Trong một nhận định mới đây của nhóm nghiên cứu của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), chỉ số Vn-Index vẫn đối diện với rủi ro suy giảm cao và vẫn trong xu hướng tiêu cực. Lẽ thường xu hướng chung của thị trường sẽ có sức ảnh hưởng mạnh đến biến động giá của các cổ phiếu riêng lẻ.
Tuy nhiên, không vì thế mà dòng tiền nằm nghỉ. Ít nhất vẫn có khoảng 10% cổ phiếu đủ sức chống chọi và lội ngược dòng thị trường, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng nằm trong 10% này.
Nhiều mã tăng “lạ”
Có mức tăng giá mạnh nhất nhóm cổ phiếu ngân hàng là SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB). Đây là hiện tượng đáng chú ý nhất khi đi ngược xu hướng chung từ đầu năm đến nay, đặc biệt trong 10 phiên gần đây.
Suốt một thời gian tính bằng năm, thị giá của SHB chìm dưới mệnh giá và thiếu sóng, thậm chí còn được đánh giá là cổ phiếu “thảm” nhất nhóm ngân hàng. Từ đầu năm 2020, giá cổ phiếu này còn chớm trên 6.000 đồng/cp, bắt đầu nổi sóng lên gần 8.000 đồng rồi điều chỉnh.
Tuy nhiên, bắt đầu từ phiên giao dịch ngày 24/2, cổ phiếu SHB đã bắt đầu đà tăng rất mạnh gồm những phiên kịch trần biên độ với khối lượng bùng nổ. Mức giá cao nhất mà SHB ghi nhận là 12.900 đồng/cp trong phiên 6/3 – cũng là mức giá cao nhất trong vòng 10 năm qua của cổ phiếu này.
Tổng mức tăng trong khoảng thời gian từ 21/2-5/3 là gần 87%. Tính chung từ đầu năm 2020 đến nay, SHB tăng 141,2%, chỉ thua cổ phiếu “siêu đầu cơ” GAB. Đặc biệt, trong khoảng thời gian này, thanh khoản của SHB cũng đột biến khi tổng giá trị trung bình đã vượt con số 400 tỷ đồng.
Mức tăng đó của SHB khiến tài sản của ông Đỗ Vinh Quang – con trai của Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển tăng khoảng hơn 200 tỷ đồng chỉ trong hơn 1 tháng. Trước đó, ông Quang đã thực hiện mua vào 35,9 triệu cổ phiếu SHB trong khoảng giá từ 6.000 – 6.500 đồng/cp, thời gian mua vào từ ngày 15/1-3/2.
Tương tự, VPB của VPBank dù đã có sự điều chỉnh trong thời gian gần đây, thậm chí giảm sàn trong phiên giao dịch ngày 9/3 – 3 ngày sau phát hiện ca thứ 17 dương tính với Covid-19 tại Hà Nội nhưng chuỗi tăng giá mạnh và liên tiếp trong suốt 2 tháng qua đã tạo được nhiều ấn tượng.
Từ mức giá dưới 20.000 đồng/cp hồi đầu tháng 1, VPB đã tăng đột biến lên quanh 29.000 đồng/cp trước khi điều chỉnh về mức giá 25.600 đồng/cp, tương đương tăng gần 29%.
Hoặc cổ phiếu CTG của Vietinbank đã bứt phá 30% trong thời gian ngắn ngay sau Tết âm lịch. Cổ phiếu các ngân hàng khác như VCB (Vietcombank), BID (BIDV), ACB, TCB (Techcombank), STB (Sacombank), MBB (MB), HDB (HDBank) đều ghi nhận mức tăng trưởng ít nhiều về thị giá.
Cổ phiếu ngân hàng đi ngược với xu hướng thị trường trong thời gian qua |
“Game” tăng giá?
Thực tế, theo nhận định của các nhóm nghiên cứu thuộc nhiều công ty chứng khoán, dịch bệnh sẽ chỉ tác động ngắn hạn đến ngành ngân hàng và cổ phiếu ngân hàng vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nhờ vào tiềm năng tăng trưởng của nhóm này.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, đỏ là tông màu chủ đạo của thị trường chứng khoán Việt khi lực bán mạnh đến từ nhà đầu tư trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, xu hướng của thị trường thông thường sẽ là xu hướng của cổ phiếu, do đó những hiện tượng “lạ” tại cổ phiếu ngân hàng khiến nhiều người cho rằng đang có “game”.
Sự thật là, trong khoảng thời gian cổ phiếu VPB tăng giá mạnh, VPBank lại tung ra thông tin về khả năng triển khai IPO công ty tài chính của ngân hàng là FE Credit, trước hết ở thủ tục chuyển đổi mô hình đã được cơ quan chức năng chấp thuận.
Còn với “hiện tượng” SHB là kế hoạch phát hành cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ của ngân hàng. Để đảm bảo thành công, thị giá cổ phiếu trên sàn cần cao hơn ở một mức độ hấp dẫn so với giá chào bán (10.000 đồng/cp), như một điểm thu hút và bảo đảm lợi ích cổ đông - nhà đầu tư góp vốn mua phần phát hành thêm.
SHB bắt buộc phải thực hiện tăng vốn bởi đây là một trong những ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhưng mức vốn điều lệ chưa tương xứng với tài sản. Mặt khác, áp lực đáp ứng Basel II đã hiện hữu, khi Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước (về yêu cầu tuân thủ Basel II) đã có hiệu lực từ 1/1/2020, trong đó yêu cầu đầu tiên là đảm bảo đủ vốn.
Khác với SHB và VPBank, tại các diễn đàn chứng khoán, các nhà đầu tư đang xôn xao về việc cổ phiếu STB tăng mạnh thời gian qua là do sẽ có một sự thay đổi về cơ cấu cổ đông tại Sacombank dẫn đến kỳ vọng ngân hàng có nguồn lực mới để tái cơ cấu.
Ngoài ra, câu chuyện xử lý nợ xấu tại VAMC tại Sacombank cũng là một yếu tố để ngân hàng có một lượng tiền mặt lớn hỗ trợ.
Tuy nhiên, thực tế là dù có “game” hay không, giá cổ phiếu vẫn đặt trên nền những yếu tố, giá trị cơ bản và triển vọng phát triển của doanh nghiệp. Trong khi đó, kế hoạch kinh doanh năm nay, ngân hàng nào cũng đặt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận hai con số, các chỉ số tài chính hiện tại của cổ phiếu ngân hàng như EPS (lợi nhuận trên cổ phiếu), P/E (giá trên lợi nhuận), P/BV (giá trị trên sổ sách)... có thể dẫn đến nhận xét chúng còn tương đối rẻ so với thị trường chung và so với các ngành nghề khác.
Linh Đan