Các nghiên cứu gần đây chỉ ra, giao thông đường bộ chính là nguồn đóng góp lớn nhất vào ô nhiễm bụi PM2.5 tại Hà Nội. Tùy vào từng điểm, mức độ đóng góp của các nguồn chiếm tỷ lệ khác nhau. Nguồn giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn có ảnh hưởng cao nhất (từ 58% đến 74%)...
Xây dựng vùng phát thải thấp
Trước những diễn biến thực tế, thành phố Hà Nội đã đề xuất các mục tiêu, chính sách bảo vệ môi trường vào Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua.
Cụ thể, tại Khoản 6, Điều 3, Luật Thủ đô quy định vùng phát thải thấp là khu vực được xác định để hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường, nhằm cải thiện chất lượng không khí.
Hà Nội sẽ xây dựng vùng phát thải thấp để giảm ô nhiễm không khí. |
Bà Lê Thanh Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường, Sở TN&MT Hà Nội cho hay, khái niệm về vùng phát thải thấp trong Luật Thủ đô không đề cập đến việc cấm hẳn một loại phương tiện nào, mà chỉ nhấn mạnh vào việc hạn chế các phương tiện gây phát thải ra môi trường.
Hiện, Sở TN&MT Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình HĐND thành phố vào tháng 12. Nếu nghị quyết được thông qua, từ ngày 1/1/2025, thành phố sẽ có hành lang pháp lý chính thức về các điều kiện và tiêu chí cần thiết, từ đó tạo cơ sở cho chính quyền địa phương đánh giá thực trạng và khả năng để xây dựng hồ sơ kỹ thuật về vùng phát thải thấp.
Sau khi Nghị quyết được thông qua, Sở TN&MT Hà Nội, Giao thông Vận tải, Quy hoạch - Kiến trúc và các sở, ngành khác sẽ đánh giá tổng thể các yếu tố về điều kiện, tiêu chí và giải pháp dựa trên thực tiễn và năng lực thực thi của khu vực được đề xuất rồi trình UBND thành phố xem xét, thông qua.
Các điều kiện, tiêu chí ở các vùng, các quận, huyện sẽ khác nhau. Việc xây dựng và ban hành các quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xây dựng “vùng phát thải thấp” là hành lang pháp lý quan trọng để các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố xác định các khu vực phù hợp, xây dựng và thực thi “vùng phát thải thấp” phù hợp với đặc thù, điều kiện, năng lực của địa phương, bảo đảm tính khả thi với mục tiêu cuối cùng là cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe người dân.
Theo lộ trình thực hiện vùng phát thải thấp năm 2025-2030, Hà Nội lựa chọn khu vực quận Hoàn Kiếm để thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp, đánh giá hiệu quả và đề xuất nhân rộng mô hình ở các địa phương.
Dự kiến, khu vực thí điểm sẽ cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng phát thải thấp, ưu tiên ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4, xe máy đáp ứng tiêu chuẩn mức 2. 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh, tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng cho vùng phát thải thấp đạt 45-50%.
Các cá nhân, tổ chức sinh sống và làm việc tại vùng phát thải thấp sẽ được ưu tiên lộ trình 12 tháng để chuyển đổi phương tiện đạt tiêu chuẩn khí thải cho phép lưu thông ở vùng này.
Thúc đẩy giao thông xanh
Cùng với xây dựng vùng phát thải thấp, Hà Nội cũng sẽ đẩy nhanh xanh hóa hệ thống giao thông. Theo thống kê, đến hết tháng 4, thành phố có hơn 8 triệu phương tiện, trong đó trên 1,1 triệu ô tô và hơn 6,9 triệu xe máy với gần 73% xe đã sử dụng trên 10 năm.
Theo các chuyên gia môi trường, để cải thiện chất lượng không khí một cách bền vững, việc phát triển giao thông xanh là vô cùng cần thiết, nhằm hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường.
Bởi lẽ, giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén... Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG, xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… chính là tham gia giao thông xanh, bảo đảm môi trường.
Khuyến khích người dân đi phương tiện công cộng là giải pháp phát triển giao thông xanh. |
Trong lộ trình xanh hóa giao thông, Hà Nội đang khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, trong đó có xe buýt điện.
Mới nhất, UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố".
Đề án nhằm đưa ra kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022.
Đồng thời, Đề án đề xuất các giải pháp chuyển đổi, phát triển và đạt được tỷ lệ 100% phương tiện sử dụng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh vào năm 2035.
Theo phương án chuyển đổi, trong đầu năm 2025, có 4 đơn vị vận tải (gồm Tổng công ty vận tải Hà Nội, Công ty cổ phần Vận tải Newway, Công ty liên doanh Vận chuyển quốc tế Hải Vân, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến) sẽ đầu tư và vận hành thí điểm 5 tuyến xe buýt điện, với 76 xe (11 xe buýt nhỏ, 65 xe trung bình), để xây dựng định mức, đơn giá cho chủng loại xe buýt điện sức chứa trung bình và nhỏ.
Đối với các tuyến buýt hết hạn thầu trong năm 2025, dự kiến thành phố sẽ chuyển đổi phương tiện động cơ diezel lớn hết khấu hao sang xe buýt điện lớn (tuyến buýt số 34 với tổng số dự kiến 27 xe). Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong năm 2025 là 103 xe, bằng 5% tổng số phương tiện chuyển đổi.
Từ năm 2026, dự kiến Thành phố sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đầy đủ cho các chủng loại xe buýt điện, các đơn vị sẽ thay thế phương tiện đã hết thời gian khấu hao (10 năm) trên từng tuyến.
Để thực hiện đề án này, TP. Hà Nội sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu bài học kinh nghiệm phát triển vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên thế giới và sử dụng các phương pháp thống kê, phân tích, khảo sát và kinh nghiệm chuyên gia để đề xuất các giải pháp.
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội nhìn nhận trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng trở thành vấn đề thách thức, việc xây dựng vùng phát thải thấp và xanh hóa hệ thống giao thông là cần thiết.
Tuy nhiên, thành phố phải nâng cao chất lượng hạ tầng công cộng, trong đó các tuyến xe buýt cần xây dựng có tính kết nối cao hơn. Có như vậy mới giúp Thủ đô xanh hơn, người dân khỏe mạnh hơn và là nơi đáng sống hơn.
Nam Phong