Theo số liệu từ Bộ Tài chính, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 215.578,9 tỷ đồng, bằng 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia đã được tập trung triển khai.
Cổ phiếu tăng giá nhờ kỳ vọng
Tính riêng trong tháng 6/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng trên 8% so với tháng trước, cao hơn gần gấp đôi tốc độ giải ngân bình quân những tháng trước của năm 2023.
Điều này đã thúc đẩy kỳ vọng của nhà đầu tư trên sàn về các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng cũng như vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi. Theo đó, gần một nửa cổ phiếu trong nhóm tăng mạnh nhất là cổ phiếu bất động sản - xây dựng.
Cổ phiếu xây dựng thu hút dòng tiền nhờ kỳ vọng Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công. |
Không thể phủ nhận các tác động tích cực từ việc đẩy nhanh đầu tư công đến các doanh nghiệp ngành xây dựng, đặc biệt là nhóm xây dựng hạ tầng. Minh chứng rõ ràng nhất là giá một số cổ phiếu trong nhóm hưởng lợi trực tiếp như LCG (Lizen), VCG (Xây dựng Việt Nam), HHV (Đèo cả), C4G (Cienco4) đã tăng mạnh từ cuối năm, thậm chí vượt trội hơn so với thị trường chung.
Bên cạnh đó, các mã thuộc nhóm trúng gói thầu số 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách” thuộc đại dự án sân bay Long Thành với vốn đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng, bao gồm: PHC (Phục Hưng Holdings), HAN (Xây dựng Hà Nội), VCG, CC1 (Xây dựng Số 1) cũng ghi nhận đà tăng tích cực không kém.
Trong đó, việc liên tiếp trúng hàng loạt gói thầu trọng điểm Quốc gia đang giúp cổ phiếu CC1 biến động tích cực hơn cả. Theo thống kê, khối lượng giao dịch trung bình trong một tháng qua của cổ phiếu này tăng gấp 800% so với trung bình một năm qua. Giá trị giao dịch đóng phiên hôm 29/8 ghi nhận 22.700 đồng/cp, tăng khoảng 51% theo tháng và tăng 111% theo quý, đẩy vốn hóa tăng gấp đôi trong một quý.
Dù vậy, nếu nhìn vào kết quả kinh doanh quý II/2023 của nhóm xây dựng lại ghi nhận nhiều sự phân hóa, điểm sáng nằm tại các doanh nghiệp quy mô lớn. Bởi thực tế, bất động sản đóng băng kéo theo ngành xây dựng cũng lâm vào tình trạng khó khăn.
Đáng chú ý, biên lãi gộp của hầu hết doanh nghiệp xây lắp dường như chỉ “lình xình” đi ngang. Một trong những nguyên nhân khiến biên lãi gộp của nhóm xây dựng trở nên “mỏng” là bởi chi phí giá vốn (cụ thể là nguyên vật liệu) tăng cao.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Vinaconex hồi tháng 4, Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh chia sẻ: “Riêng với đầu tư công, giá trị dự án rất lớn nhưng nhà thầu mang tinh thần “ăn no vác nặng” nên lợi nhuận không cao. Nhưng tại sao phải làm vì đó là một trong những trụ cột chính của tổng công ty. Không phải làm lấy lỗ nhưng lợi nhuận mảng đầu tư công không cao, làm 10.000 tỷ nhưng lợi nhuận chỉ 2-3%".
Đầu tư công vẫn là điểm chính
Tuy nhiên, điểm sáng trong bức tranh kinh doanh là khoản phải thu của toàn ngành xây dựng cũng như các “ông lớn” trong ngành vào cuối tháng 06/2023 có xu hướng giảm so với đầu năm. Bởi khi thi công, các nhà thầu xây dựng thường đối mặt với rủi ro thâm hụt dòng tiền do các khoản phải thu chuyển thành nợ xấu. Do đó, việc kiểm soát các khoản phải thu đối với doanh nghiệp xây dựng là rất quan trọng.
Giới phân tích đánh giá, đây là tín hiệu tích cực cho sức khỏe các doanh nghiệp xây dựng khi giúp dòng tiền thu về nhanh hơn, tránh khả năng thành nợ xấu. Với việc thị trường bất động sản được dự báo sẽ dần tích cực vào cuối năm 2023, triển vọng của ngành xây dựng sẽ tương đối khả quan.
Mặt khác, trong bối cảnh chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa sau 4 lần hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện đẩy nhanh chính sách tài khóa thông qua giải ngân đầu tư công, để thúc đẩy tăng trưởng nửa cuối năm 2023 và tạo tiền đề phục hồi kinh tế trong năm 2024. Theo đó, giải ngân đầu tư công sẽ tác động đến lực cầu nền kinh tế, trực tiếp đến các nhóm ngành, trong đó có xây dựng và vật liệu xây dựng.
Đánh giá riêng về gói thầu 5.1 sân bay Long Thành, ông Trần Bá Trung - chuyên gia phân tích tại VNDirect cho biết, sân bay Long Thành sẽ là động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp xây dựng - vật liệu xây dựng trong giai đoạn 2023 - 2026. Đồng thời các công ty thắng thầu sẽ có cơ hội bứt phá mạnh về kết quả kinh doanh nhờ quy mô rất lớn của gói thầu so với doanh thu mảng xây lắp của các doanh nghiệp trong ngành.
“Gói thầu tại các dự án sân bay thường được chủ đầu tư đối ứng vốn trong thời điểm khởi công lớn hơn (khoảng 30-50%) so với các dự án hạ tầng giao thông thông thường (10 - 20%), qua đó hỗ trợ dòng tiền cho các doanh nghiệp trong ngành”, VNDirect nhấn mạnh.
Đáng chú ý, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam thông tin, từ nay đến cuối năm 2023 sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động xây dựng, đấu thầu như: hợp đồng và tranh chấp hợp đồng xây dựng; bù giá và thanh toán hợp đồng; kiến nghị với nhà nước xây dựng cơ chế bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư và giải quyết nợ đọng trong xây dựng; cơ chế bảo hành và quyết toán hợp đồng…
Đồng thời, Hiệp hội tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên những vấn đề vướng mắc bất cập có liên quan đến định mức, đơn giá; phối hợp với Bộ Xây dựng để cuối năm 2023 ban hành áp dụng lập đơn giá thanh toán; kiến nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh cơ chế xác định đơn giá tiền lương, giá cả máy mới phù hợp, cơ chế công bố giá vật liệu sát thị trường.
Nhìn chung, trong ngắn hạn, tăng trưởng lợi nhuận của nhóm xây dựng vẫn chưa thể hiện rõ. ROE của các công ty xây dựng hạ tầng thường ở mức tương đối thấp trong khi mức định giá P/E và P/B của các cổ phiếu xây dựng đã vào vùng cao so với định giá trong quá khứ, phản ánh kì vọng về tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai.
“Cổ phiếu ngành xây dựng phù hợp với chiến lược đầu tư theo chủ điểm và tận dụng những nhịp biến động ngắn hạn với những thông tin cập nhật về việc trúng thầu hoặc tin tức về đẩy mạnh đầu tư công”, một chuyên gia của SSI Research khuyến nghị.
Hải Giang