Chỉ trong 8 phiên giao dịch (22/2 – 5/3), cổ phiếu đã từng được coi là “con tàu đắm” PVX của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã tăng một mạch từ mức giá 1.000 đồng lên 1.700 đồng/cp, tương đương tăng 70%.
Thanh khoản của PVX trong những phiên này cũng tăng đột biến, đạt trung bình gần 4 triệu đơn vị mỗi phiên, trong khi một khoảng thời gian dài trước đó không vượt qua được mốc 500.000 đơn vị.
Thu hút dòng tiền
Không đạt được mức tăng mạnh như PVX, nhưng cổ phiếu LHG của CTCP Long Hậu cũng gây ấn tượng với mức tăng 11,7% chỉ trong 4 phiên giao dịch, từ mức giá 18.900 đồng lên 21.200 đồng/cp. Bên cạnh đà tăng của thị giá, thanh khoản cũng có nhiều phiên tăng vọt khi đã có phiên khớp lệnh lên đến hàng triệu đơn vị.
Không ghi nhận mức tăng đột biến như PVX và LHG, nhưng trong 9 phiên giao dịch gần nhất, giá cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC đã tăng tới 8 phiên, tương đương mức tăng 6,4% từ mức 5.310 đồng lên 5.650 đồng/cp.
Điều đáng chú ý của FLC chính là việc cổ phiếu này luôn chứng minh được sức hút đối với dòng tiền khi thường xuyên đạt “quán quân” về thanh khoản. Khối lượng trung bình trong 10 phiên gần nhất đạt gần 12 triệu đơn vị/phiên.
Trong khi đó, cổ phiếu FIT của CTCP Tập đoàn F.I.T vừa qua cũng ghi dấu ấn khi tăng một mạch từ 2.580 đồng lên 3.210 đồng/cp, tương đương tăng 24,4% chỉ trong 4 phiên giao dịch. FIT cũng ghi nhận thanh khoản đột biến lên hàng triệu đơn vị trong những phiên gần đây.
PVX, LHG, FLC và FIT nằm trong số nhiều cổ phiếu penny có dấu hiệu nổi sóng gần đây. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang rơi vào nhịp điều chỉnh trước áp lực chốt lời của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thì nhóm cổ phiếu thị giá nhỏ lại đang thu hút mạnh dòng tiền tham gia.
Đáng chú ý, những cổ phiếu này tăng giá trong khi kết quả kinh doanh không có gì khởi sắc, cũng như không có thông tin gì hỗ trợ trong khoảng thời gian vừa qua.
Theo đó, kết thúc năm 2018, PVC ghi nhận thêm khoản lỗ 310 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế chưa phân phối lên 3.563 tỷ đồng – bằng 89% vốn điều lệ.
Trong giai đoạn 2008-2010, PVX đã từng là một trong những cổ phiếu được nhà đầu tư ưa chuộng bởi vị thế là doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực xây lắp chuyên ngành dầu khí. Tuy nhiên, khi “cơn sốt” qua đi, với việc làm ăn thua lỗ đã tác động tiêu cực tới giá cổ phiếu, PVX trở thành “con tàu đắm” của ngành dầu khí.
Đứng về góc độ tâm lý nhà đầu tư, khi thị trường bước vào một đợt sóng tăng mới nhưng xu hướng chưa cho thấy thật sự bền vững do việc các chỉ số còn phụ thuộc khá nhiều vào các mã trụ cột, việc lựa chọn đầu cơ, lướt sóng nhanh ở những cổ phiếu có thị giá thấp có thể là lựa chọn không tồi.
Rõ ràng việc “đánh lên” tại những cổ phiếu penny để ăn theo sóng tăng của thị trường sẽ cần nguồn lực ít tốn kém hơn so với những cổ phiếu có thị giá cao. Chắc chắn, trong thời gian qua, không ít nhà đầu tư đã kiếm đậm nhờ nhóm cổ phiếu này.
Có thể ví dụ như nếu nhà đầu tư bỏ ra 100 triệu đồng mua cổ phiếu PVX vào phiên giao dịch ngày 21/2 thì tạm tính theo T+3 là bán tại phiên ngày 27/2 đã thu về khoản lãi hơn 35 triệu đồng.
Cổ phiếu penny có thể mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư nhưng rủi ro cũng tương đương |
Vô tư đón sóng?
Trong thời gian tới, những thông tin về ĐHĐCĐ của các doanh nghiệp cũng như dự báo về kết quả kinh doanh quý I/2019 là những yếu tố thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Bên cạnh đó, khối ngoại quay trở lại mua ròng trong hai phiên gần đây cũng là một tín hiệu khả quan.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, sự phân hóa giữa các dòng cổ phiếu đã dần thể hiện rõ rệt. Sau khoảng thời gian tăng nóng trước đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng và các cổ phiếu vốn hóa lớn đang cần thêm thời gian để điều chỉnh tích lũy.
Theo đó, dòng tiền nhiều khả năng sẽ tìm đến các cổ phiếu chưa tăng nhiều hoặc đã điều chỉnh về vùng hỗ trợ, hoặc nhóm cổ phiếu nhỏ để tìm kiếm lợi nhuận.
Tuy nhiên, lợi nhuận cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, nếu lựa chọn không đúng thì nhà đầu tư có thể gánh chịu thiệt hại không nhỏ. Thực tế không phải cổ phiếu nhỏ nào cũng là sự lựa chọn đúng đắn.
Một trường hợp có thể nhắc đến như một sự bất trắc chính là cổ phiếu CDO: Sau khi bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE và chuyển sang đăng ký trên giao dịch trên UPCoM, cổ phiếu CDO đã rơi vào tình trạng bị đình chỉ giao dịch và được đưa ra khỏi diện này từ 5/10/2018 tại mức giá tham chiếu là 900 đồng/cp.
Hiện, CDO đang giao dịch quanh mức giá 1.100 đồng/cp. Diễn biến giá của cổ phiếu này rất đáng lưu ý khi chỉ giao dịch với 3 màu sắc chủ đạo là tăng trần, đứng giá, giảm sàn.
Trước khi chuyển niêm yết sang UPCoM, CDO là một cổ phiếu đầy tai tiếng trên HoSE với chiêu trò làm giá cổ phiếu và hàng loạt sai phạm, thậm chí một nhà đầu tư cá nhân đã bị khởi tố vì thao túng giá. Bi đát hơn, hóa đơn công ty cũng bị cưỡng chế, không còn giá trị sử dụng do công ty đã không chấp hành nộp tiền thuế, chậm nộp thuế…
Từ những diễn biến hiện tại cùng với quan điểm thận trọng, BVSC cho rằng xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn được duy trì. Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ nên cân nhắc thực hiện các hoạt động mua T+ hoặc mua lại một phần các vị thế đã bán trước đó trong các phiên thị trường điều chỉnh.
Linh Đan