Theo báo cáo của SSI đối với 13 ngân hàng TMCP về lợi nhuận quý I/2022, có 12/13 ngân hàng dự kiến tăng trưởng dương gồm: Á Châu (ACB), BIDV (BID), HDBank (HDB), MB (MBB), Ngân hàng Hàng hải (MSB), Ngân hàng Quốc tế (VIB), Sacombank (STB), Techcombank (TCB), TPBank (TPB), Vietcombank (VCB), và VPBank (VPB). Duy chỉ có VietinBank (CTG) dự báo tăng trưởng âm, trên nền cao của năm trước, tuy nhiên dự báo cả năm vẫn là tăng trưởng dương.
Gam màu sáng cho bức tranh quý I
Thực tế, một số ngân hàng đã báo lãi tăng trưởng trong quý đầu năm. Đơn cử, Ngân hàng Quốc Tế công bố kết quả kinh doanh quý I/2022 với lợi nhuận đạt gần 2.300 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 26% so với cùng kỳ và tiếp tục duy trì vị thế top đầu ngành về tỷ lệ sinh lời với ROE đạt 30%.
Cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng thấp nhất trong vòng 1 năm. |
Hay như VPBank với lãi đột biến trên 11.146 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt mức dự báo của SSI là khoảng 11.000 tỷ.
Tương tự, SeABank (SSB) công bố lợi nhuận trước thuế quý I đạt 1.306,4 tỷ đồng, tăng trưởng 87,1% so với cùng kỳ…
Một ngân hàng khác cũng công bố kết quả kinh doanh khả quan là Ngân hàng Hàng hải với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 1.500 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021.
Không chỉ vậy, dựa trên cơ sở kết quả kinh doanh 2021 khởi sắc, nhiều ngân hàng tự tin đặt mục tiêu lãi lớn trong 2022.
Mới đây, ngày 27/4, LienvietPostBank (LPB) công bố kết quả kinh doanh quý I với tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 3.260,4 tỷ đồng, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm trước.
LienvietPostBank đã lên kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu lãi trước thuế 4.800 tỷ đồng, tăng 31,9% so với thực hiện năm 2021. Cùng với đó, ngân hàng này cũng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng 16% lên 336.000 tỷ đồng; tín dụng thị trường 1 đạt 246.650 tỷ đồng, tăng 18%; huy động thị trường 1 đạt 257.070 tỷ đồng, tăng 18,4%. Ngoài ra, nhà băng này còn có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 15.035,8 tỉ đồng lên 21.249,8 tỉ đồng.
Trước đó, trong ĐHĐCĐ thường niên 2022, TPBank thông tin kết quả kinh doanh quý I rất tích cực. Cụ thể, tổng dư nợ tín dụng đạt gần 178.000 tỷ, tăng 29% so với cùng kỳ. Lợi nhuận quý I/2022 tăng hơn 14% lên 1.623 tỷ đồng. Riêng tháng 3, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng là 706 tỷ đồng. Kết thúc quý I/2022, tổng tài sản của ngân hàng ở mức trên 300.000 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.
Theo đó, nhà băng này đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 36%; quy mô tổng tài sản 350.000 tỷ đồng, tăng 20%; dư nợ cho vay và trái phiếu dự kiến đạt 188.800 tỷ đồng theo hạn mức do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao.
Đáng chú ý, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho biết, lợi nhuận quý I/2022 đạt hơn 3.200 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 30% kế hoạch năm, do đó ngân hàng sẽ dễ dàng đạt được kế hoạch hơn 11.600 tỷ cả năm (+87%).
SSI Research dự báo, với 3.200 tỷ đồng đạt được trong quý I, tương đương mức tăng trưởng lên tới 92%, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội sẽ trở thành ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dẫn đầu nhóm ngân hàng quý I/2022.
"Sức khỏe" cổ phiếu ngân hàng có đáng lo?
