Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/3, chỉ số Vn-Index đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng gần 4 điểm lên 694,21 điểm, nâng tổng mức tăng trong 2 phiên liên tiếp lên hơn 35 điểm sau chuỗi ngày ảm đạm.
Hỗ trợ đà tăng của thị trường là diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như BVH, VIC, VRE, SAB, VHM, VNM, SBT, trong khi số mã giảm trên sàn HoSE lên đến 265, còn số mã tăng chỉ đạt 108.
Lo quá khứ lặp lại
Dù Vn-Index đã có 2 phiên hồi phục nhưng nhìn vào diễn biến “xanh vỏ đỏ lòng” trong phiên ngày 26/3, nhiều nhà đầu tư lo ngại đây chỉ là nhịp hồi phục kỹ thuật để chuẩn bị cho một đợt giảm mạnh hơn.
Lo ngại này của các nhà đầu tư là hoàn toàn có cơ sở khi thế giới vẫn đang chứng kiến sự lây lan của dịch Covid-19. Dịch chưa có dấu hiệu tạo đỉnh, đặc biệt là tại châu Âu và Mỹ.
Các nhà đầu tư trên toàn cầu tiếp tục bán các tài sản rủi ro như cổ phiếu, dù ngân hàng trung ương các nước liên tục có các động thái nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước nguy cơ suy thoái. Đây cũng là xu thế của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Dù đã bán ở mức thấp nhưng khối ngoại vẫn duy trì đà bán ròng khiến các chuyên gia đưa ra nhận định về khả năng thị trường vẫn chịu áp lực giảm điểm trong những phiên cuối tháng 3, vùng cân bằng có thể đạt được thấp hơn nhiều so với các vùng đáy kỹ thuật trong 3 năm gần đây.
So với mức đỉnh 1.200 điểm đạt được vào đầu tháng 4/2018 thì vùng hỗ trợ 600 - 650 điểm của Vn-Index trong giai đoạn hiện nay là tương đối mạnh, hấp dẫn dòng tiền đầu tư quay trở lại.
Mặc dù vậy, thị trường cũng không loại trừ khả năng xảy ra kịch bản kém lạc quan, Vn-Index xuyên qua vùng 600 điểm, về mức đáy của giai đoạn 2013 - 2015. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư đã liên tưởng về đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tuy nhiên, ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, khủng hoảng quá khứ là khó có thể lặp lại khi những gói cứu trợ tài khóa và tiền tệ khẩn cấp của các quốc gia được xem là đủ mạnh mẽ và kịp thời để trung hòa những suy giảm hoạt động kinh tế do dịch Covid-19 gây ra.
Cũng theo ông Đức Anh, còn quá sớm để khẳng định thị trường đã chạm đáy, bởi những biến động khó lường của dịch bệnh, tốc độ lây lan, thời gian kéo dài và mức độ ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu vẫn là yếu tố khó đoán, kịch bản xấu hơn vẫn có thể hiện hữu.
Việc cần làm hiện tại của nhà đầu tư là rà soát lại danh mục và chiến lược |
Mua cổ phiếu lớn cũng thua
Nhìn lại diễn biến của thị trường trong thời gian qua có thể thấy, việc chỉ số Vn-Index giảm mạnh là do các cổ phiếu vốn hóa lớn đều đồng thuận giảm mạnh so với thời điểm cuối tháng 1/2020.
Tính đến phiên giao dịch ngày 25/3, xét trong nhóm VN30 có thể thấy có tới 8 mã cổ phiếu giảm hơn 40%, trong đó có những cái tên “đình đám” như SAB của Sabeco giảm 50%; BVH của Bảo Việt giảm 48%; VRE của Vincom Retail giảm 46%; PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận giảm 44%...
Đồng thời, có tới 12 mã rổ VN30 giảm trên 30%. Trong đó đều là những cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường hiện nay. Có thể kể đến như VIC của Vingroup giảm 38% khiến vốn hóa của doanh nghiệp “bốc hơi” gần 147.000 tỷ đồng trong 2 tháng.
Số vốn hóa sụt giảm tại các doanh nghiệp quy mô lớn khác cũng lên tới vài chục nghìn cho tới hàng trăm nghìn tỷ như VCB (Vietcombank) mất khoảng 131.000 tỷ đồng, VHM (Vinhomes) mất 114.000 tỷ đồng; BID (BIDV) mất 96.000 tỷ đồng; VNM (Vinamilk) mất hơn 61.000 tỷ đồng…
Trong khi đó, xu hướng bán ròng của khối ngoại cũng tập trung chủ yếu vào nhóm VN30 dù đây là những cổ phiếu tốt nhất thị trường được chọn lựa kỹ càng để đưa vào hệ quy chiếu, thế nhưng lại là nhóm giảm mạnh nhất trong thời gian qua.
Chia sẻ về tình hình hiện tại, chị T.L – một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm cho biết, danh mục đầu tư năm 2020 của chị hầu hết đều là các “ông lớn” với mục tiêu lợi nhuận cả năm là 20%, nhưng chỉ từ Tết Nguyên đán đến nay, tài khoản của chị đã “bốc hơi” 50%.
“Tôi quyết định đóng tài khoản để theo dõi thêm diễn biến của thị trường, nếu ôm danh mục hoặc đổ tiền bình quân giá xuống khi đáy của thị trường chưa được tìm thấy thì khả năng cháy tài khoản là dễ xảy ra”, chị T.L cho biết thêm.
Thực tế, không chỉ riêng các nhà đầu tư cá nhân mà ngay cả những quỹ đầu tư, nhà đầu tư chiến lược, thậm chí chủ của doanh nghiệp cũng đang phải “khóc ròng” trước sự lao dốc thảm hại của giá cổ phiếu.
Ví dụ điển hình gần đây nhất là giao dịch mua vào 20 triệu cổ phiếu HPG của con trai Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát – ông Trần Vũ Minh. Thời điểm ông Minh mua vào, giá cổ phiếu HPG ổn định ở vùng 18.700 – 20.100 đồng/cp, tuy nhiên đến nay đã giảm xuống dưới 17.000 đồng/cp. Nếu giá trung bình mua là 18.700 đồng/cp, thì sau giao dịch, ông Minh đã lỗ khoảng 28 tỷ đồng.
Theo đó, các chuyên gia đưa ra khuyến nghị, việc cần làm hiện tại của nhà đầu tư là rà soát lại danh mục và chiến lược, nếu ở mức đòn bẩy quá cao cần điều chỉnh.
Linh Đan