Trong vòng một tháng nay, giá cổ phiếu ngành ngân hàng bị sụt giảm mạnh, điển hình như MBB (MBBank), TCB (Techcombank), VCB (Vietcombank), OCB (Oricombank)… giảm từ 8 - 9%. Cổ phiếu của nhiều ngân hàng khác thậm chí có mức giảm hơn 10% như LPB (LienVietPostBank), CTG (VietinBank), HDB (HDBank)…
Khối ngoại “gom hàng” trở lại
Theo một số chuyên gia phân tích, nhóm ngân hàng chịu áp lực bán trong giai đoạn vừa qua khi tình hình căng thẳng địa chính trị thế giới leo thang. Yếu tố đó tạo áp lực lên dòng vốn ngoại khi nhóm này quay đầu bán ròng mạnh trong tuần cuối tháng 2 với giá trị bán ròng 395 tỷ, trong khi trước đó duy trì đà mua ròng tốt với giá trị 466 tỷ trong tuần thứ 2 và thứ 3 của tháng 2. Điều này là không quá bất ngờ khi đi cùng với xu hướng chung của cổ phiếu ngân hàng ở các quốc gia phát triển.
Tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại mua ròng hơn 1.770 tỷ đồng cổ phiếu ngân hàng. (Ảnh: Int) |
Thống kê tuần từ 7-11/3, có 4 cổ phiếu ngân hàng giữ được sắc xanh là EIB (Eximbank), KLB (Kienlongbank), NVB (NCB), STB (Sacombank). Trong đó, EIB là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất (12,4%), đóng cửa tuần ở mức 35.200 đồng/cp, chỉ còn 5% nữa là lập lại được đỉnh 37.250 đồng/cp. Đáng chú ý nhất là phiên 8/3 có hơn 3 triệu cổ phiếu được trao tay theo phương thức thỏa thuận.
KLB là cổ phiếu tăng mạnh tiếp theo với mức tăng 9,2%, song thanh khoản chỉ đạt trung bình 86.000 đơn vị/phiên.
Chiều ngược lại, 23 cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ, trong đó hàng loạt mã giảm xấp xỉ 5% như TPB của TPBank (-5,2%), ACB (-4,7%), VIB (-4,6%), VPB của VPBank (-4,5%),..
Đặc biệt, TPB là mã có thanh khoản đột biến trong phiên 7/3 khi hơn 10 triệu cổ phiếu được trao tay theo phương thức khớp lệnh và hơn 10,6 triệu cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 800 tỷ đồng, nhất là khối ngoại. Sự đột biến này được cho là đến từ thông tin VPBank thông báo điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư ngoại từ 15% lên 17,5% vốn điều lệ.
Mặc dù dòng tiền vào các cổ phiếu lớn sụt giảm so với tuần trước, song điểm tích cực là khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn hơn 3,3 triệu cổ phiếu STB tuần qua. Trong đó, ngày 8/3, nhóm Dragon Capital đã mua 1,25 triệu cổ phiếu STB và trở thành cổ đông lớn của Sacombank, nắm giữ hơn 95,2 triệu cổ phiếu, tương đương 5,05% vốn cổ phần.
Trước đó, ngày 1/3, Dragon Capital cũng đã trở thành cổ đông lớn của MBBank sau khi mua 916.800 cổ phiếu MBB, nâng số lượng nắm giữ của nhóm quỹ Dragon Capital đối với cổ phiếu MBB lên gần 189,3 triệu cổ phiếu (hơn 5% vốn điều lệ của MBBank). MBB thuộc top cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư của quỹ này.
Tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại bán ròng hơn 8.100 tỷ đồng trên toàn thị trường song lại mua ròng hơn 1.770 tỷ đồng cổ phiếu ngân hàng. Ngân hàng cũng là ngành mà nhà đầu tư ngoại chi nhiều tiền nhất để sở hữu cổ phiếu (16,8 triệu tỷ đồng), tiếp đến là ngành thực phẩm đồ uống (10 triệu tỷ đồng), bất động sản (8,9 triệu tỷ đồng)…
Nhận xét về động thái mua ròng trở lại của khối ngoại, ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới hội sở Chứng khoán Mirae Asset, nhà sáng lập Công ty quản lý tài sản FIDT nói: "Với thị trường 98 triệu dân đi kèm nhiều dịch vụ tài chính chưa khai phá, ngân hàng là ngành rất hot".
Lạc quan về dài hạn
Hiện tại, việc chấm dứt xung đột Nga - Ukraine vẫn là một dấu hỏi lớn. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán đều chung quan điểm cuộc xung đột này sẽ không tác động trực tiếp quá lớn đến nền kinh tế Việt Nam, thay vào đó là mối lo ngại lạm phát.
Theo đó, ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi. Mặt khác, nhằm hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã định hướng cho các ngân hàng xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong năm nay. Do vậy, biên lợi nhuận của các ngân hàng có thể bị sụt giảm, ảnh hưởng đến các cổ phiếu ngân hàng.
Nhóm ngân hàng vẫn lạc quan với mức tăng trưởng dự kiến ở mức 34%. |
Tuy nhiên, theo SSI Research, việc mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3 kỳ vọng sẽ tác động tích cực đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các biện pháp kiểm soát giá của Chính phủ cũng được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả trước diễn biến tăng mạnh của giá hàng hóa, hạn chế ảnh hưởng của lạm phát tới quá trình phục hồi kinh tế.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, nhờ vào dòng vốn USD tốt, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tốc độ và mức độ tăng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không có tác động đáng kể đến ngành ngân hàng Việt Nam.
“Nhóm ngân hàng vẫn lạc quan với mức tăng trưởng dự kiến ở mức 34% và không chịu quá nhiều tác động trước những hình thức trừng phạt đối với Nga khi dư nợ không lớn. Dòng tiền dài hạn có thể trú ẩn vào cổ phiếu ngân hàng khi nhìn xa hơn vào câu chuyện tăng trưởng nửa sau năm 2022 và ảnh hưởng căng thẳng địa chính trị dần qua đi”, VDSC nhận định.
Tương tự, các chuyên gia từ Dragon Capital Việt Nam nêu quan điểm, năm 2022 hội tụ đầy đủ yếu tố tích cực của nhóm "cổ phiếu vua", như tín dụng dự báo được cải thiện, lợi nhuận bình quân toàn ngành dự báo đạt mức tăng 30% so với năm trước, một số ngân hàng đang triển khai việc bán vốn chiến lược, lợi nhuận đột biến ghi nhận từ việc bán bảo hiểm độc quyền, được chấp thuận nới room cho nhà đầu tư nước ngoài…
Bà Nguyễn Hoài Thu - Giám đốc điều hành khối đầu tư chứng khoán và trái phiếu của VinaCapital (tập đoàn đầu tư và quản lý tài sản lớn nhất tại Việt Nam với tổng giá trị trên 3,9 tỷ USD) thông tin, trong ngắn hạn, căng thẳng Nga – Ukraine khó tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến danh mục đầu tư, nhưng đơn vị này vẫn tập trung đầu tư cổ phiếu của các công ty thuộc những ngành có lợi thế cạnh tranh bền vững, hưởng lợi từ tăng trưởng dài hạn của kinh tế Việt Nam, bao gồm ngân hàng.
Hải Giang