Hình thức xử lý với Facebook sau bê bối Cambridge Analytica đã được Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) thông qua. Cơ quan quản lý yêu cầu Facebook tái cấu trúc ban giám đốc, buộc phải có ủy ban bảo mật độc lập. FTC cho biết ủy ban này sẽ tước bỏ quyền kiểm soát của CEO Mark Zuckerberg liên quan đến quyền riêng tư của người dùng, chịu trách nhiệm chỉ định nhân viên tham gia vào chương trình bảo mật của Facebook.
Các yêu cầu khác bao gồm tăng cường giám sát của Facebook với ứng dụng do bên thứ ba phát triển, cấm lấy số điện thoại của người dùng cho mục đích bảo mật rồi lại dùng nó để bán quảng cáo. Mạng xã hội lớn nhất cũng được yêu cầu minh bạch việc lấy dữ liệu khuôn mặt người dùng, thiết lập chương trình bảo mật mới, toàn diện, mã hóa và thường xuyên kiểm tra bất thường về mật khẩu của người dùng.
"Trong tương lai, khi chúng tôi ra một tính năng mới hoặc sửa đổi tính năng hiện hành để có thể sử dụng dữ liệu theo cách mới, Facebook sẽ phải lưu ý mọi rủi ro và chúng tôi đang thực hiện các bước để giảm thiểu chúng", CEO Mark Zuckerberg viết trên Facebook. "Chúng tôi hy vọng hàng trăm kỹ sư và hàng nghìn nhân viên của toàn công ty sẽ thực hiện công việc quan trọng này".
CEO mạng xã hội lớn nhất thế giới bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ tước quyền kiểm soát liên quan đến quyền riêng tư của người dùng.(Ảnh Internet) |
Ngoài ra, Facebook còn phải nộp phạt kỷ lục 5 tỷ USD. "Đây là mức phạt lớn nhất từng được áp dụng với bất kỳ công ty nào vi phạm quyền riêng tư của người dùng và lớn gấp gần 20 lần mức phạt kỷ lục trước đây liên quan đến bảo mật hay quyền riêng tư được áp dụng trên toàn cầu", FTC cho biết.
Hai thành viên của FTC, Rohit Chopra và Rebecca Kelly Slaughter, cho rằng hình phạt trên không đủ sức răn đe với Facebook. "Trường hợp này rất khó để định lượng khoản tiền thiệt hại do vi phạm gây ra nhưng có lý do chính đáng để thấy rằng mức phạt 5 tỷ USD với Facebook là không đáng kể", Slaughter nói với CNBC.
Năm 2012, Facebook cam kết với FTC rằng sẽ không chia sẻ dữ liệu của người dùng với bên thứ ba khi chưa được sự cho phép của họ. Tuy nhiên, đến tận 2015, Facebook mới thực sự chặn quyền truy cập của Cambridge Analytica. FTC mở cuộc điều tra liên quan tới các hoạt động dữ liệu của Facebook vào tháng 3/2018, một tuần sau khi có thông tin về vụ Cambridge Analytica thu thập dữ liệu của hàng chục triệu người dùng Facebook.
VT (Theo VnExpress)