Trên thế giới, giá than luyện cốc (sử dụng trong sản xuất thép) của Úc sau khi điều chỉnh giảm gần 2 tháng đã quay đầu tăng, gần lấy lại mức đỉnh lịch sử là 275 USD/tấn ngày 28/2/2022. Dự báo giá than luyện cốc sẽ tiến lên vùng 300 - 330 USD/tấn do tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt.
Hiệu ứng tăng giá vật liệu xây dựng từ giá than
Trong nước, 6 tháng đầu năm 2022, giá than trộn của Vinacomin tăng 30 - 35% so với cùng kỳ. SSI Research nhận định, nhiều khả năng giá than trộn sẽ vẫn được nâng lên trong thời gian tới do giá than thế giới tăng cao.
Trong giai đoạn quý II/2022, cổ phiếu xây dựng không ngừng tụt dốc, thậm chí có mã còn lao dốc mạnh. |
Nhìn chung, việc than - loại nguyên nhiên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất chủ chốt tăng giá mạnh khiến các doanh nghiệp gặp bất lợi, và ngành xây dựng không nằm ngoài vòng xoáy. Bởi giá than tăng cao sẽ tác động tới giá vật liệu xây dựng, từ đó gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành xây dựng.
Thực tế, sau 15 lần giảm giá liên tiếp kể từ 11/5, hiện giá thép trong nước tiếp tục tăng phiên thứ ba liên tiếp từ 31/8, với tổng mức tăng khoảng hơn 2 triệu đồng/tấn.
Trên thị trường quốc tế, giá thép cũng có xu hướng tăng. Giá thép thế giới giao tháng 1/2023 trên Sàn giao dịch Thượng Hải trong ngày 15/9 tiếp tục tăng so với phiên trước đó ở mức 3.795 Nhân dân tệ/tấn.
Một số công ty xây dựng, nhà thầu thi công cho biết đang lo lắng về việc giá thép tăng, bởi chi phí thép chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng chi phí. Giá thép tăng thường kéo theo các loại vật liệu xây dựng khác tăng theo, công trình sẽ bị đội giá lên 10 - 15%, cho nên nhà thầu có nguy cơ cao phải chịu lỗ.
Giá than leo dốc cũng tác động không nhỏ đến ngành sản xuất xi măng, vì than là nhiên liệu chiếm đến 40 - 45% giá thành sản xuất clinker, mà loại nguyên liệu này chiếm 60% chi phí nguyên liệu đầu vào của xi măng, khiến lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành biến động lớn theo giá than. Trong khi đó, tình hình tiêu thụ xi măng suy giảm, tồn kho cao, các doanh nghiệp sản xuất xi măng phải giảm sản lượng để tránh tình trạng càng làm càng lỗ, đồng thời tăng giá bán để đảm bảo biên lợi nhuận.
Mặt khác, giá dầu khí cũng đang neo ở mức cao và được dự báo sẽ tăng cao do “mùa đông châu Âu" sắp đến.
Ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Xi măng The Vissai cho rằng, với diễn biến giá vật liệu xây dựng như hiện nay, trong những tháng cuối năm, mặt bằng chung các loại vật liệu cơ bản như xi măng, cát sỏi, sắt thép, nhựa đường sẽ còn tiếp tục tăng trung bình khoảng 1-1,5% mỗi tháng.
Cổ phiếu vẫn trong xu hướng hút tiền
Thực tế từ đầu năm 2022 đến nay, giá nguyên vật liệu có thời điểm đã hạ nhiệt, song nhìn chung vẫn trong đà tăng nóng, ảnh hưởng khá lớn đến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xây dựng. Và điều này cũng tác động không nhỏ đến nhóm cổ phiếu xây dựng.
Theo quan sát của VnBusiness, trong giai đoạn quý II/2022, cổ phiếu xây dựng không ngừng tụt dốc, thậm chí có mã còn lao dốc mạnh.
Điển hình như cổ phiếu CTD (Conteccons) đã giảm từ 95.600 đồng/cp (phiên 7/2) xuống 55.000 đồng/cp (phiên 28/6). So với đỉnh 3 năm đạt được vào ngày 7/1/2022 (113.600 đồng/cp), cổ phiếu CTD đã mất gần hơn 51% thị giá.
Cùng thời điểm, cổ phiếu HBC (Xây dựng Hòa Bình) cũng giảm hơn 44% từ mức 27.400 đồng/cp xuống 18.000 đồng/cp.
Thị giá một số cổ phiếu khác trong ngành xây dựng cũng bị sụt giảm đáng kể trong thời gian gần đây như FCN (Fecon), LCG (Lizen), VCG, HTN (Hưng Thịnh Incons), HHV…
Tuy nhiên, sau giai đoạn đó đến nay, tuy vẫn bị ảnh hưởng bởi thông tin giá nguyên vật liệu trong những phiên gần đây, song nhìn chung cổ phiếu xây dựng vẫn có dấu hiệu hút tiền và dần hồi phục trở lại. Tính từ phiên 1/7 đến chốt phiên ngày 15/9, cổ phiếu CTD đã tăng từ 53.800 đồng/cp lên 72.100 đồng/cp; cổ phiếu HBC tăng từ 17.800 đồng/cp lên 19.300 đồng/cp; cổ phiếu FCN tăng từ 12.700 đồng/cp lên 15.500 đồng/cp…
Đà tăng của cổ phiếu xây dựng trong thời gian qua được cho là đến từ thông tin giải ngân đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy để hỗ trợ tăng trưởng GDP, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút FDI từ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này được kỳ vọng mang lại tăng trưởng lớn cho ngành xây dựng.
Bộ Tài chính cho biết, tính chung 8 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước đạt 27,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng mới chỉ đạt được 54,7% kế hoạch năm 2022. Do đó, các chuyên gia kỳ vọng việc giải ngân sẽ diễn ra mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong những tháng cuối năm.
“Tăng trưởng của cổ phiếu ngành xây dựng vẫn được kỳ vọng tích cực khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản dân cư tại Việt Nam vẫn rất lớn. Đặc biệt là kỳ vọng từ tiến độ đầu tư công và nút thắt thị trường bất động sản được tháo gỡ”, nhóm phân tích của Chứng khoán Mirae Asset nhận định.
Mặt khác, trước vấn đề giá nguyên vật liệu tăng cao gây ảnh hưởng đến ngành xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết, doanh nghiệp có thể sẽ dừng một số dự án để điều chỉnh giá đầu vào, thậm chí có thể thay thế một số loại vật liệu xây dựng mới nếu đảm bảo chất lượng và chi phí hợp lý hơn.
Như vậy, trong bối cảnh giá vật tư xây dựng tăng mạnh do biến động nguồn cung nhập khẩu và cạn kiệt dần các mỏ khai thác tự nhiên, thì các nguyên, vật liệu thay thế sẽ là hướng đi tất yếu giúp các doanh nghiệp xây dựng ổn định và phát triển.
Hải Giang