Sáng ngày 15/11, Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn năm 2024 chính thức diễn ra tại Ba Vì (Hà Nội), hội tụ hơn 500 sản phẩm OCOP đến từ Hà Nội, Cần Thơ, Cao Bằng, Hải Phòng, TP.HCM, Hưng Yên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Tuyên Quang.
Đẩy mạnh quảng bá, kết nối giao thương
Được tổ chức trong thời gian 5 ngày, từ ngày 15 - 19/11, Tuần hàng là cơ hội giúp các chủ thể OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước giao lưu, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực chủ thể OCOP đặc biệt là người tiêu dùng hiểu biết hơn về sản phẩm để quan tâm sử dụng.
Ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng Chuyên trách, Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết Hà Nội có không gian phát triển nông nghiệp rộng lớn, quy mô sản phẩm nông nghiệp đứng đầu cả nước, diện tích lúa trên 155 nghìn ha, rau 35.000 ha, thủy sản 24.000ha, chăn nuôi 1,5 triệu con lợn, 47 triệu gia cầm.
Hà Nội đang tích cực tổ chức các sự kiện quảng bá, kết nối giao thương cho sản phẩm làng nghề. |
Thành phố Hà Nội đến nay có 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2024, phấn đấu có thêm ít nhất 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Hà Nội là "đất trăm nghề" hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 334 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận, đồng thời có 1.090 HTX nông nghiệp, 1.695 trang trại, 149 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm.
Đáng chú ý, thành phố đang có hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, trên 13.000 sản phẩm nông lâm thủy sản đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc (QRCode), đặc biệt Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố trên cả nước đã chủ động, tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển 977 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Lũy kế từ 2019 đến nay Hà Nội đã đánh giá, chứng nhận 3.021 sản phẩm OCOP. Năm 2024, thành phố tiếp tục đánh giá, phân hạng khoảng 500 sản phẩm nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP phát triển, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và tiến tới xuất khẩu.
Phát huy tiềm năng của các làng nghề
Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn năm 2024 chỉ là một trong rất nhiều sự kiện được thành phố Hà Nội tổ chức trong những năm qua nhằm giới thiệu các sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn tới người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Những chính sách hỗ trợ, kết nối, quảng bá thông minh đang giúp Hà Nội phát triển thành công hàng nghìn mô hình kinh tế hiệu quả trong các làng nghề. Điển hình như mô hình sản xuất kết hợp du lịch sinh thái của HTX hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (huyện Thường Tín).
Sau gần 10 năm thành lập và hoạt động hiệu quả, đến nay HTX Hồng Vân có 24 thành viên và nhiều hộ liên kết. Với mô hình HTX kiểu mới, HTX hoạt động theo kim chỉ nam là phát huy thế mạnh của từng hộ để tạo thành một chuỗi mắt xích.
Sản xuất xanh kết hợp phát triển du lịch cộng đồng là một trong những hướng đi được nhiều làng nghề Hà Nội triển khai. |
Nắm bắt xu hướng của thị trường, các hộ dân ở làng Hồng Vân đã chuyển đổi từ việc trồng các loại cây cảnh có giá trị lớn như sanh, si, tùng, mai,... sang các loại cây phổ biến, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như hoa hồng, giấy, lộc vừng hay các loài thảo dược và cây ăn quả.
Hoạt động hiệu quả của HTX không chỉ mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ thành viên chuyên trồng hoa và cây cảnh, mà còn góp phần làm cảnh quan thêm sạch - đẹp và thu hút nhiều khách du lịch về xã Hồng Vân.
Có thể nói quá trình phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX, và hộ sản xuất tại các làng nghề vẫn gặp nhiều khó khăn.
Để phát triển làng nghề, trong thời gian qua, Thành phố đã triển khai nhiều cơ chế và chính sách, trong đó có thí điểm phát triển 6 làng nghề gắn với du lịch và xây dựng 9 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề. Đặc biệt, Thành phố tập trung phát triển các cụm công nghiệp, tạo điều kiện phát triển làng nghề bền vững.
Một hướng đi mới đầy tiềm năng là việc gắn kết phát triển làng nghề với du lịch văn hóa. Việc tổ chức các tour du lịch trải nghiệm làng nghề không chỉ giúp quảng bá sản phẩm mà còn tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân địa phương.
Các làng nghề như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, hay tranh Đông Hồ đã và đang thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước nhờ vào những trải nghiệm độc đáo, mang đậm giá trị truyền thống, cùng hơi thở thời đại.
Tựu trung lại, để phát huy vị thế của “đất trăm nghề”, Hà Nội đang tích cực triển khai những chiến lược phát triển tổng thể, với sự đầu tư đúng hướng, nhằm giúp các làng nghề tăng trưởng bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, mang lại lợi ích cao cho người dân.
Sắp diễn ra Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ 3 Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ 3 năm 2024 diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 29/11 đến ngày 3/12 tại Khu đô thị Mailand HaNoi City, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội. Đây là sự kiện quan trọng thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, 70 năm ngày thành lập Đảng bộ khối các cơ quan Thành phố Hà Nội, 70 năm ngày thành lập Sở Canh nông (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 30/11/1954 – 30/11/2024). Festival gồm nhiều hoạt động như sự kiện trưng bày, quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chương trình thu hút 260 đơn vị tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp và làng nghề, trong đó có 152 đơn vị của 25 quận, huyện, thị xã của Hà Nội; 116 đơn vị của 25 tỉnh, thành phố bạn và 32 đơn vị, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. |
Nam Phong