Phiên 21/11, nhóm cổ phiếu xây dựng bất ngờ tăng trở lại với một số mã như CII (Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM) , HUT (Tasco), GKM (GKM Holdings), CTD (Coteccons)…, thậm chí TV2 (Tư vấn xây dựng Điện 2) và HBC (Xây dựng Hòa Bình) còn tăng trần.
Doanh nghiệp kéo dài đà thua lỗ
Đà tăng của nhóm cổ phiếu này được cho là phiên hồi phục sau một tuần (13-17/11) ghi nhận đà bán mạnh.
Triển vọng hồi phục của lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng vẫn chông chênh. |
Tuần qua, thị trường chứng khoán giảm điểm nhẹ nhưng điểm sáng là thanh khoản tăng so với tuần trước cho thấy dòng tiền đang rục rịch quay lại thị trường. Dù vậy, nhóm cổ phiếu xây dựng lại là nhóm ngành bị rút tiền thể hiện rõ rệt nhất, khiến hàng loạt mã cổ phiếu nhóm ngành này đều giảm.
Các mã bị rút tiền gồm TV2, REE (Cơ điện lạnh), CII, CMS (CMH), HUT, DTD (Phát triển Thành Đạt), GKM…
Do đó, một phiên tích cực 21/11 khó có thể đánh giá được sự hồi phục đã trở lại của nhóm cổ phiếu xây dựng. Bởi thực tế đây là nhóm ngành có số lượng doanh nghiệp thua lỗ nhiều nhất quý III vừa qua.
Công việc ít, chi phí vốn tăng cao là nguyên nhân chính khiến nhóm nhà thầu xây dựng “hụt hơi” trong quý III cũng như 9 tháng đầu năm 2023. Tính đến hết ngày 30/10, nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng ghi nhận 51 doanh nghiệp thua lỗ, 97 doanh nghiệp có lãi và 192 doanh nghiệp chưa công bố báo cáo tài chính quý.
Điển hình, CTCP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình ghi nhận lỗ lớn trong quý IV năm ngoái và tính đến hết quý III năm nay vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thua lỗ.
Tính đến cuối quý III/2023, doanh nghiệp từng giữ vị thế số một trong lĩnh vực nhà thầu có lỗ lũy kế 2.980 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm còn 352 tỷ đồng, tổng nợ vay tài chính 5.150 tỷ đồng.
Được cho là nhà thầu được hưởng lợi từ hoạt động đầu tư công nhưng Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã:VCG) vẫn có kết quả kinh doanh kém khả quan khi lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý III/2023 chỉ đạt 27,4 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ, do giá vốn hoạt động kinh doanh tăng cao. Đồng thời, từ đầu năm 2023 đến nay, các công ty con, công ty liên doanh, liên kết trong hệ thống đều bị ảnh hưởng bởi những khó khăn của kinh tế trong nước, dẫn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp suy giảm so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, CTCP Lilama 45.3 (L43) báo cáo lợi nhuận sau thuế quý III/2023 âm 760 triệu đồng, đánh dấu quý thứ 9 liên tiếp thua lỗ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Lilama 45.3 ghi nhận doanh thu gần 3 tỷ đồng, giảm 74%; lỗ sau thuế 10,8 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ gần 5 tỷ đồng của cùng kỳ.
Trong khi đó, CTCP Hưng Thịnh Incons (HTN) không còn duy trì được mức lợi nhuận hai chữ số như quý II/2023, báo lợi nhuận quý III/2023 còn vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng, giảm 64,7% so với cùng kỳ và giảm tới 97,5% so với quý trước.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Hưng Thịnh Incons đạt 2.446 tỷ đồng, giảm 42,4% so với cùng kỳ, lãi sau thuế gần 27 tỷ đồng, giảm 79,7%.
Triển vọng hồi phục chông chênh
Với việc nằm trong nhóm có số lượng doanh nghiệp thua lỗ nhiều nhất quý III vừa qua, giới phân tích đánh giá triển vọng hồi phục của lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng vẫn chông chênh.
Đầu tư công được đẩy mạnh trong quý cuối năm 2023 được kỳ vọng sẽ mang lại động lực cho các doanh nghiệp xây dựng, hạ tầng trong nước, nhờ đó các cổ phiếu liên quan hưởng lợi như HHV (Đèo Cả), VCG, C4G (Cienco 4), LCG (Lizen), FCN (Fecon)… Tuy nhiên, thông tin từ Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết nguồn vốn cần giải ngân vẫn còn rất lớn. Với thực trạng này, mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt tối thiểu 95% khó có thể hoàn thành.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kết quả giải ngân trong cả nước ước 10 tháng đạt 52% tổng kế hoạch vốn và đạt trên 56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Bên cạnh đó, giải ngân của các dự án thuộc kế hoạch các năm trước được kéo dài thực hiện trong năm 2023 cũng chỉ đạt 52,6%.
Hiện có tới 15 bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân được dưới 10%; 4 địa phương giải ngân dưới 30% trong tổng số 52 bộ, cơ quan trung ương và địa phương có kết quả giải ngân ước 10 tháng thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đòi hỏi có nguồn vốn lớn như xây dựng hạ tầng đang rơi vào tình cảnh nguồn tiền mặt “eo hẹp” so với quy mô tổng tài sản cũng như nghĩa vụ nợ phải trả. Điều này cho thấy "sức khỏe" doanh nghiệp vẫn yếu.
Chẳng hạn, tại CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, cuối quý III/2023, tiền và tương đương tiền là 307,7 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn rất “khiêm tốn” so với quy mô tổng tài sản 26.080,6 tỷ đồng và 18.022,6 tỷ đồng nợ phải trả.
Với 8.112,4 tỷ đồng nợ ngắn hạn tính tới cuối quý III/2023, hệ số thanh toán bằng tiền mặt (tiền và các khoản tương đương tiền/nợ ngắn hạn) của Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM ở mức 0,04 lần. Hệ số này của công ty thường xuyên ở mức dưới 0,1 lần trong các quý tính từ năm 2018 tới nay.
Hệ số thanh toán tiền mặt được coi là chỉ số đo lường khả năng thanh toán hoặc khả năng trả nợ ngắn hạn của doanh nghiệp. Tỷ lệ này dưới 1 có nghĩa là tiền mặt trong hệ thống của doanh nghiệp không đủ để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn.
Thực tế, ít doanh nghiệp có lượng tiền mặt và tương đương tiền đủ để đáp ứng toàn bộ các khoản nợ ngắn hạn, do đó chỉ số thanh toán tiền mặt ít khi lớn hơn hay bằng 1. Tuy nhiên, con số dưới 0,1 là vấn đề đáng lưu tâm. Chưa kể, dòng tiền kinh doanh của Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM thường trong trạng thái âm.
Tương tự tại CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (CTI). Tính tới ngày 30/9/2023, công ty có 41,7 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, giảm 21,7% so với đầu năm. Trong khi đó, quy mô tổng tài sản của công ty đạt 4.571,7 tỷ đồng và nợ phải trả là 3.166,2 tỷ đồng, nợ ngắn hạn 537,5 tỷ đồng. Tính tới cuối quý III, hệ số thanh toán bằng tiền mặt của công ty ở mức 0,08 lần và đã duy trì mức dưới 0,1 lần trong ít nhất 5 quý liên tiếp.
Một số công ty khác cũng trong tình trạng thiếu tiền như : CTCP Đầu tư và Xây dựng Vina2 (VC2), CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD3 (HU3), CTCP Licogi 13 (LIG)…
Hải Giang