VN-Index khép lại tuần từ 13-17/6 đầy “sóng gió” với mức giảm 5,2%, trong đó nhiều nhóm ngành giảm sâu, và cổ phiếu ngân hàng cũng không thoát khỏi vòng xoáy bán tháo. Đây cũng là nhóm ngành tác động tiêu cực nhất lên chỉ số chung của thị trường.
“Sắc đỏ” không ngừng bao trùm
Tuần qua, khối lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài đối với nhóm ngành ngân hàng tăng mạnh tới hơn 14,5 triệu cổ phiếu, gấp khoảng 3 lần so với tuần trước. Song nhìn chung cả tuần, giao dịch diễn biến tiêu cực vẫn là xu hướng chung của nhóm ngành này.
Cùng với thị trường chung, cổ phiếu ngân hàng cũng không thoát khỏi vòng xoáy bán tháo. (Ảnh minh họa) |
Trong 27 cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên sàn chứng khoán, có tới 24 mã giảm giá trong tuần qua, áp đảo 3 mã tăng giá.
Cụ thể, VIB của Ngân hàng VIB là cổ phiếu giảm mạnh nhất trong ngành, mất 21% trong tuần, đưa thị giá rớt về 20.650 đồng/cp, thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Tính chung cả tuần, VIB có tới 3 phiên giảm sàn.
Hàng loạt cổ phiếu khác cũng giảm trên 15% tuần qua như LPB của LienvietPostBank (-19,5%), MSB của Ngân hàng MSB (-18,3%), KLB của KienlongBank (-17,6%), PGB của PG Bank (-15,6%), MBB của Ngân hàng MB (-15,3%). Các mã ghi nhận đà giảm nhẹ nhất là VCB của Vietcombank (-2,1%), VAB của VietABank (-4,9%), HDB của HDBank (-5%),…
Đáng chú ý, sau thời gian liên tục giảm, hiện cổ phiếu VAB đã rơi xuống dưới mệnh giá, đóng cửa tuần ở mức 9.800 đồng/cp. Ngoài ra, 2 cổ phiếu VBB của Vietbank và ABB của ABBank cũng về sát mệnh giá, chốt phiên 17/6 lần lượt ở mức 10.300 đồng/cp và 10.100 đồng/cp.
Trên diễn đàn đầu tư chứng khoán, anh Chu Giang (Hà Nội) chia sẻ: “Thực sự là không còn niềm tin với cổ phiếu ngân hàng. Chắc một năm nữa mới quay trở lại đầu tư vào nhóm cổ phiếu này”.
Trước đó, hồi đầu năm, hầu hết các mã trong nhóm "cổ phiếu vua” đều được các chuyên gia đánh giá cao nhờ kỳ vọng vào lợi nhuận tăng trưởng tốt trong năm 2022. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, cổ phiếu nhóm này vẫn lao dốc, bất chấp những phiên thị trường “thăng hoa”. Và khi thị trường rơi vào “cơn lốc” bán tháo trên diện rộng, đây cũng chính là nhóm cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất.
Theo góc độ tích cực, các công ty chứng khoán cho rằng, sau đợt bán tháo ồ ạt trên thị trường kể từ đầu tháng 4, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã “bay” trên dưới 40% giá trị, đưa định giá về mức rất hấp dẫn.
Thống kê cho thấy, trong vòng chưa đầy 3 tháng, nhiều mã cổ phiếu gần như đã “bốc hơi” một nửa thị giá như KLB (-44%), VIB (-40%), PGB (-40%), SHB (-39%), OCB (-38%), MSB (-37%), STB (-35%),…
“Định giá ngành ngân hàng hiện tại theo P/B (1,6x) đã giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm (2,0) và thấp hơn so với VN-Index”, Chứng khoán Agriseco nhận định.
Tương tự, trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng quý II/2022, Chứng khoán BIDV (BSC) cũng nhận định rằng ngành ngân hàng đang có mức định giá hấp dẫn so với mức tăng trưởng lợi nhuận.
