10 mã chứng quyền chính thức được giao dịch trên HoSE |
Hiện, cả 10 mã chứng quyền đều đang giao dịch khá tích cực về thị giá nhưng chưa có sự sôi động khi khối lượng khớp lệnh chỉ khoảng 700.000 chứng quyền trên tổng số gần 17 triệu chứng quyền phát hành.
Toàn bộ lượng chứng quyền (CW) đăng ký phát hành được các công ty chứng khoán lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), không phụ thuộc vào kết quả phát hành lần đầu ra công chúng (IPO). Số lượng CW không phân phối hết sẽ được các công ty chứng khoán nắm giữ trong tài khoản tự doanh và tự do giao dịch.
Mã chứng quyền sẽ được quy chuẩn gồm 8 ký tự. Chẳng hạn với CMBB1901, C là ký hiệu chứng quyền mua, MBB là ký hiệu mã chứng khoán cơ sở, 19 là năm phát hành (năm 2019 ký hiệu là 19) và 01 là số thứ tự CW được VSD cấp.
Thời gian giao dịch và các phiên đóng cửa, mở cửa sẽ tương tự như giao dịch cổ phiếu trên HoSE, với khối lượng giao dịch tối thiểu là 1 CW. Thời gian thanh toán cũng là T+2 (từ ngày thứ 3 kể từ ngày mua, chứng quyền sẽ về tài khoản nhà đầu tư).
Biên độ giao dịch giá CW từng phiên sẽ bằng giá chứng quyền cộng/trừ với biến động giá cổ phiếu cơ sở, với bước giá 10 đồng. Giá đóng cửa phiên giao dịch hôm trước sẽ là giá tham chiếu cho phiên giao dịch hôm sau.
Ví dụ, giá IPO CMBB1901 của SSI là 1.900 đồng. Trong phiên giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu MBB tham chiếu là 30.000 đồng, biên độ giao dịch giá là 27.900 – 32.100 đồng/cp (chênh lệch 2.100 đồng so với giá tham chiếu). Do đó, biên độ giao dịch CMBB1901 sẽ là 10 đồng (do không có giá âm) – 4.000 đồng (= 1.900 đồng + 2.100 đồng).
CW sẽ được niêm yết và giao dịch tương tự như cổ phiếu, do đó, nhà đầu tư sẽ không phải mở thêm tiểu tài khoản và CW sẽ được mua hoàn toàn bằng tiền mặt (không mua bằng margin nên sẽ không bị "call margin" (ép bán). Đến ngày đáo hạn, công ty chứng khoán cũng tự tính toán và đóng vị thế cho nhà đầu tư.
Nhà đầu tư có thể kiếm lời bằng 2 cách: nắm giữ tới ngày đáo hạn hoặc bán trên sàn khi có lời.
T.L