Dễ dàng nhận thấy, mặc dù kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt nhưng giá cổ phiếu “vua” lại không có diễn biến thuận lợi, thậm chí còn đang ở vùng thấp nhất trong vòng 1 năm.
Còn nhớ, cùng thời điểm này vào năm ngoái (tháng 4-5/2021) là giai đoạn cổ phiếu ngân hàng bùng nổ. Không chỉ những cổ phiếu lớn đầu ngành mà nhiều cổ phiếu ngân hàng nhỏ cũng tăng 50-100% trong vòng 2 tháng. Tính đến cuối tháng 5/2021, không cổ phiếu ngân hàng nào có giá dưới 20.000 đồng/cp.
Thời gian qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt bị bán tháo và giảm điểm mạnh. Đặc biệt, trong khoảng thời gian u ám của thị trường từ đầu tháng 4 đến nay, cũng chính là lúc các ngân hàng tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 và công bố kết quả kinh doanh quý I.
Theo đó, nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh tới 25%. Trong đó, SHB tiếp tục là cổ phiếu dẫn đầu nhóm giảm giá với tỷ lệ giảm tới 30%, gấp hơn hai lần so với mức giảm của VN-Index là 13,55%… Bên cạnh đó, ABB giảm 19,5%, LPB giảm 23,1%. Nếu tính từ đầu năm đến nay, ABB giảm 18,1%, LPB giảm 20%, TCB giảm 15,3%, CTG giảm 17%, VIB giảm 12,7%, BID giảm 11,8%...
Trước diễn biến trái ngược của cổ phiếu ngân hàng, nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi: Tại sao kết quả kinh doanh tươi sáng như vậy lại không đem lại sự tích cực cho cổ phiếu ngân hàng?
Theo lý giải của ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán MB, thời gian qua bên cạnh kết quả kinh doanh tốt và nổi bật, có những ngân hàng không thu hút được dòng tiền nên giảm giá. "Nguyên nhân đầu tiên đa phần ngân hàng top đều hết room cho khối ngoại, do vậy sự tham gia thêm của khối này gần như không có", ông Hà thông tin.
Bên cạnh đó, ông Hà cho rằng, thị trường có thể đang chờ đợi liên quan trích lập dự phòng nợ xấu thực chất của ngân hàng và khoảng một năm nữa sẽ nhìn câu chuyện này rõ hơn.
"Trong góc độ quan sát thị trường thời gian qua, dòng tiền có sự phân hóa, luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu từ cơ bản, đầu tư công, chứng khoán, dầu khí, bất động sản… Vì vậy việc không chọn ngân hàng có thể là sự tất yếu", ông Hà nêu ý kiến.
Báo cáo mới nhất từ FiinTrade cho thấy, định giá P/B của cổ phiếu ngân hàng đang tiệm cận về mức trung bình 3 năm, tuy nhiên thanh khoản toàn thị trường chưa thực sự cải thiện và triển vọng lợi nhuận của ngành chưa có dấu hiệu đột phá khiến cổ phiếu ngân hàng khó có thể lội ngược dòng trong các tháng gần đây.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm bám thị trường và mày mò nghiên cứu sâu về phân tích kỹ thuật, nhà đầu tư Trần Tiến Dũng nhận định về nhóm cổ phiếu ngân hàng, thị trường đảo chiều đi xuống thì đa phần nhóm nào cũng chịu ảnh hưởng, trừ trường hợp cá biệt.
Quy mô vốn điều lệ 30-40 nghìn tỷ của ngân hàng có thể lớn ở Việt Nam, nhưng so với khu vực còn nhỏ, trong khi đó nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng. Do đó, với cổ phiếu ngân hàng, phải mua và nắm giữ mới thấy lãi kép phát huy nhiều thế nào. “Tôi vẫn đánh giá cổ phiếu ngân hàng có cơ hội 5-10 năm tới”, ông Dũng nói.
Hải Giang