Kết thúc tháng 4, mặc dù thị trường hồi phục trở lại sau khi bị bán tháo ở tháng 2 và tháng 3 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng hơn 6.800 tỷ đồng, tương ứng khối lượng khoảng 330 triệu cổ phiếu. Tính tổng cộng trong 4 tháng đầu năm, dòng vốn ngoại đã rút hơn 16.800 tỷ đồng ra khỏi thị trường chứng khoán Việt, tương đương 874 triệu đơn vị.
Nhiều ngân hàng “hở” room
Chỉ tính riêng trên sàn HoSE, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 6.138 tỷ đồng trong tháng 4 vừa qua, tương ứng khối lượng hơn 269 triệu cổ phiếu. Tính chung trong 4 tháng đầu năm, giá trị bán ròng của khối ngoại tại HoSE đã lên đến 14.800 đồng.
Lực bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài tập trung chủ yếu ở các cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó VIC đứng đầu danh sách với giá trị lên đến 1.214 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng gây chú ý khi góp mặt tới 5 mã trong danh sách những cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là VCB (Vietcombank), VPB (VPBank), HDB (HDBank), STB (Sacombank) và BID (BIDV).
Cổ phiếu ngân hàng đang là nhóm chiếm tới 30% vốn hóa trên sàn HoSE và vốn được xem là “của để dành” của khối ngoại. Tương tự , trên HNX, một cái tên của ngành ngân hàng là SHB cũng là cổ phiếu có lượng bán ròng cao nhất.
Mặc dù đã ở vùng giá hấp dẫn nhưng nhiều cổ phiếu vẫn bị khối ngoại bán ra ồ ạt. (Ảnh It) |
Trong những cổ phiếu ngân hàng kể trên, VPB là cổ phiếu bị bán nhiều nhất, đến nỗi VPBank phải thông báo chốt giảm tỷ lệ room ngoại từ hơn 22% của hiện tại về mức 15%. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 7% lượng cổ phiếu VPB mà các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ sẽ được bán ra (khoảng 180 triệu đơn vị).
Đáng chú ý là từ 31/3 - 10/4, VPB đã bị khối ngoại bán ròng một lượng lớn cổ phiếu, khiến tỷ lệ sở hữu giảm từ 23% xuống còn 22,87%. Lên sàn từ năm 2017, VPB là một trong những cổ phiếu luôn nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.
Tương tự, room nước ngoài cũng đang hở với những cổ phiếu ngân hàng khác như STB và LPB (LienVietPostBank). Sự kiện “hở” room này diễn ra trong bối cảnh LienVietPostBank vừa báo cáo lợi nhuận trước thuế quý I/2020 tăng 18% so với cùng kỳ, đạt 600 tỷ đồng.
Hiện, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu LBP đang giao dịch quanh vùng giá 7.000 đồng/cp, STB quanh 9.000 đồng/cp – mức thấp kỷ lục kể từ khi niêm yết và có thể được coi là mức hấp dẫn khi so với các cổ phiếu ngân hàng khác nhưng các nhà đầu tư ngoại vẫn tích cực bán ra.
Thực tế, từ trước đến nay, việc hở room ngoại tại các cổ phiếu ngân hàng là điều cực hiếm, nếu có ngân hàng chưa đầy room thì luôn chốt tỷ lệ ở mức nhất định (15%-20%) phần còn lại được lý giải để dành bán cho các đối tác chiến lược.
Sức hấp dẫn đã cạn kiệt?
Trước diễn biến giao dịch của khối ngoại đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhiều ý kiến cho rằng, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã giảm khá sâu so với mức giá mà nhóm nhà đầu tư này mua vào nên bán vào thời điểm này là cắt lỗ.
Cắt lỗ không phải là hiện tượng mới mẻ trên thị trường chứng khoán, nhưng đối với nhóm cổ phiếu được cho là cơ bản và nhiều tiềm năng như ngân hàng lại là điều lạ, đặc biệt là động thái bán qua sàn một cách ồ ạt như thời gian vừa qua.
Thông thường, cắt lỗ là để thu hồi vốn, hy vọng mua lại ở mức giá thấp hơn nhưng đối với trường hợp của LBP và STB là giống với rút vốn hơn là cắt lỗ.
Nhìn vào bức tranh ngành ngân hàng hiện nay có thể thấy rằng, áp lực nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro đang là vấn đề lớn đối với kết quả kinh doanh của các nhà băng không kể lớn nhỏ. Thực tế thì tại báo cáo tài chính quý I/2020 của các ngân hàng cũng đã thể hiện sự “leo thang” của nợ xấu cả về số tuyệt đối và tỷ lệ phần trăm trên tổng dư nợ.
Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng cũng đua nhau phát mãi các dự án căn hộ, đất nền, xe ô tô, thậm chí cả... vỏ bình gas để hu hồi nợ, tuy nhiên không dễ tìm được người mua khi dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến phần lớn các nhóm ngành, việc bán bất động sản thế chấp cũng gần như đứng im.
Trong khi đó, vốn huy động của đa số ngân hàng đã giảm so với cùng kỳ (quý I/2019), có ngân hàng giảm hơn 10% do các tổ chức kinh tế rút tiền gửi. Và chắc chắn đây không phải là tin tốt cho hệ thống ngân hàng.
Đáng chú ý, theo nhận định của các chuyên gia phân tích thuộc Chứng khoán SSI, sang đến quý II/2020, sự tác động của dịch bệnh đối với ngành ngân hàng sẽ bộc lộ rõ nét hơn khi dư nợ từ các lĩnh vực bị ảnh hưởng tính đến thời điểm này vào khoảng 925.000 tỷ đồng, tương đương 11% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, nợ xấu thực tế của ngành ngân hàng có nguy cơ tăng lên là điều khó tránh khỏi vì các biện pháp cơ cấu nợ, giãn nợ, khoanh nợ nếu thực hiện về cơ bản chỉ giúp làm đẹp sổ sách; còn thực chất các khoản lãi vay của ngân hàng vẫn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Với những khoản vay không đủ điều kiện để tái cơ cấu nợ, ngân hàng buộc vẫn phải chuyển thành nợ xấu theo quy định, kéo theo áp lực thoái thu lãi và trích lập dự phòng, từ đó cũng kéo lùi lợi nhuận.
Linh Đan