Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, tổng kế hoạch vốn bố trí năm 2021, năm 2022 đến nay là 62.315,3 tỷ đồng, bằng 26,5% tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố.
Tỷ lệ giải ngân vẫn… chậm
Về tình hình thực hiện thủ tục đầu tư các dự án mới, thành phố có thêm 69 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó có 6 công trình trọng điểm (gồm 4 dự án giao thông và 2 dự án di tích); có thêm 33 dự án được phê duyệt.
Dù câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công chưa được như mong đợi, nhưng khách quan mà nói, một số dự án đầu tư công chuyển tiếp từ năm 2021 đang gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. |
Dù đã có nhiều cố gắng, song kết quả thực hiện kế hoạch chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư phê duyệt dự án chậm. Nhiều dự án mới dự kiến hoàn thành trong giai đoạn này nhưng với tiến độ chuẩn bị đầu tư hiện nay khó bảo đảm khả năng hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Đối với các dự án trọng điểm, thành phố có 39 dự án trọng điểm nhưng tiến độ triển khai của các dự án rất chậm. Dự án có sử dụng vốn ngân sách có 32 dự án; dự án sử dụng nguồn vốn khác có 1 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và 6 dự án sử dụng vốn xã hội hóa.
Đặc biệt, đối với các dự án sử dụng vốn ODA, tiến độ triển khai chậm, hầu hết vướng công tác giải phóng mặt bằng và một số dự án có thời gian điều chỉnh dự án, hiệp định vay kéo dài. Tổng kế hoạch vốn ODA cấp phát, vay lại chiếm kế hoạch vốn lớn trong trung hạn và hằng năm của cấp thành phố (giai đoạn 2021-2025 chiếm 24,9%; năm 2021 chiếm 30,8%; năm 2022 chiếm 15,7%) nhưng tỷ lệ giải ngân/kế hoạch vốn giao hằng năm thấp (năm 2021 đạt 25,3%; năm 2022, đến ngày 22-8-2022 đạt 17,06%).
Trong bối cảnh đó, mới đây UBND thành phố trình Hội đồng nhân dân phương án điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 như sau: Về dự án xây dựng cơ bản cấp thành phố, điều chỉnh giảm 1.228,3 tỷ đồng, giảm 1.465,7 tỷ đồng của 35 dự án, trong đó có 32 dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp thành phố và 3 dự án theo cơ chế đặc thù sử dụng nguồn thu từ đất.
Điều chỉnh tăng 237,4 tỷ đồng cho 18 dự án, trong đó có 1 dự án khẩn cấp, 14 dự án đang triển khai bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ/hoàn thành dự án và 3 dự án mới đủ điều kiện bố trí vốn.
Quyết tâm hoàn thành kế hoạch giải ngân 2022
Dù câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công chưa được như mong đợi, nhưng khách quan mà nói, một số dự án đầu tư công chuyển tiếp từ năm 2021 đang gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, UBND thành phố cũng chỉ ra nguyên nhân chủ quan như một số chủ đầu tư và một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, chưa làm đúng theo cam kết của đơn vị với thành phố…
Trong bối cảnh đó, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 123/KH-UBND về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các công trình trọng điểm của thành phố, được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm công tác năm 2021 và đẩy nhanh thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022.
Một trong những mục tiêu là hoàn thành 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 kéo dài sang năm 2022; phấn đấu hoàn thành giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, bảo đảm chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn.
Để đảm bảo tiến độ giải ngân 2022, TP Hà Nội đưa ra những giải pháp như: Yêu cầu các cấp tăng cường theo dõi, chủ động kiểm tra, rà soát dự án, rút ngắn tối đa thời gian, tiến độ thực hiện, đảm bảo chất lượng công trình; khẩn trương hoàn thành công việc còn tồn đọng của các dự án; thực hiện thủ tục thanh toán cho dự án ngay sau khi có khối lượng được nghiệm thu; thực hiện bàn giao, hoàn thành hồ sơ, thủ tục thanh toán, quyết toán dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Về định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố, UBND thành phố dự kiến là 52.600 tỷ đồng, tăng 1,97% so với năm 2022. Theo đó, thành phố dự kiến tập trung bố trí vốn để thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của thành phố (xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn I; Cung Thiếu nhi; dự án Xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá; Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II...).
Trong đó, đặc biệt ưu tiên bố trí vốn cho dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo tiến độ triển khai; các dự án thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án có tính chất liên kết vùng (cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai; xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình...); các dự án nhiệm vụ chi cấp thành phố thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, khâu đột phá của thành phố theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Thành phố phấn đấu trong năm 2023, hoàn thành 80 dự án.
Phương Thảo