Nhiều tuần tích lũy liên tiếp tại vùng tiệm cận ngưỡng tâm lý 1.000 điểm đã giúp chỉ số Vn-Index vượt qua thành công ngưỡng “đáng sợ” này trong tuần giao dịch vừa qua (11-15/3), bất chấp kỳ tái cơ cấu của các quỹ ETF với sự dẫn dắt của các cổ phiếu ngân hàng.
Bên cạnh đó, sự chú ý của dòng tiền đầu cơ cũng tập trung vào nhóm cổ phiếu có vốn hóa nhỏ (penny) khiến cổ phiếu nhóm này bùng nổ và thiếu vắng vai trò của nhóm cổ phiếu dẫn dắt, đẩy chỉ số vào thế giằng co và có sự điều chỉnh.
Lo ngại nhóm penny
Trong tuần giao dịch vừa qua, cổ phiếu VCR của CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex – ITC) với cả tuần giao dịch đều tăng trần, tương đương mức tăng đạt 56%. Trong phiên giao dịch ngày 18/3, VCR lại tiếp tục ghi nhận thêm một phiên tăng trần lên 9.000 đồng/cp.
Đây là phiên tăng trần thứ 8 liên tiếp của cổ phiếu này với tổng mức tăng đạt 87,5% từ mức giá 4.800 đồng/cp (phiên 6/3).
Hiện nay, Vinaconex – ITC có ba cổ đông lớn nắm 77% vốn gồm Vinaconex sở hữu 53,56%, Eximbank giữ 10,86% và CTCP Chứng khoán NN&PTNT Việt Nam có 13,586% vốn. Lượng cổ phiếu tự do giao dịch đạt hơn 7,9 triệu cổ phiếu, tương đương gần 22% vốn.
Cổ phiếu TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành cũng gây ấn tượng khi tăng 20,9% chỉ sau một tuần giao dịch trong khi không có thông tin gì đủ giúp cổ phiếu này bứt phá.
Sau 6 phiên tăng trần trước đó, cổ phiếu L35 của CTCP Cơ khí Lắp máy Lilama tiếp tục ghi nhận phiên tăng trần thứ 7 (phiên 18/3) tương đương 88,1% từ mức giá 4.200 đồng/cp lên 7.900 đồng/cp.
Đáng chú ý, đà tăng của L35 diễn ra trong bối cảnh công ty vừa nhận quyết định xử phạt về thuế, thanh khoản cũng tăng đột biến lên hàng chục nghìn đơn vị mỗi phiên trong khi trước đó, cổ phiếu này gần như không có giao dịch.
Nhóm cổ phiếu penny thường mang lại mức sinh lời rất lớn phù hợp với những nhà đầu tư ưa mạo hiểm. Có nhà đầu tư chia sẻ rằng anh ta có niềm yêu thích đặc biệt với nhóm cổ phiếu thị trường này bởi lợi nhuận của nó mang lại là không nhỏ.
Ví dụ, đối với cổ phiếu VCR, ngay cả khi cổ phiếu này đã tăng trần 2,3 phiên liên tiếp thì những nhà đầu tư chậm chân và “ăn non” vẫn có thể thu về khoản lợi nhuận khoảng 20% ngay khi “hàng” về (T+3).
Tuy nhiên, lợi nhuận cao sẽ luôn đi kèm với rủi ro lớn bởi những doanh nghiệp “sinh” ra những cổ phiếu này thường có kết quả kinh doanh khá bết bát, thậm chí thua lỗ triền miên.
Tâm lý thị giá thấp chỉ vài nghìn đồng/cp thì giá khó xuống cũng là một phần tạo nên sức hấp dẫn của cổ phiếu penny nhưng thực tế, nhiều cổ phiếu sau những phiên tăng trần liên tiếp là chuỗi giảm sàn dài ngày, thậm chí rơi về vùng giá thấp dưới 1.000 đồng/cp.
Chẳng hạn như cổ phiếu GDW của CTCP Cấp nước Gia Định, sau chuỗi tăng trần 6 phiên liên tiếp (từ 28/2- 7/3) với tổng mức tăng đạt 75,4% từ mức giá 16.700 đồng/ cp lên 29.300 đồng/cp đã quay đầu giảm sàn 4 phiên về mức giá 19.400 đồng/cp (phiên 18/3) . Đà giảm sàn vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tuy nhiên, thực tế không thể phủ nhận rằng dù nhóm cổ phiếu penny có “làm mưa, làm gió” trong thời gian gần đây thì nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng một vài mã lớn vẫn là nhân tố khiến thị trường bứt phá trong tuần giao dịch trước.
Nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường sẽ vẫn là nhóm ngân hàng |
Cổ phiếu “vua” trở lại
Theo ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường – Chứng khoán Vietinbank, chỉ số Vn-Index đã ba lần thất bại trong việc chinh phục ngưỡng 1.000 điểm bởi thiếu vắng sự bứt phá của nhó cổ phiếu vốn hóa lớn ngân hàng và bất động sản, do đó chưa thực sự kích thích được dòng tiền vào mạnh thị trường.
Theo giới phân tích, triển vọng thị trường nhìn chung vẫn được duy trì trong vùng dao động quanh mốc tâm lý là khá cao vì sức ép bán ra được thử thách trong nhiều tuần qua. Phía trước thị trường vẫn có hai mốc quan trọng là 1.020 điểm và 1.040 điểm nhưng có vẻ việc chinh phục không hề dễ dàng.
Trước đó, nhìn nhận về những nhóm ngành hấp dẫn trong năm 2019, nhóm cổ phiếu ngân hàng không được kỳ vọng cao nhưng nhờ những câu chuyện riêng như tăng vốn, lên sàn… nên nhóm ngành này vẫn được kỳ vọng.
Hơn nữa, với mức giá hiện tại, nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn đang được đánh giá hấp dẫn. Thực tế, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã phát huy tốt vai trò dẫn dắt thị trường trong tuần giao dịch trước và tiếp tục duy trì đến phiên giao dịch đầu tiên của tuần giao dịch này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/3, chỉ số Vn-Index tăng gần 8 điểm lên mức 1.011 điểm, HNX-Index cũng đóng cửa trong sắc xanh với 110,88 điểm.
Nhóm ngân hàng đóng góp động lực lớn cho đà tăng của các chỉ số như VCB (Vietcombank) tăng 2,4% lên 67.600 đồng/ cp, CTG (Vietinbank) tăng 3,1% lên 23.400 đồng/cp, BID (BIDV) cũng tăng nhẹ lên 37.300 đồng/cp…
Bên cạnh đó, các mã lớn như VNM (Vinamilk), GAS (PV GAS) hay bộ ba nhà Vin gồm VHM (Vinhomes), VIC (Vingroup), VRE (Vincom Retail) đều tăng khá tốt, tiếp sức cho đà tăng của thị trường.
Theo nhận định của CTCK Bảo Việt (BVSC), trong tuần giao dịch này, khối ngoại được kỳ vọng sẽ trở lại mua ròng sau kỳ tái cơ cấu danh mục của các quý ETF. Bên cạnh đó, việc ccq E1VFVN30 vẫn được khối ngoại duy trì hoạt động mua ròng sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho diễn biến của thị trường.
Dòng tiền vẫn sẽ bị thu hút bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng. Ngoài ra, một số cổ phiếu bluechip chịu áp lực bán giảm tỷ trọng trong danh mục của các quỹ ETF tuần trước có thể sẽ hồi phục tăng điểm trở lại.
Linh Đan