Sau cú sụp đổ trong 3 phiên đầu tiên của năm Canh Tý, thị trường chứng kiến phiên hồi phục đầu tiên ngày 4/2 trong bối cảnh lực bán suy giảm, sức cầu bắt đáy tăng lên dù dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona vẫn đang lan rộng, chưa có dấu hiệu lên đỉnh điểm và chưa được kiểm soát.
Dẫn dắt chính cho thị trường là nhóm ngân hàng khi nhiều cổ phiếu như CTG (VietinBank), VPB (VPBank), STB (Sacombank), TCB (Techcombank), VCB (Vietcombank)... đồng loạt tăng giá.
Nhóm dẫn sóng
Dù đã có dấu hiệu chốt lãi ở phiên giao dịch ngày 10/2 khi đồng loạt quay đầu giảm giá, thậm chí có thể chuyển sang giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn, nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn được đánh giá là nhóm hấp dẫn hàng đầu để đầu tư trung và dài hạn.
Thực tế, các cổ phiếu ngân hàng như BID (BIDV), ACB, MBB (MB), TCB đã không để các nhà đầu tư phải chờ lâu khi tiếp tục bứt phá trong phiên giao dịch ngày 12/2 và là động lực chính giúp thị trường tăng điểm.
Đà tăng của nhóm ngân hàng còn lan tỏa ra các bluechip như BVH (Bảo Việt), FPT (FPT), GAS (PV Gas), MWG (Thế giới Di động)...; nhóm bất động sản, xây dựng cũng ghi nhận nhiều mã tăng điểm hỗ trợ lớn cho sắc xanh của thị trường.
Thực tế, giá một số cổ phiếu ngân hàng đã tăng vượt đỉnh ngắn hạn cũ, thể hiện sức mạnh nổi trội so với mặt bằng chung, điển hình là CTG, SHB (SHB), VPB. Nếu so với mức giá đáy trong 6 tháng trở lại đây, không ít cổ phiếu ghi nhận mức tăng giá hơn 30% như CTG, VPB, SHB, BID.
Không chỉ mang lại lợi nhuận "ngược dòng" cho nhà đầu tư trong thời điểm khó khăn, các cổ phiếu này còn đóng vai trò tạo điểm tựa tâm lý và dòng tiền cho thị trường. Lý giải “sức mạnh” của nhóm cổ phiếu ngân hàng những ngày qua, các chuyên gia cho rằng đây là ngành không chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh lần này dù vẫn được dự báo nợ xấu sẽ gia tăng sau dịch.
Tuy nhiên, nhìn tổng quan, Bộ phận nghiên cứu của Chứng khoán SSI dự phóng, lãi trước thuế năm 2020 của các ngân hàng có thể tăng 22,5% nhờ sự phục hồi tại một số ngân hàng, bao gồm BIDV và VPBank (hoàn thành trích dự phòng cho trái phiếu VAMC), cải thiện hoạt động kinh doanh cốt lõi tại các ngân hàng khác nhờ tăng hệ số biên lãi ròng (NIM), tăng thu nhập từ kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) và thu nhập từ phí thanh toán.
Trong đó, các ngân hàng dự kiến có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất bao gồm Vietcombank, BIDV, VPBank, MBB và Techcombank. Trên sàn chứng khoán, trong khi VCB luôn được xem là siêu cổ phiếu nhiều thuận lợi về quy mô và thương vụ dịch vụ bảo hiểm; BIDV có thương vụ bán vốn nước ngoài thì CTG cũng có lợi thế không kém khi thị giá chưa tăng nhiều trong năm vừa qua cùng với những quyết định xử lý mạnh tay nợ xấu của ngân hàng.
Cơ hội chỉ tập trung ở một số mã cổ phiếu ngân hàng lớn |
Nhiều yếu tố tác động
Không chỉ được đánh giá cao trong giai đoạn thị trường đang bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài như hiện nay, cổ phiếu ngân hàng cũng được giới chuyên gia khuyến nghị là nhóm ngành có khả năng dẫn dắt thị trường trong năm 2020.
Dù là nhóm cổ phiếu có chu kỳ tăng trưởng nhưng lại chịu nhiều ảnh hưởng từ thông tin thị trường, những tác động từ cổ đông, lãi suất, chi phí trích lập dự phòng... sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thị giá cổ phiếu ngành ngân hàng. |
Ông Lê Anh Tùng, Giám đốc Chiến lược Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, nếu xét theo nhóm ngành, lựa chọn hàng đầu hiện nay vẫn là nhóm ngành chu kỳ, hưởng lợi bởi xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế, thu nhập và tiêu dùng gia tăng…
Trong đó, nổi bật là nhóm ngân hàng với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận tiếp tục nổi trội so với các ngành khác, mức độ an toàn hệ thống được nâng cao theo Basel II, cùng với những câu chuyện tăng vốn hấp dẫn.
Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng, do mức tăng lợi nhuận không đồng đều, nên "có thể chỉ số ít các cổ phiếu ngân hàng đánh bại được Vn-Index trong năm nay". Thực tế, nhìn lại 18 cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết hiện nay, cơ hội đang tập trung tại nhóm ngân hàng lớn.
Dù điểm sáng của ngành ngân hàng ngày càng được thể hiện rõ, tuy nhiên, cơ hội vẫn chưa tìm đến nhóm quy mô nhỏ khi vẫn còn nhiều cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá như SHB, LPB (LienVietPostBank), NVB (NCB), KLB (Kienlongbank)..., ít được các nhà đầu tư quan tâm.
Tại nhóm chưa niêm yết, VietABank đang là ngân hàng có giá trị cổ phần thấp nhất thị trường. Trên sàn OTC, cổ phần VABANK của ngân hàng này đang được giao dịch tại mức giá khiến nhiều người bất ngờ là 2.000 đồng/cp.
Mới đây, VietABank thông báo dự kiến phát hành 150,5 triệu cổ phiếu với giá bán 10.000 đồng/cp tăng vốn lên 5.005 tỷ đồng. Đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu của VietABank tại thời điểm chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền mua.
Được biết, VietABank đã “lỡ” kế hoạch tăng vốn 4 năm liên tục (từ năm 2016) và năm 2020 cũng là năm thứ năm liên tiếp ngân hàng này xin tăng vốn điều lệ. Việc chỉ phát hành cho cổ đông hiện hữu của VietABank đã dẫn tới giả thiết VietABank không tìm được nhà đầu tư, hoặc cổ đông hiện hữu không còn muốn sự tham gia của các cổ đông mới.
Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, dù là nhóm cổ phiếu có chu kỳ tăng trưởng nhưng lại chịu nhiều ảnh hưởng từ thông tin thị trường, những tác động từ cổ đông, lãi suất, chi phí trích lập dự phòng... sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thị giá cổ phiếu ngành ngân hàng. Do đó, việc giá cổ phiếu của ngân hàng nào chìm sâu dưới mệnh giá sẽ khiến ngân hàng đó khó thành công trong việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn.
Linh Đan