OCOP góp phần hình thành nền kinh tế xanh
Từ lâu, huyện Cao Phong nổi tiếng với sản phẩm cam chất lượng cao. Ngoài bán quả tươi, việc chế biến những sản phẩm từ quả cam được chú trọng, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và xây dựng thương hiệu cam Cao Phong.
Đặc biệt, triển khai Chương trình OCOP năm 2020, huyện Cao Phong đã thực hiện mục tiêu nâng hạng tiêu chuẩn, đưa sản phẩm nước cốt cam và mứt cam của HTX Hà Phong và cam quà tặng cao cấp của HTX 3T nông sản Cao Phong lên sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình cũng thực hiện chuẩn hóa 3 sản phẩm mới là: Trà chanh đào mật ong, rượu cam của HTX Hà Phong và hạt dổi Thạch Yên, tổng kinh phí dành cho nâng cấp và chuẩn hóa sản phẩm OCOP trên 700 triệu đồng.
Qua đánh giá, các sản phẩm OCOP của huyện Cao Phong chất lượng tốt, hình thức, mẫu mã đẹp và có sức cạnh tranh cao. Việc gắn sao OCOP và được cấp tem truy xuất nguồn gốc, có bao bì, nhãn mác sản phẩm là minh chứng về chất lượng, tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái.
Sản phẩm OCOP 4 sao cam Cao Phong luôn được trưng bày, giới thiệu quảng bá tại nhiều hội chợ thương mại và là niềm tự hào của người dân Hòa Bình. |
Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, HTX trong sản xuất, đảm bảo thương hiệu của sản phẩm OCOP cũng như quyền lợi người tiêu dùng.
Cùng với sản phẩm OCOP liên quan đến quả cam, hiện Cao Phong đang tiếp tục triển khai chương trình OCOP gắn với các sản phẩm đặc trưng khác, như: Xã Thung Nai với sản phẩm bưởi da xanh; Yên Lập với sản phẩm hạt dổi; Thu Phong với 2 sản phẩm là mâm mây và mâm đựng xôi; Nam Phong với sản phẩm mía mô...
Ông Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết, chương trình OCOP đã góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong huyện.
Chương trình OCOP đã trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế nông thôn, nhất là khu vực các làng nghề. Ngoài ra, thúc đẩy trách nhiệm và năng lực sản xuất, quảng bá và phát triển thị trường sản phẩm của các chủ thể, nhất là các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp...
“OCOP cũng góp phần giúp hình thành nền kinh tế xanh, phát triển các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại nhiều địa phương trên địa bàn toàn huyện”, ông Ngoan nói.
Nhân rộng ra toàn tỉnh
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kết quả thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, tỉnh Hòa Bình đã huy động được hơn 47,5 tỷ đồng.
Từ nguồn kinh phí này, địa phương đã triển khai hỗ trợ cho công tác đào tạo, tập huấn về nông thôn mới và OCOP, hỗ trợ chuẩn hóa điểm sản phẩm, chi cho hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến thương mại... Ngoài ra, nguồn kinh phí này cũng giúp các HTX, doanh nghiệp tham gia các hội chợ thương mại trong nước và quốc tế, tuyên truyền và xây dựng bộ nhận diện, logo OCOP, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho 13 HTX có sản phẩm tham gia chương trình OCOP…
Một trong những sản phẩm đặc trưng của OCOP tỉnh Hòa Bình là dệt thổ cẩm thủ công bằng tay của HTX dệt thổ cẩm Chiềng Châu. |
Chính vì vậy, ngay từ khi mới bắt đầu triển khai, chương trình đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đã nhận được sự đón nhận tích cực của các HTX, doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, hộ cá thể tham gia. Trong đó có 4 công ty cổ phần, 38 HTX, 17 doanh nghiệp tư nhân, 47 THT, 46 hộ sản xuất, kinh doanh, 11 làng nghề…
Đến nay, sau 3 năm triển khai chương trình, tỉnh Hòa Bình có 46 HTX, 9 doanh nghiệp, 9 cơ sở sản xuất và hộ có đăng ký kinh doanh, 2 làng nghề được công nhận là chủ thể có sản phẩm OCOP với 73 sản phẩm 3 và 4 sao.
Những điển hình trong câu chuyện này phải kể đến: Mô hình chuỗi chăn nuôi, chế biến các sản phẩm từ cá sông Đà như: cá lăng đen file, rô phi file của công ty Cường Thịnh; ruốc cá trắm đen lăng vàng, lăng đen của công ty TNHH Hải Đăng (TP.Hòa Bình); cam quà tặng của HTX 3T farm (huyện Cao Phong); cao cà gai leo Yên Thủy của HTX Bảo Hiệu (huyện Yên Thủy); du lịch Homestay Bản Lác… có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho các chủ thể và cộng đồng dân cư tại địa phương.
Sản phẩm OCOP 4 sao ruốc cá trắm, cá lăng đen cũng là niềm tự hào của người dân tỉnh Hòa Bình. |
Ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, với vị trí địa lý là cửa ngõ Tây Bắc, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội... Nhất là có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đặc biệt là các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, các sản phẩm nông lâm ngư nghiệp vùng miền phong phú. Đây chính là điều kiện, cơ hội để Hòa Bình mở rộng, tăng cường hợp tác, liên kết phát triển trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 được cả hệ thống chính trị quan tâm, tạo sức lan tỏa rộng rãi, qua đó góp phần phát huy vai trò và sức mạnh của cả cộng đồng trong bảo tồn, phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương. Đồng thời, góp phần thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông lâm, thủy đặc sản, đặc trưng của từng địa phương.
“Việc tiêu chuẩn hóa các sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá và phát triển thị trường, hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm giai đoạn 2018-2020 sẽ tạo tiền đề cho phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”, ông Nguyễn Huy Nhuận nhấn mạnh.
Phạm Duy
Bài cuối: Khẳng định vai trò của kinh tế tập thể