Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết, toàn tỉnh hiện có 6 dân tộc sinh sống, trong đó có 5 dân tộc thiểu số chiếm hơn 74% dân số toàn tỉnh là dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông. Đáng chú ý, trong các dân tộc thì người Mường với 4 vùng và nhánh chính là Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng và Mường Động với dân số lên đến 64% toàn tỉnh.
Nhiều chính sách hỗ trợ cho HTX phát triển
Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó trưởng phòng Chính sách (Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình) cho biết, những năm qua, cùng với sự hỗ trợ tích cực của Đảng, Nhà nước với các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020, tỉnh Hòa Bình đã huy động được 17.468 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hơn 2.778 tỷ đồng, ngân sách địa phương và vốn lồng ghép hơn 6.397 tỷ đồng, nguồn lực huy động từ nhân dân đóng góp, doanh nghiệp hỗ trợ và vốn tín dụng là 8.282 tỷ đồng…
Đa dạng hóa các loại hình hoạt động giúp cho KTTT, HTX tỉnh Hòa Bình ngày càng phát triển nhanh và bền vững. |
Nhờ được đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn, các mô hình sản xuất... nên những năm qua, đời sống kinh tế-văn hóa của người dân tỉnh Hòa Bình nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói riêng đã có nhiều thay đổi tích cực.
Nếu như năm 2015, toàn tỉnh có 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất với 5 không là: không điện, không đường giao thông, không trường học, không trạm xá và không áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất với tỷ lệ hộ nghèo cao, thì đến nay, cả tỉnh còn 15 thôn bản đặc biệt khó khăn.
“Tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh giảm 2,8%/năm, từ 11,36% năm 2019 xuống còn 8,56% năm 2020. Riêng tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc còn chiếm tỷ lệ cao, từ 27-30%, cá biệt có vùng đặc biệt khó khăn, nhất là dân tộc Tày, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm đến 40,72%”, ông Tiến nói.
Muốn kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Hòa Bình phát triển thì phải đa dạng hóa ngành nghề và lĩnh vực hoạt động. |
Lý giải về tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình còn cao, ông Đoàn Trung Hiếu, Chi cục Phó, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, nguyên nhân quan trong nhất là hạ tầng thiếu và không đồng bộ, trình độ dân trí còn thấp, giao thông cách trở, đất đai có độ dốc cao và bị chia cách, người dân thiếu đất sản xuất…
“Tất cả những yếu tố này không thể giúp địa phương tạo ra những sản phẩm sản xuất mang tính bền vững và tạo sinh kế lâu dài cho người dân được”, ông Hiếu nói.
Những kiến nghị để KTTT, HTX phát triển
Về phát triển KTTT, HTX, ông Hiếu cho rằng, các HTX ở tỉnh Hòa Bình so với các tỉnh miền núi phía Bắc không phải là ít. Tuy nhiên, hầu như các HTX mới chỉ ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, ít làm các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh theo chuỗi mà các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương mong đợi.
Ông Đoàn Trung Hiếu, Chi cục phó, Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, để các HTX tin vào chính sách của Nhà nước là điều kiện cơ bản giúp KTTT, HTX ngày càng phát triển nhanh và bền vững. |
Để thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh của các HTX, ngoài các chính sách hỗ trợ về vốn, giống, khoa học kỹ thuật của Nhà nước, điều quan trọng nhất là phải nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng vùng sản xuất.
Ngoài ra, đối với những HTX thiếu vốn thì cần được hỗ trợ vốn vay ưu đãi để sản xuất, xây dựng nhà xưởng, nhà sơ chế, kho bảo quản, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định.
“Làm thế nào để người dân, HTX tin vào chính quyền cơ sở, tin vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và làm theo sự hướng dẫn là hết sức quan trọng. Muốn vậy, phải hỗ trợ đầu ra, mở rộng thị trường tiêu thụ, tập trung vào sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu và phải xây dựng mô hình chuỗi lớn, chất lượng cao”, ông Hiếu nói.
Ông Trần An Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình cho biết, tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh Hòa Bình có 429 HTX, trong đó các HTX nông nghiệp chiếm 298, còn lại là các HTX hoạt động trên lĩnh vực lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các loại hình khác.
Số lượng HTX nhiều, nhưng đóng góp cho nền kinh tế còn thấp, chiếm từ 3,2-3,3% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. Chất lượng, năng lực của các HTX chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ. Việc sản xuất quy mô nhỏ, năng lực yếu không đáp ứng được yêu cầu về số lượng sản phẩm của doanh nghiệp, mặc dù Hòa Bình là cửa ngõ, là "bếp ăn" của Thủ đô Hà Nội.
Bên cạnh đó, các HTX có vốn điều lệ chủ yếu dưới 2 tỷ đồng nên không đủ sức làm các đơn hàng lớn do các doanh nghiệp đặt. Năng lực, trình độ quản lý và chuyên môn của cán bộ quản lý các HTX còn yếu, việc tiếp cận nguồn vốn còn rất hạn chế.
Ngoài ra, các HTX còn thiếu đất sản xuất, không có tài sản cố định để vay vốn, còn thiếu và yếu về khoa học công nghệ, chưa ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, chuẩn hóa sản phẩm, định danh sản xuất, định vị thương hiệu…
Đây là những vấn đề hết sức nan giải, cần phải coi đó là xu thế tất yếu và được triển khai tháo gỡ từng bước. Đây là cả quá trình chứ không thể giải quyết trong "một sớm, một chiều".
“Muốn làm được điều này, ngoài sự nỗ lực của bản thân mỗi HTX, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành, Liên minh HTX Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và chính quyền địa phương”, ông Định kiến nghị.
Phạm Duy