CII E&C rời sàn HoSE chuyển sang giao dịch tại UPCoM là để để tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh. |
Bên cạnh đó, CII E&C cũng thống nhất đưa toàn bộ cổ phiếu CEE đăng ký giao dịch tại sàn giao dịch UPCoM sau khi hoàn tất thủ tục hủy niêm yết.
Hủy niêm yết tự nguyện, đặc biệt là hủy niêm yết trên HoSE của các doanh nghiệp là sự việc ít thấy. Còn CII E&C lại chọn thời điểm hủy niêm yết trên HoSE đúng giai đoạn "chợ chứng khoán" đang có nhiều ý kiến về việc nghẽn lệnh trên HoSE.
Hiện đã có nhiều giải pháp đề xuất, trong đó có việc chuyển một số doanh nghiệp sang giao dịch tạm thời tại HNX. Tuy nhiên, việc CII E&C rời sàn HoSE chuyển sang giao dịch tại UPCoM là để để tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Hiện, CII E&C có vốn điều lệ 415 tỷ đồng, tương đương khối lượng cổ phiếu đang niêm yết là 41,5 triệu đơn vị. Tuy nhiên, lượng cổ phiếu lưu hành chỉ là 39,5 triệu đơn vị, vì hồi tháng 5/2018, doanh nghiệp đã tiến hành mua vào 2 triệu cổ phiếu quỹ do giá cổ phiếu tại thời điểm đó đang giảm sâu, giá mua trung bình là 19.869 đồng/cp.
Được biết, CII E&C đưa 41,5 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên HoSE từ 15/5/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 22.300 đồng/cp. Thời điểm đó, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (mã: CII) đang sở hữu 20,33 triệu cổ phiếu CEE, tương ứng 49% vốn điều lệ.
Sau khi CII E&C lên sàn, CII liên tục mua vào và lần gần nhất, ngay những ngày cuối tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021 đã mua thêm hơn 3,54 triệu cổ phiếu, nâng tổng lượng sở hữu lên gần 31,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 80% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của CII E&C.
Bất chấp thông tin hủy niêm yết trên HoSE, cổ phiếu CEE đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/3 khá tích cực khi tăng 5,2% lên 17.350 đồng/cp. Điều đáng chú ý là thanh khoản của cổ phiếu này khá thấp, dù giao dịch trên HoSE nhưng thường xuyên xảy ra tình trạng khối lượng giao dịch bằng 0. Trong 10 phiên gần nhất, trung bình mỗi phiên CEE chỉ giao dịch khoảng hơn 1.000 cổ phiếu.
Về kết quả kinh doanh, kết thúc năm 2020, CII E&C ghi nhận 827,5 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 21% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 36,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận lỗ gần 63,8 tỷ đồng.
Thực tế, hủy niêm yết tự nguyện từ sàn chính thức xuống sàn tập trung không còn là câu chuyện quá mới mẻ trên thị trường chứng khoán, thậm chí có những doanh nghiệp còn hủy niêm yết hoàn toàn.
Tuy nhiên, đặc điểm chung có thể dễ dàng nhận thấy của các doanh nghiệp xin hủy niêm yết đều là vốn ít, hoạt động kinh doanh không có gì nổi bật, thậm chí thua lỗ, thanh khoản cổ phiếu duy trì ở mức thấp.
Khi niêm yết trên sàn chính thức, doanh nghiệp mong muốn tiếp cận thêm một kênh huy động vốn, tạo thanh khoản cho cổ phiếu nhằm tăng giá trị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một vài đơn vị “vỡ mộng” khi phải đối mặt với nhiều áp lực giám sát của các cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó là áp lực nâng cao hiệu quả kinh doanh để duy trì giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, việc giao dịch chứng khoán sẽ khiến cơ cấu cổ đông thay đổi, dẫn đến sự biến động trong quản lý, quyền kiểm soát của các cổ đông lớn.
Một chuyên gia chứng khoán cho biết, việc đối diện với áp lực giám sát, cũng như phải minh bạch công khai tình hình “sức khỏe” sẽ giúp doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện, nhưng khi không chịu được áp lực mà hủy niêm yết sẽ là một “vết đen” trong lịch sử.
Vị này nhấn mạnh, dù doanh nghiệp uy tín đến đâu, làm ăn tốt như thế nào thì việc hủy niêm yết trong quá khứ cũng sẽ là một trở ngại lớn, đặc biệt là việc hợp tác với đối tác nước ngoài, bởi các đối tác này thường rất ngại sự thiếu minh bạch thông tin sau hủy niêm yết.
Đặc biệt, khi đã hủy niêm yết, việc quay lại sàn chứng khoán sẽ khá “chật vật” bởi sẽ có những tiêu chuẩn, điều kiện nâng cao cụ thể hóa bằng văn bản. Ngoài ra, niềm tin đã đánh mất đối với các nhà đầu tư là rất khó lấy lại.
L.L