Shazam được biết đến là một trong những ứng dụng phổ biến nhất trên toàn thế giới, với hơn 1 tỷ lượt tải và hơn 20 triệu lần sử dụng mỗi ngày.
Ứng dụng này giúp người dùng xác định tên bản nhạc mà họ chỉ biết giai điệu, rồi sau đó cho phép họ nghe lại trên các dịch vụ phát trực tuyến như Spotify, Apple Music, Deezer và Google Play Music.
Và cũng chính nhờ đó, Shazam đã có thể thu thập và lưu trữ một lượng dữ liệu khổng lồ từ khách hàng.
Điều tra đến nơi đến chốn
Lượng thông tin này lại được Shazam cung cấp cho ngành công nghiệp âm nhạc. Nhờ đó, các hãng thu âm có thể nhanh chóng nắm bắt được thói quen nghe nhạc của người dùng.
Tuy nhiên, Ủy ban cạnh tranh của châu Âu lo ngại rằng một khi đã mua lại Shazam, Apple có thể sử dụng chính những dữ liệu này để “lái” khách hàng của đối thủ, khuyến khích họ chuyển sang dùng Apple Music.
Vì vậy, một cuộc điều tra là cần thiết, để đánh giá xem các đối thủ cạnh tranh của Apple có bị thiệt thòi không, nếu Apple ngừng chia sẻ dữ liệu từ ứng dụng Shazam cho các dịch vụ khác.
Bên cạnh đó, cuộc điều tra cũng giúp bảo đảm rằng các tín đồ âm nhạc sẽ tiếp tục được hưởng những ưu đãi phát trực tuyến hấp dẫn và không bị cắt bớt lựa chọn.
Agustín Reyna - cố vấn trưởng về cạnh tranh của Tổ chức người tiêu dùng châu Âu (BEUC), nhìn nhận thỏa thuận này là một ví dụ khác về tình trạng các công ty kỹ thuật số vừa nổi lên là bị nuốt chửng bởi một vài “gã khổng lồ” công nghệ trực tuyến.
Trong khi đó, việc dữ liệu của người dùng lọt hết vào tay các tập đoàn công nghệ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với cạnh tranh.
Tháng 2/2018, Brussels từng mở một cuộc điều tra sơ bộ về thỏa thuận này, sau khi có 7 quốc gia thành viên bày tỏ lo ngại rằng mục đích sâu xa của vụ mua lại có thể ảnh hưởng tiêu cực tới cạnh tranh. Và bây giờ, cuộc điều tra mới sẽ kéo dài hơn và chi tiết hơn, với hạn chót để Ủy ban đưa ra phán quyết cuối cùng là tháng 9/2018.
Trong khi Apple từ chối đưa ra bình luận về thông báo này, Shazam vẫn rất tự tin. Ứng dụng này khẳng định, kể từ khi là một trong những ứng dụng đầu tiên được giới thiệu trên App Store đến nay, Shazam đã luôn hợp tác chặt chẽ với Apple và rõ ràng không có “ngôi nhà” nào tốt cho tương lai của Shazam hơn là chính Apple.
Apple Music hiện có hơn 40 triệu người dùng thường xuyên, bằng khoảng một nửa số người đăng ký sử dụng của đối thủ cạnh tranh Spotify (đã vượt 71 triệu khách hàng trả tiền vào cuối năm 2017).
Mua lại Shazam là một trong những bổ sung quan trọng cho chiến lược dịch vụ của Apple |
Tham vọng tranh đấu của Apple
Việc mua lại Shazam là một trong những bổ sung quan trọng cho chiến lược dịch vụ của Apple, vốn được hãng kỳ vọng sẽ đạt doanh thu 50 tỷ USD hàng năm vào năm 2020. Tính đến hết năm 2017, Apple có hơn 240 triệu khách hàng trả tiền cho các dịch vụ của công ty, bao gồm Apple Music, iCloud và App Store.
Shazam nếu được tích hợp cũng sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của những chiếc iPhone thế hệ tiếp theo, nhất là trong bối cảnh đối thủ Google mới đây đã đưa công nghệ nhận diện tượng tự Shazam vào chiếc Pixel 2 cao cấp.
Công nghệ này liên tục lắng nghe âm nhạc xung quanh và hiển thị tên bài hát lên màn hình. Rõ ràng, Apple “lời lớn” khi có được một ứng dụng nổi tiếng mà giá mua lại thấp hơn nhiều so với định giá ban đầu (lên đến 1 tỷ USD).
Dữ liệu của Shazam cũng sẽ giúp Apple Music “học theo” được một trong những tính năng phổ biến nhất của Spotify: Danh sách phát tự động hàng tuần Discover Weekly, theo đó đề xuất các bài hát mới dựa trên thói quen nghe nhạc của người dùng.
Tính năng này được xây dựng cũng nhờ vào một thương vụ mua lại khác của Spotify, khi hãng đã mua lại công ty khởi nghiệp về phân tích âm nhạc có tên The Echo Nest trước đó.
Spotify gần đây cũng đã công bố hợp tác với Hulu, một công ty video trực tuyến, qua đó cho phép ứng dụng này cung cấp thêm các chương trình truyền hình và phim, bên cạnh danh mục âm nhạc thuần túy từ trước đến nay. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng của người dùng và chống lại sự cạnh tranh từ Apple và Amazon.
Hải Châu