Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhu cầu đá xây dựng chủ yếu được phục vụ tại địa phương hoặc vùng lân cận do đặc điểm của đá và phân bổ trữ lượng tại địa phương. Đá xây dựng có khối lượng riêng lớn có thể lên tới 3.500 kg/m3 khiến chi phí vận chuyển luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá thành, đẩy giá bán tại đại lý lên cao hơn gấp vài lần so với tại mỏ.
Trong khi đó, trữ lượng hiện nay tại khu vực Nam Bộ còn rất lớn và hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu đá xây dựng ở đây trong thời gian dài. VDSC cho rằng trong nhiều năm tới, nhu cầu xây dựng tại khu vực Nam Bộ sẽ tiếp tục được cung cấp bởi nguồn cung tại địa phương.
Tiềm năng tăng trưởng
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển ngành vật liệu xây dựng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tổng nhu cầu đá xây dựng trên cả nước trong năm 2020 ước đạt 181 triệu m3. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ tại các tỉnh Tây Nam Bộ được dự báo sẽ tăng mạnh nhất.
Các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như sân bay quốc tế Long Thành, các tuyến metro, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận… cũng đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai. Đây sẽ là những yếu tố chính thúc đẩy đà tăng trưởng dài hạn của các doanh nghiệp ngành đá xây dựng.
Nhu cầu về đá xây dựng đang tăng trưởng có thể tác động đến giá cổ phiếu ngành này trên sàn chứng khoán |
Theo đánh giá của VDSC, hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng được cải thiện không chỉ giúp cho nhu cầu về đá xây dựng được nâng lên, mà còn thu hút đầu tư xây dựng nhà xưởng, khu công nghiệp, bất động sản nghỉ dưỡng...
Lý giải về tiềm năng này, VDSC cho biết, dù Việt Nam đang sở hữu lực lượng lao động dồi dào và chi phí nhân công rẻ hơn so với Trung Quốc và trung bình các nước trong khu vực, nhiều nhà đầu tư luôn tỏ ra lo ngại về vấn đề cơ sở hạ tầng.
Đặc biệt là khu vực phía Nam khi đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều năm qua không theo kịp tăng trưởng của kinh tế. Khu vực phía Bắc - nơi có cơ sở hạ tầng được quan tâm trong nhiều năm qua, ghi nhận tỷ lệ lấp đầy tại khu công nghiệp vào cuối quý I/2020 là hơn 91%, tỷ lệ này ở khu vực phía Nam là 83% (theo CBRE).
Tuy nhiên, với kịch bản dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn trong năm nay và các chuyến bay quốc tế có thể mở lại dần sau đó, nhu cầu thuê khu công nghiệp có thể bật tăng trở lại từ năm sau.
Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung được xem như một điểm đến thay thế Trung Quốc khi mà mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng. Bên cạnh đó, VDSC đánh giá các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực và sắp được ký kết như EVFTA sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư FDI.
Nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng là nhiều nhưng có một thực trạng hiện nay là các mỏ đá đang khai thác gần như cạn kiệt hoặc gần hết thời hạn, trong khi chủ trương của các cơ quan chức năng lại hạn chế giấy phép mới, nhiều địa phương thậm chí không cho phép tăng công suất để tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên không thể tái tạo này.
Cơ hội dành cho ai?
Theo ước lượng của VDSC, Tân Đông Hiệp và Núi Nhỏ chiếm khoảng 10% thị phần đá xây dựng khu vực Nam Bộ. Tuy nhiên, sau 2 lần gia hạn thành công, 2 mỏ đá này đã chính thức ngừng khai thác từ cuối năm 2019.
Hiện nay, các doanh nghiệp khai thác đá ở 2 khu vực này như CTCP Khoáng sản Bình Dương (mã: KSB), CTCP Đá Núi Nhỏ (mã: NNC) và CTCP CIC39 (mã: C32) chỉ còn lại một lượng đá tận thu trong quá trình cải tạo lại môi trường. Do vậy, nguồn cung từ 2 mỏ đá này sẽ giảm trong năm 2020 và đặc biệt là trong năm 2021 và hoàn toàn không còn sau năm 2021.
Đánh giá từ chất lượng đá đến vị trí, cụm mỏ Tân Cang ở Biên Hòa, Đồng Nai nổi lên như ứng cử viên chính thay thế 2 cụm mỏ trên. Một số doanh nghiệp niêm yết có sở hữu mỏ đá ở cụm mỏ này như CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu Xây dựng Biên Hòa (BBCC, mã: VLB), CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (mã: CTI), CTCP Hóa An (mã: DHA)... Trong đó, BBCC đang sở hữu diện tích được cấp phép khai thác lớn nhất cùng với thời hạn khai thác dài.
Các cụm mỏ ở khu vực Tân Cang sẽ có lợi thế hơn khi sân bay Long Thành được triển khai. Ngoài ra, cụm mỏ này cũng có thể cung cấp đá khi tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết được khởi công, mặc dù vị trí không được thuận lợi như cụm mỏ Soklu của BBCC hay mỏ Xuân Hoà của Cường Thuận IDICO.
Thông thường, tiềm năng từ hoạt động kinh doanh sẽ kéo theo sức hấp dẫn cho cổ phiếu trên sàn đối với doanh nghiệp niêm yết.
Hiện, nếu chỉ đơn giản nhìn vào P/E và P/B thì có vẻ như cổ phiếu KSB của Khoáng sản Bình Dương đang là mã dễ thu hút nhà đầu tư nhất. Tuy nhiên, đối với ngành đá xây dựng thì đây không phải là tiêu chí duy nhất để xem xét.
Chuyên gia trong ngành cho biết, ngành khai thác đá là nhóm ngành kinh doanh có điều kiện và các doanh nghiệp muốn kinh doanh đều phải xin được giấy phép khai thác các mỏ đá. Khi đã có được giấy phép và tiến hành khai thác thì hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này đều không hề thấp. Nếu xét theo những tiêu chí này, cổ phiếu DHA, VLB và CTI đang chiếm ưu thế hơn các nhóm còn lại.
Linh Đan