Sự bùng phát của dịch Covid-19 đang làm thay đổi toàn bộ bức tranh kinh tế vĩ mô, phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2020. Trong quý I, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 3,82% - thấp nhất trong 10 năm, quý II được dự báo sẽ còn khó khăn hơn trong bối cảnh toàn quốc thực hiện "giãn cách xã hội".
Theo đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế bởi dịch bệnh, Chính phủ đang có những hành động quyết liệt để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.
Nhiều điểm nhấn
Theo thống kê của VNDirect, trong quý I/2020, giải ngân vốn đầu tư công tăng 16,4% so với cùng kỳ, đạt 59.500 tỷ đồng, tương đương 13,2% kế hoạch năm. Công ty chứng khoán này đánh giá đây là tín hiệu cho thấy giải ngân đầu tư công sẽ sớm hơn và nhanh hơn so với nhận định trước đây.
Cập nhật tin tức mới nhất cho thấy, ngày 7/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư tại 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ hợp tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Như vậy, toàn bộ 11 dự án thành phần tại cao tốc Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư 101.200 tỷ đồng sẽ được chuyển sang hình thức đầu tư công.
Trong khi đó, Bộ GTVT yêu cầu các địa phương có cao tốc Bắc-Nam đi qua phải tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tốc độ và hoàn thành mục tiêu bàn giao mặt bằng trong quý II/2020. Hiện nay, toàn dự án đã giải phóng mặt bằng được trên 454km trong tổng số 646km, đạt 70,3%.
Tương tự, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng sẽ được chuyển đổi sang hình thức đầu tư công và được áp dụng với cơ chế tương tự như các dự án tại cao tốc Bắc-Nam. Với việc chuyển đổi hình thức đầu tư, Chính phủ muốn đưa các dự án trên khởi công ngay trong quý III/2020.
Trong khi đó, tại dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai cũng đã giải phóng 99% diện tích khu tái định cư. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tỉnh phải giải ngân toàn bộ 17.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm nay, nhằm đưa dự án khởi công vào năm 2021.
Với kịch bản cơ sở của VNDirect, khoảng 40% vốn đầu tư công sẽ được giải ngân tại 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, và việc xây dựng sẽ cần đến khoảng 8.900 tỷ đồng nhựa đường, 7.600 tỷ đồng thép xây dựng và 3.800 tỷ đồng xi măng. Bên cạnh đó, VNDirect cho rằng, nhu cầu đá xây dựng sẽ nhận cú hích lớn nhất, khi nhu cầu đá của các dự án này tương đương với khoảng 30 - 35% công suất khai thác được cấp phép của các doanh nghiệp khai thác trong khu vực.
Ngoài ra, để hoàn thành 100% các dự án trên, VNDirect ước tính chi phí cho nhựa đường, thép xây dựng và xi măng sẽ cần lần lượt 22.300 tỷ đồng, 19.100 tỷ đồng và 9.500 tỷ đồng.
Việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công có thể khiến một số cổ phiếu trong nhóm ngành xây dựng được hưởng lợi (Ảnh: Internet) |
Cơ hội không chia đều
Từ những tín hiệu kể trên, VNDirect cho rằng, các doanh nghiệp niêm yết nhóm ngành xây dựng sẽ được hưởng lợi chính từ chủ đề đầu tư công, tuy nhiên chỉ tập trung vào một vài ngành có liên quan chứ không phải là tất cả.
Trong đó, triển vọng ngành đá được VNDirect đánh giá "rất tích cực" bởi với 2 dự án cao tốc kể trên sẽ cần khoảng 6 - 7 triệu tấn đá xây dựng, tương đương 30 - 35% công suất khai thác được cấp phép của các công ty niêm yết.
Hiện, CTCP Khoảng sản và Xây dựng Bình Dương (mã: KSB) và CTCP Hoá An (mã: DHA) đang là 2 cái tên sáng giá khi sở hữu nhiều mỏ đá ở vị trị tốt, công sất khai thác lớn và thời hạn khai thác dài.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu KSB đang giao dịch tại mức giá 15.800 đồng/cp, trong khi giá trị sổ sách của cổ phiếu này là 24.080 đồng/cp; thị giá của DHA là 29.500 đồng/cp, giảm gần 8% so với cách đây một năm.
Cũng được đánh giá là "rất tích cực", VNDirect cho rằng, kết quả kinh doanh của các công ty ngành nhựa đường sẽ được hưởng lợi từ việc Chính phủ đẩy nhanh giải ngân tại các dự án cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, giá dầu thấp trong năm 2020 sẽ đem lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn cho các doanh nghiệp trong ngành.
Trên sàn chứng khoán hiện có Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex - CTCP (mã: PLC) là công ty nhựa đường duy nhất niêm yết và hiện chiếm khoảng 30% thị phần nội địa. Thanh khoản của cổ phiếu PLC cũng đang ở mức khá với trung bình gần 162.000 đơn vị/phiên.
Đối với ngành thép, VNDirect đánh giá tích cực bởi cho rằng hầu hết các nguyên liệu đầu vào cho ngành thép xây dựng (quặng sắt, than cốc và thép phế liệu) đều được nhập khẩu.
VNDirect ước tính nhu cầu tăng thêm từ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam tương đương với khoảng 6,2% nhu cầu thép xây dựng hiện tại. Qua đó sẽ giảm phần nào áp lực cạnh tranh trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh công suất toàn ngành dự kiến sẽ tăng khoảng 15% trong năm nay.
Cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hoà Phát là cái tên được gợi ý trong báo cáo. Thực tế, cổ phiếu HPG sau thời gian dài lao dốc từ vùng giá 25.000 đồng/cp (tháng 1/2020) về 16.200 đồng/cp (phiên 27/3), nay đã hồi phục lên 20.700 đồng/cp.
Với ngành xi măng, VNDirect đánh giá cũng được hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng của dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy vậy, ngành xi măng vẫn trong tình trạng dư cung và áp lực cạnh tranh trong ngành gay gắt.
Cổ phiếu được lựa chọn trong báo cáo của VNDirect là HT1 của CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên và BCC của CTCP Xi măng Bỉm Sơn do có sự cải thiện trong kết quả kinh doanh cũng như hạn chế được rủi ro tỷ giá.
Linh Đan