Tuy nhiên, theo VNDirect, ngành ngân hàng đang phải đối mặt với không ít khó khăn do lo ngại về lạm phát, NIM thu hẹp và nợ xấu gia tăng khi Thông tư 14 kết thúc. Hơn nữa, mặc dù việc Chính phủ có những động thái quản lý và giám sát chặt chẽ hơn đối với thị trường vốn và bất động sản sẽ giúp cải thiện tính minh bạch và bền vững của thị trường trong dài hạn, nhưng vẫn khiến nhà đầu tư có tâm lý dè chừng đối với nhóm cổ phiếu này.
Một điểm đáng lưu ý là P/B của ngành ngân hàng quý I/2022 lại là vùng đỉnh của nhiều năm. Khi định giá đang ở vùng đỉnh cộng với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận không khác biệt thì khó có thể hút được dòng tiền. Trong khi đó, nửa đầu năm 2021, giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng trưởng rất tốt so với nội tại nên lực đẩy ở thời điểm hiện tại không còn cao.
“Kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận cao của nhóm ngân hàng đã có từ quý IV/2021, các bên đều nhìn thấy rõ, mà nguyên lý của thị trường là cái gì đã rõ ràng rồi thì không còn thú vị”, chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường nêu quan điểm.
Cung vượt cầu?
Theo Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), giá trị giao dịch bình quân phiên trên sàn trong tháng 5/2022 chỉ còn gần 15.000 tỷ đồng, giảm 32% so với tháng 4 và thấp hơn nhiều so với 22.000 tỷ đồng/phiên trong năm ngoái.
Số liệu của Fiin Pro cho thấy, giai đoạn 2021-2023, số lượng cổ phiếu mà doanh nghiệp niêm yết có kế hoạch chào bán là hơn 20,5 tỷ đơn vị, riêng thực hiện trong năm 2021 là 19,87 tỷ đơn vị. Ngân hàng, chứng khoán và bất động sản là 3 nhóm doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn nhiều nhất.
Điều này cho thấy, trong khi dòng tiền có xu hướng rời đi thì ngược lại, nguồn cung cổ phiếu lại tăng rất mạnh trong các năm qua.
Theo thống kê, năm 2022, các ngân hàng đang giao dịch trên cả 3 sàn có kế hoạch phát hành thêm hơn 12,2 tỷ cổ phiếu, thông qua chia cổ tức, thưởng, phát hành riêng lẻ, chào bán cho cổ đông hiện hữu và ESOP.
Những ngân hàng dự kiến phát hành nhiều cổ phiếu nhất có thể kể đến như: VPBank phát hành gần 3,428 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức 50% và chào bán riêng lẻ 15% vốn cho nhà đầu nước ngoài. SHB phát hành hơn 978,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 15%, chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 20% và chào bán 45,12 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP. Vietcombank phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 và 2020 theo tỷ lệ 18,1%. MB phát hành phát hành 820,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 20% và chào bán riêng lẻ. ACB phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 theo tỷ lệ 25%;…
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, sau mỗi đợt thị trường chứng khoán tăng mạnh, doanh nghiệp niêm yết sẽ tận dụng thực hiện các đợt phát hành lớn để tăng vốn, đồng nghĩa với lượng cổ phiếu trôi nổi ngoài thị trường nhiều hơn. Khi thị trường giảm, nhà đầu tư chốt lời hoặc chán nản cắt lỗ sẽ bán ra cả các cổ phiếu phát hành thêm, điều này sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến giá cổ phiếu.
"Đà lao dốc sẽ mạnh hơn do tâm lý nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Việt Nam khá yếu. Tỷ lệ pha loãng càng cao, áp lực giảm giá có thể còn lớn hơn trong tương lai”, ông Minh nói.
Như vậy, với những bất cập nêu trên, cổ phiếu ngân hàng sẽ còn gặp nhiều trắc trở trong giai đoạn tới. Nhà đầu tư nên theo dõi giá và cập nhật triển vọng của từng ngân hàng để có thể đưa ra quyết định sáng suốt nhất trước khi “xuống tiền”, nhằm tối ưu hoá lợi nhuận, tránh được nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
Hải Giang