Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ cho biết, các nhà thầu xây dựng trong cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản vì tình hình giá thép tăng phi mã trong quý I/2021 và đặc biệt là trong tháng 4 này.
Không riêng Thép Việt Mỹ, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất thép như Thép Thái Nguyên, Thép miền Nam, Pomina, Việt Đức, Tungho, Kyoei... đã bắt đầu tăng giá bán thép các loại từ quý IV/2020 và dồn dập hơn từ tháng 3 năm nay. Đặc biệt, từ đầu tháng 4 đến nay, các đơn vị liên tục điều chỉnh báo giá, thậm chí có nơi tăng giá 6 lần chỉ trong vòng 10 ngày.
Khóc ròng vì giá thép
Hiện thép cuộn Hòa Phát CB240 có giá khoảng 15,8-16,4 triệu đồng/tấn, còn thép cây CB300 ở mức 15,8-16 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, 2 sản phẩm này của thép Việt Đức được chào bán với giá lần lượt khoảng 16-16,1 triệu đồng/tấn. Khoảng 1 tháng trở lại đây, giá thép của hãng này đã tăng hơn 1 triệu đồng/tấn.
Thậm chí, chiều tối ngày 14/4 vừa qua, thép Thái Nguyên còn bất ngờ tăng giá thêm 300.000 đồng/tấn. Hiện giá thép cuộn CB240 của thương hiệu này ở mức 16,4-16,8 triệu đồng/tấn, còn giá thép cây CB300 hơn 16,2-16,5 triệu đồng/tấn. Tương tự, Pomina cũng tăng giá thép cuộn CB240 lên 16,5 triệu đồng/tấn, giá thép CB300 lên 16,6 triệu đồng/tấn.
Dù được đánh giá là vẫn nhiều triển vọng nhưng rủi ro giá thép đang "đe dọa" đà tăng trưởng của nhóm cổ phiếu ngành xây dựng. |
Trong khi đó, mỗi dự án xây dựng dân dụng, thép thường chiếm tỷ trọng tới 30% tổng giá trị dự án, do đó, sự biến động giá mặt hàng này tác động rất mạnh tới các nhà thầu.
Không ít doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu cho biết, việc thép tăng giá từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả dự án mà họ đã ký hợp đồng với đối tác, khả năng nhận thầu các dự án vì thế bị co lại.
Ông Quang Trung - Phó giám đốc CTCP Xây dựng nền móng Long Giang chia sẻ, dù khó khăn vì Covid-19 khiến các đơn hàng “trồi sụt” không nhiều dự án xây dựng khởi công nhưng vì mức độ biến động quá lớn của giá thép mà công ty đã phải từ chối nhiều dự án do cầm chắc kết quả “làm là lỗ”.
Thậm chí, theo VACC, các chủ đầu tư không phải vốn Nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng có giá trị cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng) nên các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt do giá thép tăng cao.
VACC dẫn chứng ví dụ giá thép Việt Mỹ ở thời điểm quý IV/2020 là 13.145 đồng/kg thì hiện nay giá bán loại thép này tại Đà Nẵng thông báo là 18.370 đồng/kg, tăng 40%. Đáng chú ý là trong khi đó giá thép công bố của Sở Xây dựng Đà Nẵng thông báo cho các nhà thầu áp dụng trong thanh quyết toán cũng là 13.805 đồng/kg.
Khó khăn của các nhà thầu xây dựng được dự báo sẽ còn kéo dài khi báo cáo mới đây của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), chu kỳ tăng giá mặt hàng này vẫn còn tiếp diễn đến ít nhất là quý III/2021.
Thậm chí có ý kiến cho rằng, dự báo đến quý III/2021 vẫn là một dự báo an toàn, tình trạng này có thể sẽ tiếp diễn đến hết năm nay, thậm chí là quý II, III năm sau.
Khó chồng khó
Hồi đầu năm, báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán vẫn đánh giá khá tích cực về triển vọng ngành xây dựng trong năm 2021 với tăng trưởng thực dự phóng đạt 7,2% dựa trên kịch bản cơ sở dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát và tạo điều kiện cho kinh tế phục hồi.
Tuy nhiên, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lại cho rằng, các cổ phiếu ngành xây dựng đang gặp nhiều thử thách, bắt nguồn từ một nguyên nhân chung đó là chiếc bánh thị phần không còn liên tục nở ra với tốc độ thần kỳ như giai đoạn bùng nổ 2013-2018.
Theo đó, đối với các tổng thầu, điều này có nghĩa là backlog sẽ không tăng một cách dễ dàng, cạnh tranh giá thầu sẽ ngày càng gay gắt gây sức ép lên biên lợi nhuận vốn đã mỏng của ngành xây dựng.
Quy mô hoạt động lớn cũng đồng nghĩa với rủi ro dòng tiền khi mà không nhiều chủ đầu tư duy trì được nguồn tiền do tác động của Covid-19. Theo đó, VDSC cho rằng các tổng thầu dân dụng sẽ không thể duy trì tốc độ tăng trưởng, thậm chí sẽ ghi nhận doanh thu giảm trong năm 2021.
Trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành xây dựng như HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, CTD của CTCP Xây dựng Coteccons, ACC của CTCP Đầu tư và Xây dựng Bình Dương ACC, C47 của CTCP Xây dựng 47… đều đang giao dịch trồi sụt theo xu hướng giảm trong vòng 1 tháng qua.
Điển hình là “ông lớn” CTD ghi nhận mức giảm gần 14% từ vùng giá 77.000 đồng/cp xuống 66.500 đồng/cp; hay như HBC cũng giảm hơn 15% thị giá từ 19.000 đồng/cp xuống còn 16.100 đồng/cp.
Nhìn chung, rất khó đánh giá xu hướng giá thép trong năm 2021 và đây sẽ là rủi ro đáng kể đối với các nhà thầu xây dựng. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh ở mức cao sẽ khiến nhóm doanh nghiệp này tiếp tục bị “ăn mòn” lợi nhuận, thậm chí lỗ nặng do chi phí tăng cao.
Thực tế, không phải đến năm 2021 triển vọng về ngành xây dựng mới được đưa ra, mà những dự báo tươi sáng đã xuất hiện ngay từ đầu năm 2020, thời điểm này giá thép vẫn đang ở mức trung bình (chỉ mới tăng từ quý IV/2020) nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp niêm yết vẫn khiến giới đầu tư phải thất vọng.
Nhìn vào những diễn biến trên có thể thấy, "khó chồng khó" là tất cả những gì có thể diễn ra đối với ngành xây dựng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơ hội đầu tư có thể nằm ở một vài nhóm ngành đặc thù hoặc một số doanh nghiệp có câu chuyện tăng trưởng riêng như các doanh nghiệp xây lắp điện.
Minh Khuê