Công ty có địa chỉ tại lô II-2B, cụm V, nhóm Công nghiệp II, Khu công nghiệp Tân Bình, đường số 10, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM. Quyết định này được ban hành sau khi xem xét đơn sửa đổi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp của CTCP Sản xuất Thương mại Tân Việt Sinh đối với Bao bì Nhựa Sài Gòn và xem xét thấy công ty mất khả năng thanh toán.
Cổ phiếu đổ đèo
Sau đợt tăng giá mạnh bất ngờ lên mức 17.190 đồng/cp (giá đã điều chỉnh, chưa điều chỉnh là 32.400 đồng/cp) hồi giữa năm 2017, cổ phiếu SPP quay đầu giảm nhẹ quanh vùng giá 14.000-17.000 đồng/cp đến đầu năm 2018.
Chuỗi giảm giá của SPP bắt đầu bằng 10 phiên giảm sàn liên tiếp ngay từ khi bước vào tháng 3/2018 về vùng giá 5.000 đồng/cp và giao dịch lình xình kéo dài trong cả năm 2018, đã có lúc SPP cũng bật tăng lên hơn 7.000 đồng/cp nhưng cũng rất nhanh chóng quay về vạch xuất phát.
Bước sang năm 2019, tình hình cũng không mấy khả quan khi giá cổ phiếu này ngày càng lùi dần về mức dưới 3.000 đồng/cp. Trong bối cảnh ngày càng giảm sâu của thị giá cổ phiếu, tháng 9/2019, ban lãnh đạo Bao bì Nhựa Sài Gòn đã có thông tin về việc sẽ bán 51% vốn cho Tập đoàn PHI Group để thu hút vốn đầu tư.
Giá trị của thương vụ dự kiến là 50 triệu USD, tương đương với mức định giá công ty là 100 triệu USD (hơn 90.000 đồng/cp). Với số tiền thu được, công ty sử dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và trả nợ ngân hàng.
Sau khi có thông tin này, cổ phiếu SPP đã tăng trần 8 phiên liên tiếp đạt mức 4.200 đồng/cp, gần gấp đôi so với đầu năm. Tuy nhiên, sau đó SPP đã giảm sàn và liên tiếp đổ đèo, kết thúc năm 2019 tại mức giá 1.900 đồng/cp và đến nay chỉ còn 1.100 đồng/cp. Có một điểm đáng chú ý là dù cổ phiếu giảm khá mạnh, nhưng thanh khoản của SPP vẫn duy trì ở mức khá, trung bình gần 74.000 đơn vị/phiên.
Về hoạt động kinh doanh, doanh thu của công ty tăng đều đặn từ 815 tỷ đồng lên 1.106,7 tỷ đồng giai đoạn 2015-2018, nhưng biên lợi nhuận gộp lại có xu hướng giảm từ 13,2% về 11,7%. Lợi nhuận sau thuế của công ty duy trì khoảng 20 tỷ đồng trong hai năm 2016-2017 nhưng giảm mạnh về 12,4 tỷ đồng năm 2018.
Bao bì Nhựa Sài Gòn bắt đầu cho thấy sự suy sụp khi 9 tháng 2019 báo lỗ hơn 2,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi. Tại thời điểm cuối tháng 9/2019, công ty có tổng tài sản 1.171 tỷ đồng; tổng vay nợ tài chính hơn 738 tỷ đồng, chiếm 63% tổng nguồn vốn.
Hiện, hai chủ nợ lớn nhất của Bao bì Nhựa Sài Gòn là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với dư nợ hơn 399.5 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) với dư nợ gần 130 tỷ đồng.
Không chỉ chứng kiến đà lao dốc của cổ phiếu, Bao bì Nhựa Sài Gòn còn đang đối mặt với nguy cơ phá sản cao |
Vận đen đeo bám
Kinh doanh thua lỗ, chiếc “phao” bán cổ phần cho đối tác nước ngoài còn chưa có thêm động thái mới, Bao bì Nhựa Sài Gòn đã phải nhận quyết định về việc mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân TP.HCM do nhận thấy công ty mất khả năng thanh toán.
Thông báo cho biết, trong 30 ngày kể từ ngày cuối cùng đăng tải thông tin về quyết định mở thủ tục phá sản này, các chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là Công ty Hợp danh quản lý và Thanh lý tài sản Sen Việt.
Trong đó, các chủ nợ phải nêu cụ thể các khoản nợ, số nợ đến hạn và chưa đến hạn, số nợ có bảo đảm và không có bảo đảm mà doanh nghiệp phải trả đi kèm với các tài liệu chứng minh. Hết thời hạn mà chủ nợ không gửi giấy đòi nợ thì được coi là từ bỏ quyền đòi nợ.
Với vai trò quản tài viên, Công ty Sen Việt cũng vừa thông báo đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về tình hình hiện tại của Bao bì Nhựa Sài Gòn đang trong giai đoạn mở thủ tục phá sản và vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường nhưng phải chịu sự giám sát của thẩm phán và quản tài viên theo đúng quy định.
Điều đó đồng nghĩa với việc cổ phiếu SPP vẫn duy trì giao dịch ít nhất là trong giai đoạn này, nhưng có nên đầu tư vào mã này SPP không lại là một câu hỏi khó trả lời. Có ý kiến cho rằng, một phần của thế giới đầu tư là những công ty đang trên bờ vực phá sản, nơi mà cơ hội luôn nằm rải rác với các “bãi mìn”.
Bởi, luật pháp cho phép các công ty sắp phá sản có một thời gian nhất định để tái cơ cấu, một số ít doanh nghiệp có thể được vực dậy ngay trong thời gian này và đây là lúc giá cổ phiếu có thể tăng phi mã.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, công ty sắp phá sản, sa lầy không phải là một mảnh đất màu mỡ để đầu tư. Theo một chuyên gia phân tích chứng khoán, đầu tư vào một mã cổ phiếu là dựa trên cơ sở hiểu biết rõ về doanh nghiệp, dự báo khả năng sinh lời trong tương lai của cổ phiếu đó so với thị trường.
Do vậy, nếu chưa có hiểu biết rõ về doanh nghiệp, đặc biệt là mức độ rủi ro bị phá sản của doanh nghiệp mà vẫn đầu tư thì chắc chắn rủi ro là rất lớn. Không chỉ rủi ro về giảm giá cổ phiếu, mà còn gặp phải rủi ro về khả năng mất thanh khoản, trong trường hợp doanh nghiệp bị buộc phải phá sản thì các cổ đông phải chờ đợi một thời gian khá dài để thực hiện thủ tục phá sản tại Tòa án.
Thậm chí, có trường hợp cổ đông đối diện với khả năng mất hết tiền đầu tư bởi giá trị thanh lý tài sản đã bù đắp hết vào các nghĩa vụ nợ.
Minh Khuê