Trong 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng giá trị ngành xây dựng đã giảm về 7,9% ảnh hưởng trực tiếp lên tốc độ tăng trưởng doanh thu của các nhà thầu xây dựng. Xây dựng dân dụng là tiểu ngành bị ảnh hưởng lớn nhất do một loạt dự án lớn ở các đô thị bị hoãn hoặc chậm tiến độ.
Khó khăn chồng chất
Một trong những tổng thầu dân dụng đầu ngành là CTCP Xây dựng Coteccons (mã: CTD) ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm giảm 20%, hay tổng thầu Hòa Bình (mã: HBC) cũng ghi nhận tăng trưởng doanh thu chậm lại trong nửa đầu năm 2019.
Hiện, CTD vẫn đang là cổ phiếu có thị giá cao nhất trong nhóm ngành xây dựng nhưng trong hơn một năm qua cũng miệt mài giảm giá trôi dần về vùng đáy. Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/9, cổ phiếu CTD dừng lại ở mức giá 96.700 đồng/cp, “bốc hơi” gần 60% so với đỉnh 231.000 đồng/cp đạt được tháng 11/2017.
Nhận định về sự kém hấp dẫn của CTD, Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết xung đột lợi ích giữa các cổ đông, giá trị hợp đồng ký mới giảm nhiều hơn dự phóng trước đó cùng với biên lợi nhuận gộp bị giảm mạnh đã tác động đến thị giá của CTD. Theo đó, ACBS đã điều chỉnh mạnh giá mục tiêu của CTD từ 124.709 đồng/cp xuống còn 87.321 đồng/cp.
Đối với HBC, dù vẫn có hàng chục nghìn tỷ đồng Backlog chuyển tiếp từ năm 2018, đồng thời liên tục trúng thầu kể từ đầu năm 2019 của Hòa Bình nhưng thị giá cổ phiếu vẫn lao dốc khoảng 65% từ mức đỉnh xuống còn 14.100 đồng/cp.
Vấn đề tại Hoà Bình chính là các khoản phải thu tăng mạnh gây sức ép lên vốn lưu động. Đây là những vướng mắc đã tồn tại từ lâu, ảnh hưởng lớn lên “sức khoẻ” tài chính của Hoà Bình. Trong khi đó, khoản phải trả không tăng tương ứng, Hoà Bình phải tăng vay nợ ngân hàng. Lãi vay khiến lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) chịu nhiều sức ép.
Tại CTCP Hưng Thịnh Incons (mã: HTN), doanh thu và lợi nhuận quý II/2019 ghi nhận sự sụt giảm mạnh trên 22% do đặc thù ngành xây dựng là nghiệm thu theo giai đoạn, nên những hạng mục công trình chưa nghiệm thu thì chưa được ghi nhận.
Tương tự, cổ phiếu HTN đang giao dịch tại mức giá 19.500 đồng/ cp, giảm 30,5% so với mức chào sàn hồi 11/2018 và giảm 10% so với đầu năm.
Ngoài ra, một số cái tên đáng chú ý khác cùng nhóm ngành xây dựng như CII, HUT, DIG,… cũng đều “loay hoay” thoát khỏi xu hướng giảm giá kéo dài.
Một “ông lớn” khác trong ngành xây dựng là Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG) sau khi nổi sóng đạt được mức đỉnh 29.000 đồng/cp (tháng 3/2019) với sự hỗ trợ của hoạt động thoái vốn nhà nước cũng nhanh chóng hạ nhiệt quay về vùng giá 26.400 đồng/cp hiện nay.
Tuy nhiên, thị giá của VCG hiện vẫn ghi nhận mức tăng khoảng 90% so với cách đây một năm và trở thành cổ phiếu hiếm hoi trong ngành xây dựng tăng giá.
Cần có một cú hích lớn để cổ phiếu ngành xây dựng dậy sóng trở lại |
Tương lai khó sáng
Nhìn vào mức giảm của các cổ phiếu ngành xây dựng nói trên có thể thấy so với giai đoạn tăng trưởng nóng của mỗi cổ phiếu thì mức giá hiện tại được cho là đã khá rẻ.
Về mặt lý thuyết, khi một cổ phiếu về vùng giá thấp là thời điểm lý tưởng để các nhà đầu tư mua vào. Tuy nhiên, lý thuyết này có vẻ không đúng với cổ phiếu nhóm ngành xây dựng, bởi sức hấp dẫn của một cổ phiếu không chỉ nằm ở thị giá đắt hay rẻ, mà còn phụ thuộc vào yếu tố tiềm năng tăng trưởng của ngành nói chung và DN nói riêng được thể hiện ở kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, ngành xây dựng năm 2019 được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 7,23%, thậm chí theo báo cáo đánh giá của một công ty chứng khoán còn ở mức khó khăn khi quỹ đất nội đô ngày càng thu hẹp, cạnh tranh xây dựng các dự án nhà ở ngày càng khốc liệt.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng trong nửa cuối năm 2019, ngành xây dựng có thể có tiềm năng khả quan hơn cho tiểu ngành xây dựng dân dụng khi giải quyết được các vấn đề về tiến độ tại các dự án ở nội thành.
Ngoài ra, ngành xây dựng vẫn có các yếu tố hỗ trợ có thể kể đến như nguồn vốn FDI ổn định và làn sóng dịch chuyển sản xuất mạnh mẽ tại mảng khu công nghiệp.
Cụ thể, trong năm 2019, Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân hơn 420.000 tỷ đồng nhưng mới chỉ hoàn thành được 32% trong 6 tháng đầu năm. Do đó, động lực giải ngân trong nửa còn lại của năm là rất lớn.
Vốn FDI đăng ký đạt 35,8 USD trong năm 2018, là nhân tố quan trọng đối với hoạt động xây dựng trong năm 2019-2020. Làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á đang giúp các nhà thầu xây dựng có uy tín có thêm công ăn việc làm.
Mặc dù tiềm năng là vẫn có, nhưng với những khó khăn cùng những nguyên nhân khác nhau từ nội tại DN đã tồn tại quá lâu khiến bức tranh ngành xây dựng được nhìn nhận vẫn chưa thể khởi sắc, có thể tiếp tục ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Do đó, dự báo hầu hết các cổ phiếu ngành xây dựng vẫn sẽ rơi vào trạng thái “ngủ đông” kéo dài, cần có một cú hích lớn để dậy sóng trở lại.
Linh Đan