Tuy nhiên, cả Chính phủ và giới chuyên gia đều thể hiện quan điểm nhất quán sẽ không chi thêm tiền ngân sách, "bơm" vốn vào những dự án thua lỗ.
Công ty Gang Thép Thái Nguyên đang ngập sâu trong nợ nần và nguy cơ mất khả năng trả nợ (Nguồn: TISCO) |
Trước thực tại của TISCO, các chuyên gia đề xuất một số giải pháp được cho là khả quan nhất để "vực dậy" TISCO là xử lý nợ vòng, bán doanh nghiệp, đòi nợ từ phía đối tác Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu những phương án trên không thực hiện được, các chuyên gia cho rằng biện pháp cuối cùng là cho phá sản.
Chia sẻ bên lề Hội thảo "Kiểm soát tài chính Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế", PGS.TS Tạ Văn Lợi – Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, đối với trường hợp của TISCO cần sử dụng giải pháp xử lý nợ vòng.
Ông Lợi lý giải, nợ vòng là bản thân các doanh nghiệp đó nợ lẫn nhau, tất cả các doanh nghiệp này rơi vào khó khăn tài chính và đều nợ tiền của Chính phủ và Chính phủ lại nợ tiền để cung ứng lại cho các dự án đó. Việc nợ này được ví như “chiếc vòng kim cô” kìm hãm sự phát triển của một nền kinh tế.
Không nên để một doanh nghiệp yếu kém tồn tại trong nền kinh tế, vì nó sẽ sinh ra sự đổ vỡ dây chuyền hay còn gọi là đô mi nô. Trường hợp của TISCO cũng chỉ là một trong những biểu hiện trong quản lý yếu kém suốt cả quá trình về chiến lược đầu tư, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kiểm soát an toàn tài chính doanh nghiệp.
Đưa ra giải pháp xử lý những "bết bát" của TISCO, vị chuyên gia này cho rằng, trường hợp TISCO nên xử lý theo giải pháp xử lý nợ vòng. Nếu rơi vào tình trạng mất kiểm soát thì buộc họ phải có khoảng thời gian 6 tháng xử lý tái cơ cấu. Bao gồm các giải pháp, mua bán nợ, đàm phán với các chủ nợ nhằm kéo dài nợ ngắn hạn sang dài hạn. Cũng có thể đưa chủ nợ thành cổ đông, đây là những người nắm rõ nhất về công nghệ, thị trường kinh doanh của doanh nghiệp, cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp vì họ đã từng là người cung ứng sản phẩm máy móc thiết bị…, họ muốn lấy lại phần tài chính đã bán cho doanh nghiệp thì có thể mua lại để sáp nhập rồi vực lại doanh nghiệp.
Dẫu vậy, ông Lợi đánh giá những giải pháp trên không hề dễ dàng đối với một doanh nghiệp đã xảy ra nhiều tai tiếng và khó khăn về tài chính như TISCO. Vì thế, cần áp dụng biện pháp cuối cùng là mở thầu để bán doanh nghiệp.
“Bán doanh nghiệp có 2 cách, nếu bán cả gói thì rất khó khăn cho đối tác, vì họ phải nhìn thấy lối thoát thì mới dám mua. Còn cách thứ 2 là chia nhỏ để bán, cách này sẽ khả thi hơn”, ông Lợi lý giải.
Trong khi đó, TS. Vũ Hùng Phương (ĐH Kinh tế Quốc dân) cũng nêu quan điểm, Chính phủ không nên bơm thêm tiền vào dự án của TISCO vì chắc chắn không khả thi. Theo đó, ông Phương đưa ra phương án thu hồi nợ đối với phía đối tác Trung Quốc sẽ giúp TISCO có thêm nguồn tiền để xử lý những khoản nợ trước mắt.
Theo chuyên gia này, Nhà nước có thể đề nghị không mang tính chính thức để thuyết phục phía đối tác Trung Quốc thực hiện đúng cam kết như trong hợp đồng đã ký. Nếu đối tác Trung Quốc vẫn không thực hiện có thể kiện ra tòa án. Việc đưa ra tòa nước nào sẽ phụ thuộc hợp đồng đã ký giữa 2 bên.
“Đây là những nỗ lực cuối cùng để giải thoát cho TISCO lúc này", ông Phương khẳng định.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận liên quan đến việc TISCO đã ký hợp đồng EPC với Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC). Theo đó, chủ đầu tư TISCO đã thanh toán cho nhà thầu MCC trên 92% giá trị hợp đồng, nhưng các hạng mục chính của gói thầu EPC đều chưa hoàn thành. Từ năm 2013, MCC và các nhà thầu đã ngừng thi công. TISCO đã thanh toán thay MCC tiền thuế là 11,6 triệu USD, thanh toán các khoản bốc xếp bảo quản thiết bị gần 5 tỷ đồng, vượt với giá trị hợp đồng. Trong khi đó, MCC chưa chuyển đủ thiết bị theo danh mục, đồng thời cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật không phù hợp với quy chuẩn của Việt Nam.
Hoàng Hà