Đợt tăng vừa qua khá "lặng lẽ" bởi cổ phiếu và chỉ số cứ thế mà tăng, không có thông tin mới gì bất ngờ xuất hiện hay động thái khác thường nào của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. Trong đó, lực tăng lớn nhất thuộc về nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, do đó dù có bị điều chỉnh thì cũng là lẽ thường tình và không có bất cứ nguy hiểm gì đến các chỉ số.
Ngưỡng "đáng sợ"
Chỉ số Vn-Index chính thức chinh phục mốc 1.000 điểm tại phiên giao dịch ngày 12/3 trong sự bất ngờ của giới đầu tư, thậm chí ngay cả những NĐT lạc quan nhất và duy trì được sắc xanh trong cả hai phiên tiếp theo (13 và 14/3).
Đà tăng tích cực này diễn ra trong bối cảnh thị trường không đón nhận thông tin đặc biệt nào, yếu tố duy nhất là diễn biến thị trường quốc tế khá thuận lợi với mức tăng ấn tượng của chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, đã từ lâu, TTCK Việt Nam đã không còn bị ảnh hưởng quá nhiều bởi thị trường thế giới.
Hỗ trợ lớn cho thị trường là mức tăng vượt trội của các cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM (Vinhomes), SAB (Sabeco), VNM (Vinamilk), VIC (Vingroup), VCB (Vietcombank)… Bên cạnh đó là những cổ phiếu ngân hàng như CTG (VietinBank), BID (BIDV), VPB (VPBank)…
Đây hầu hết là những mã có ảnh hưởng lớn đến Vn-Index, nên quá trình tăng tốc đồng loạt đã giúp thị trường thăng hoa trong những phiên vừa qua.
Trước khi đạt được thành quả như hiện tại, chỉ số Vn-Index đã có 3 lần thất bại trước mốc 1.000 điểm do đây là ngưỡng kháng cự có yếu tố tâm lý lẫn kỹ thuật trong một xu hướng tăng ngắn hạn đã khá mạnh kể từ đầu năm 2019.
NĐT có tâm lý chốt lời và hành động khá dứt khoát, quyết đoán, trong khi bên mua lại có xu hướng lưỡng lự. Mặc dù Vn-Index có phiên đã bứt qua ngưỡng 1.000 điểm nhưng dòng tiền mới vào không đủ mạnh để giúp chỉ số duy trì trên ngưỡng kháng cự này.
Theo quan điểm của ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI), ngưỡng 1.000 điểm là ngưỡng kháng cự rất mạnh, trong khi với ngưỡng kháng cự tâm lý mềm thì thị trường sẽ vượt qua trong vòng 1 – 3 phiên, nhưng đối với ngưỡng kháng cự mạnh hơn, thị trường sẽ rung lắc trong vùng 990+/-10 điểm.
Ông Khánh cho biết thêm tại các ngưỡng kháng cự tâm lý mạnh, thông thường thị trường chung cũng như các cổ phiếu riêng lẻ sẽ rung lắc nhiều hơn và trong thời gian khá dài.
Không ít NĐT coi ngưỡng 1.000 điểm là "ngưỡng đáng sợ" bởi đằng sau nó là một lịch sử những lần chỉ số Vn- Index thất bại trong việc duy trì ngưỡng điểm này hoặc đột phá thành công. Từ đây, tâm lý "chốt lời" được hình thành lại càng làm cho mức điểm này trở thành một rào cản mạnh.
Khi nhắc đến lịch sử của ngưỡng 1.000 điểm với những lần thành rồi bại thì cũng cần nghĩ đến quá khứ của những lần vượt qua và bứt tốc.
Cách đây một năm, TTCK cũng trải qua ba tháng đầu năm 2018 với nhiều biến động tích cực khi Vn-Index vượt qua mốc lịch sử năm 2007 đạt 1.174,46 điểm và một lần nữa phá đỉnh lịch sử vào ngày 9/4/2018 khi chạm ngưỡng hơn 1.204 điểm.
TTCK có lặp lại kịch bản "thảm khốc" của năm 2018? |
Nhiều lo ngại
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/3/2019, chỉ số Vn-Index vẫn duy trì được sắc xanh và củng cố thêm mốc 1.005,41 điểm của phiên giao dịch trước bằng 3,03 điểm đạt 1008,44 điểm, nhiều NĐT rất quan tâm kịch bản của năm 2018 sẽ lặp lại.
Theo nhận định của một chuyên gia chứng khoán, với đà tăng trưởng mạnh về kinh doanh của doanh nghiệp trong các quý gần đây và đặc biệt là quý III/2018 trong khi chỉ số P/E của thị trường đang ở mức 15,8 lần, tương đương vùng đáy hai năm, thị trường đang có nhiều cơ hội mua vào.
Điều này đồng nghĩa với việc có thể sẽ có một mức tăng trong ngắn hạn, thị trường đóng cửa trên mức 1.000 điểm nhiều khả năng giúp dòng tiền gia tăng.
"Mốc 1.000 điểm sau 3 lần test thành công đã tạo tâm lý hưng phấn cho NĐT. Việc thị trường tăng xa hơn là chuyện có thể được kỳ vọng", chuyên gia này nhận định.
Trước đó, tại thời điểm thị trường liên tiếp lập đỉnh trong năm 2018, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cho rằng chỉ số Vn- Index sẽ còn vươn xa hơn nữa đạt mốc 1.300 điểm rồi 1.500 điểm, thậm chí chủ tịch một tập đoàn lớn còn dự báo mốc 2.000 điểm "nằm trong bàn tay".
Thế nhưng, Vn-Index chỉ trụ lại trên đỉnh cao nhất lịch sử vỏn vẹn 4 phiên rồi thị trường rơi vào trạng thái tiêu cực và mở đầu cho đợt sụt giảm mạnh nhất kể từ sau khủng hoảng kinh tế năm 2008, khiến các NĐT lao đao, thậm chí có người "cháy tài khoản".
Kết thúc năm 2018, Vn-Index ghi nhận mức 892,54 điểm, giảm 9,32% so với cuối năm 2017. Nếu so với mức đỉnh lịch sử nói trên thì Vn-Index đã mất đến gần 26% và là một trong những TTCK có mức giảm từ đỉnh lớn thứ 9 thế giới.
Trong bối cảnh TTCK nhiều khởi sắc, khối ngoại liên tiếp mua ròng như hiện nay, nhiều chuyên gia cũng đưa ra những viễn cảnh tươi đẹp về thị trường trong năm 2019.
Tuy nhiên, các NĐT tỉnh táo lại tỏ ra khá thận trọng với đà tăng hiện tại, bởi dù thị trường diễn biến tích cực nhưng các mã bluechip không tăng mạnh bằng nhiều mã penny.
Cần nhắc lại, tại thời điểm thăng hoa của thị trường hồi đầu năm 2018, dòng tiền ngoại là một trong những yếu tố quan trọng đẩy Vn-Index tiến xa hơn, nhưng cũng chính dòng tiền này đã kéo Vn- Index xuống dốc.
Linh Đan