Hiện đã có khoảng 10 công ty chứng khoán (CTCK) sẽ tham gia phát hành đợt đầu CW và con số này sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới. Nhà đầu tư có thể mua lúc tổ chức phát hành chào bán CW lần đầu (IPO) trên thị trường sơ cấp hoặc mua trên sàn khi niêm yết ngày 28/6 tới. Và giống như chứng khoán cơ sở, CW không được phép bán khống.
Do đó, câu chuyện phí giao dịch tại các CTCK là một trong những mối quan tâm của nhà đầu tư trước khi lựa chọn đầu tư vào sản phẩm mới này.
Chiến lược miễn phí
Ngày 11/6 vừa qua, CTCK VPS đã ra thông báo miễn phí giao dịch chứng quyền có bảo đảm cho chứng quyền do công ty phát hành và cả chứng quyền do các tổ chức khác phát hành khi giao dịch thứ cấp CW tại công ty này.
Bên cạnh đó, VPS cũng sẽ phát hành CW dựa trên chứng khoán cơ sở là cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát có tên gọi MHPGVPSCAT với khối lượng là 1,5 triệu chứng quyền có thời hạn 3 tháng. Ngày phát hành sơ cấp là 12/6 và ngày đáo hạn là 12/9.
Mới đây, CTCK MBS cũng đã có thông báo về đợt chào bán chứng quyền với hai mã phát hành là HPG và PNJ trong 3 ngày (từ 10/6/2019 – 12/6/2019).
Theo đó, MBS đã bán vượt tổng số lượng chứng quyền đã phát hành và là CTCK đầu tiên chào bán thành công CW trên thị trường chứng khoán Việt.
Cũng trong thông báo của MBS, giao dịch chứng quyền, nhà đầu tư được hưởng rất nhiều lợi ích như vốn đầu tư thấp, giao dịch dễ dàng, chi phí thấp, không phải ký quỹ và đặc biệt là quyền lợi của nhà đầu tư được đảm bảo.
Hiện, ngoài VPS vẫn chưa có thêm thông tin về biểu phí giao dịch chứng quyền của các CTCK còn lại (như SSI, BSC, VnDirect, KIS, HSC, VCBS…) nhưng để cạnh tranh chiếm thị phần, không ít công ty sẽ đưa ra mức phí 0% trong thời gian đầu hoặc một mức phí tối thiểu.
Thực tế, chiến lược miễn phí giao dịch luôn được các CTCK sử dụng để câu khách trong mỗi thời điểm phát hành sản phẩm mới. Minh chứng cho hiệu quả của việc miễn phí phí giao dịch được thể hiện rõ trên thị trường chứng khoán phái sinh.
Trước đó, tại thời điểm ra mắt thị trường chứng khoán phái sinh và giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30, các công ty chứng khoán đã đua nhau kích hoạt chương trình miễn phí giao dịch thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư.
Điều này đã khiến thị trường phái sinh trở nên sôi động hơn với số lượng hợp đồng giao dịch tăng trưởng đều trong hơn một năm rưỡi chính thức đi vào hoạt động.
Ngay cả khi Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) áp dụng mức phí giao dịch cho các nhà đầu tư từ 15/2/2019, nhiều CTCK vẫn tiếp tục công bố miễn phí dài hạn cho khách hàng.
Chính những động thái này đã đem về cho VPS thị phần 37,5% trên thị trường chứng khoán phái sinh (tính đến hết quý I/2019), tiếp đến là VnDirect, HSC, MBS, SSI.
Cuộc đua thu hút nhà đầu tư vào "sân chơi" chứng quyền đang nóng dần lên |
Miễn phí trong bao lâu?
Trong cuộc đua miễn phí giao dịch trên thị trường phái sinh, bên cạnh những tay đua cừ khôi như VPS vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại thì cũng đã có nhiều cái tên phải rời cuộc đua.
Sau khi kích hoạt chương trình miễn phí giao dịch phái sinh từ ngày 2/1/2019, CTCK Mirae Asseet đã tuyên bố kéo dài chương trình miễn phí cho khách hàng tới hết quý II/2019. Điều này đồng nghĩa với việc Mirae Asseet sẽ thu phí trở lại bắt đầu từ tháng 7/2019.
Trước đó, CTCK ACBS sau một thời gian miễn phí giao dịch phái sinh đã bắt đầu thu phí trở lại. Mức phí mới được công ty này áp dụng từ ngày 1/4/2019 là 3.000 đồng/hợp đồng, không bao gồm các khoản phí phải trả cho HNX và VSD.
Tuy nhiên, khác với hợp đồng tương lai, chứng quyền có bảo đảm được chính các CTCK phát hành, giao dịch chứng quyền là giao dịch giữa CTCK và nhà đầu tư.
Việc phát hành chứng quyền sẽ giúp các CTCK đa dạng hóa các sản phẩm tài chính cung cấp cho nhà đầu tư với nhiều cấp độ rủi ro cũng như sinh lời khác nhau cho nhà đầu tư lựa chọn và có một nguồn thu nhất định từ quyền phí phát hành.
Theo quy định của UBCKNN, CTCK phải ký quỹ bằng tiền tối thiểu 50% giá trị chứng quyền dự kiến phát hành tại một ngân hàng lưu ký trong suốt thời gian có hiệu lực của chứng quyền.
Hàng ngày, CTCK phải thực hiện phòng ngừa rủi ro cho số chứng quyền đang lưu hành. Trong trường hợp thị trường biến động mạnh, tỷ lệ chênh lệch giá trên thị trường vượt quá 5%, CTCK phải có nghĩa vụ tạo lập thị trường CW.
Theo số liệu thống kê của BSC, 100% khách hàng tham gia mua chứng quyền có đảm bảo (do BSC phát hành) đều là khách hàng cá nhân. Do đó, câu chuyện phí giao dịch càng là mối quan tâm hàng đầu.
Theo ông Nguyễn Duy Linh, Phó Giám đốc khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng cá nhân, CTCK SSI, việc triển khai CW là hoạt động tất yếu trong quá trình phát triển của thị trường chứng khoán.
CW được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện cấu trúc sản phẩm, thúc đẩy hoạt động giao dịch trên thị trường cổ phiếu, hỗ trợ tái cấu trúc hoạt động của CTCK…
Linh Đan