dài 168m. Cùng với đó là tình trạng trượt, sạt mái đê phí hạ lưu thôn Trung Lập (xã Tri Trung) dài 70m.
Cũng tại Phú Xuyên, trên địa bàn xã Hồng Minh ghi nhận sạt mái và mặt đê phía thượng lưu thôn Đông dài 200m; sạt mái phía hạ lưu ở xã Vân Từ dài 30m và mặt đường bê tông bờ sông Nhuệ nứt dài 25m.
Với sự chủ động trong công tác chuẩn bị phòng chống, xử lý sự cố, các địa phương đã nhanh chóng huy động nguồn lực, nhân lực, phương tiện để xử lý kịp thời. Đến nay, các vị trí bị sạt lở, nứt vỡ, hư hỏng đều đã được kiểm soát, đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Trong bối cảnh diễn biến thời tiết phức tạp, nguy cơ trên các tuyến đê điều vẫn thường trực, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 16 về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên địa bàn.
Công điện nhấn mạnh, những ngày qua, trên địa bàn Thành phố liên tiếp xảy ra mưa lớn diện rộng, lũ trên nhiều tuyến sông ở mức báo động 2, báo động 3, một số nơi trên báo động 3 gây ngập lụt nghiêm trọng cho vùng ven sông, đe dọa an toàn hệ thống đê điều trên địa bàn Thành phố.
Phòng chống lũ, hộ đê theo cấp báo động
Theo dự báo, lũ trên các tuyến sông còn tiếp tục lên, duy trì ở mức cao trong nhiều ngày, trong bối cảnh nhiều năm qua hệ thống đê điều trên địa bàn Thành phố không chịu tác động của lũ lớn, có thể xảy ra nguy cơ uy hiếp an toàn đê điều.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố theo địa bàn phụ trách trực tiếp tới các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lũ, hộ đê.
Hà Nội chủ động phòng chống lũ, hộ đê theo cấp báo động, giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể xảy ra. |
Cụ thể, tập trung rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các địa bàn trọng điểm đê điều xung yếu theo "phương châm bốn tại chỗ"; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhất là tại các địa bàn trọng điểm xung yếu để kịp thời triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu.
Tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm đúng quy định của Luật Đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các sự cố có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn tỉnh mạng cho người dân sinh sống tại các khu vực ngoài bãi sông (kể cả trong các tuyến đê bối có nguy cơ mất an toàn), kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm khi lũ lên cao (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).
Chủ tịch TP. Hà Nội giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã triển khai công tác phòng, chống lũ, hộ đê theo cấp báo động để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, trong đó phải bảo đảm an toàn cho các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt.
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô được giao chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực thực hiện nhiệm vụ hộ đê theo đúng quy định; chỉ đạo các lực lượng quân đội trên địa bàn chủ động phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các phương án hộ đê và sẵn sàng triển khai lực lượng tại các vị trí trọng điểm xung yếu để chủ động, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
Công an Thành phố được giao chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực sơ tán dân cư đi và đến, trật tự an toàn giao thông, sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ các quận, huyện, thị xã thực hiện cứu hộ cứu nạn, ứng phó lũ lớn.
Về giao thông đường thủy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, không để xảy ra sự cố đối với phương tiện giao thông đường thủy gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, các cầu qua sông, nhất là trên các tuyến sông có lũ lớn.
Lũ sông Hồng, sông Đáy đoạn qua Hà Nội đang xuống Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ cho biết, mực nước thực đo lúc 12h trưa ngày 12/9 trên sông Hồng, đoạn quận Long Biên (Hà Nội) ở mức 11,08m (dưới báo động lũ cấp III là 0,42m, giảm 12cm so với lúc 7h). Mực nước trên sông Đuống tại quận Long Biên (Hà Nội) là 10,43m (trên báo động lũ cấp II là 0,43m, giảm 13cm so với lúc 7h sáng). Trong những giờ tới, mực nước các sông Hồng, Đuống tiếp tục giảm. Đến 19h tối nay, mực nước sông Hồng tại Hà Nội ở mức 10,85m, trên báo động lũ cấp II là 35cm, giảm 23cm so với 12h trưa; mực nước sông Đuống ở mức 10,2m, trên báo động lũ cấp II là 20cm, giảm 23cm so với trưa nay. Dù vậy, lũ sông Hồng, Đuống vẫn ở mức cao gây ngập lụt vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, vùng ven sông, sạt và xói lở đất bờ bãi ven sông; nguy cơ mất an toàn đối với các tuyến đê thuộc các quận, huyện, thị xã: Sơn Tây, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thanh Trì, Gia Lâm, Long Biên, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đông Anh… |
Hà Đô