Sau rất nhiều nỗ lực, thương vụ đã được 8 trong số 9 cơ quan quản lý có liên quan trên toàn thế giới thông qua, nhưng thành công của việc mua bán này giờ lại phụ thuộc hoàn toàn vào việc Trung Quốc có chấp thuận hay không. Quyết định này chắc chắn chịu tác động không nhỏ của tiến trình đàm phán hiệp định thương mại song phương mới, rộng hơn giữa hai nước Trung Quốc - Mỹ, vốn chưa biết lúc nào mới đi đến hồi kết.
Câu chuyện dài kỳ
Có vẻ như chờ đợi “không là hạnh phúc” trong trường hợp này, nên Qualcomm đã sốt sắng thúc đẩy việc gặp các nhà quản lý của Trung Quốc, trước cả khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đến Trung Quốc vào đầu tháng 6 tới.
Thứ Sáu tuần trước (ngày 25/5), một phái đoàn của Qualcomm đã có cuộc đàm phán được đánh giá là khá hiệu quả với các quan chức của Cơ quan quản lý nhà nước về quy chế thị trường (SAMR) tại Bắc Kinh.
Cùng với những dấu hiệu gần đây về sự tan rã trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, vốn khiến cả hai bên đưa ra mức thuế quan trị giá hàng chục tỷ USD, kết quả đàm phán tốt ban đầu giúp công ty có trụ sở tại San Diego này có thể “lạc quan một cách thận trọng”.
Một tín hiệu tích cực khác là đầu tháng này, cơ quan chống độc quyền của Trung Quốc đã chấp thuận việc đầu tư của Qualcomm với một đơn vị của công ty nhà nước là Datang Telecom Technology Co. để thiết kế, đóng gói và thử nghiệm các chipset điện thoại thông minh, đúng một năm sau khi liên doanh được công bố.
Trong những tuần gần đây, Qualcomm đã khởi động lại các cuộc đàm phán vốn đã phải tạm dừng kể từ cuối năm ngoái. Hồi tháng Tư, công ty cũng đã nộp lại hồ sơ lên cơ quan quản lý chống độc quyền của Trung Quốc, để xin chấp thuận cho thỏa thuận NXP.
Rõ ràng, Quanlcomm rất muốn sớm hoàn tất thương vụ này. Việc mua lại nhà sản xuất chip dành cho ôtô của Hà Lan sẽ giúp công ty có thể mở rộng sang thị trường chip sử dụng trong ôtô đang phát triển nhanh chóng và giảm sự phụ thuộc vào thị trường điện thoại thông minh không còn nhiều tiềm năng trong tương lai. Không những thế, một bạn hàng lớn của Qualcomm là Apple cũng đã quyết định sử dụng modem của Intel cho sản xuất iPhone 2018, thay vì modem của Qualcomm như trước đây. Và điều này, càng khiến áp lực đổi mới đặt lên công ty ngày một lớn hơn.
Qualcomm chi 44 tỷ USD mua lại NXP |
Có chung đoạn kết với thương vụ ZTE?
Dù không có mối liên hệ rõ ràng giữa các vấn đề của ZTE, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ và việc chấp thuận thương vụ sáp nhập của Qualcomm - NXP, có thể dễ dàng nhận thấy giữa chúng có “những mối liên kết ngầm”. Thời điểm diễn ra các cuộc thảo luận hiện tại của cả ba vấn đề diễn ra khá tương đồng và đều cùng tốt lên, rõ ràng “không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên”.
Hôm 25/5, chính quyền của Tổng thống Trump cho biết đã đạt được thỏa thuận cho phép ZTE Corp hoạt động kinh doanh trở lại tại nước này, sau khi công ty viễn thông Trung Quốc chấp nhận trả khoản tiền phạt 1,3 tỷ USD và thay đổi cách thức quản lý.
Trước đó, vào tháng Tư, ZTE đã bị cấm mua các linh kiện công nghệ của Mỹ trong 7 năm, sau khi bị phát hiện vi phạm một thỏa thuận liên quan tới các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên. Việc giải quyết lệnh cấm bán hàng cho ZTE ngay lập tức trở thành ưu tiên quan trọng hàng đầu đối với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc.
Giờ đây, khi mọi thứ dần được xử lý xong xuôi, việc Quanlcomm mua lại NXP cũng đang có những bước tiến tích cực. Rõ ràng, việc Mỹ và Trung Quốc giải quyết căng thẳng thương mại đến đâu, nhanh chậm thế nào sẽ có tác động không hề nhỏ đến thương vụ mua lại của Qualcomm.
Cả ba bên liên quan đến vụ mua lại này, Qualcomm, NXP và cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc đều chưa đưa ra bình luận về những thông tin này. Tuy vậy, một nguồn tin thân cận cho biết các bên đang đến rất gần với một “kết thúc có hậu”.
Hải Châu