Nếu như trước đây, người Ê đê tập trung trồng lúa nước, khoai, sắn thì ngày nay, họ lại chú trọng vào việc khai thác và trồng cây công nghiệp lâu năm như cà phê, cao su, hồ tiêu hay ca cao. Đây đều là các loại cây công nghiệp nổi tiếng và phù hợp với khí hậu của Tây Nguyên. Ngoài ra, người dân tập trung vào việc chăn nuôi trâu, bò, voi...
Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi
Xã Ea M’droh (huyện Cư M’Gar) có 1.807 hộ, với 8.352 nhân khẩu, sinh sống ở 11 thôn, buôn trong đó 80% là đồng bào Ê đê. Nhờ sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành, từ một xã đặc biệt khó khăn, đến nay, Ea M’droh đã bừng sức sống. Nhiều hộ gia đình đã có của ăn, của để, đầu tư mua sắm được các phương tiện sinh hoạt và sản xuất hiện đại. Hiện, xã chỉ còn 132 hộ nghèo, đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/năm.
Để giúp người dân nâng cao đời sống và phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới, các cấp ngành đã chú trọng đưa điện, nước sạch về từng thôn, đường giao thông được trải nhựa, môi trường sạch sẽ.
![]() |
Trồng cà phê là hướng đi phù hợp với điều kiện kinh tế của người Ê đê ở Đắk Lắk. |
Điểm nhấn là người dân đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển các mô hình kinh tế. Các hộ dân cũng mạnh dạn chuyển đổi các diện tích hoa màu, đất trồng lúa không hiệu quả sang trồng các loại cây công nghiệp theo hướng hàng hóa.
Chị H Tuân Byă (xã Ea Mdroh), cho biết gia đình chị đã gắn bó với cà phê nhiều năm. Thông qua các chương trình tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, quản lý cỏ dại, dịch hại, tưới tiêu và cung cấp cây giống, gia đình chị đã giảm được chi phí nhưng vẫn tăng năng suất. Đây là điều dường như không thể xảy ra trước đây, nay đang trở thành hiện thực.
“Nhờ không sử dụng thuốc diệt cỏ, dùng phân thuốc đúng cách, tôi có thể kiểm soát được chi phí, tính toán được giá thành để biết năng suất vườn cà phê ngày càng tăng. Hiện, cà phê cho năng suất đến 7 tấn/ha”, chị H Tuân Byă, chia sẻ.
Ngoài trồng cây công nghiệp, người dân còn phát triển chăn nuôi gia súc, nuôi voi, phát triển du lịch cộng đồng. Các hộ thực hiện trồng xen nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao trong vườn cà phê, tiêu để nâng cao năng suất và chất lượng của cây trồng. Chính vì vậy, có hộ đồng bào Ê đê thu nhập 200-300 triệu/năm nhờ trồng hàng chục ha cà phê, điều. Hộ ít cũng có thu nhập 50-70 triệu đồng từ những loại cây công nghiệp này.
Ưu tiên nguồn lực, hỗ trợ người Ê đê phát triển
Sự phát triển của người dân xã Ea Mdroh đã cho thấy những chính sách về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Đắk Lắk đang đi đúng hướng.
Theo đó, tại những xã có đồng bào dân tộc Ê đê sinh sống, các cấp ngành đều triển khai các chính sách dân tộc một cách công khai, minh bạch, đúng mục tiêu, đúng địa bàn, đúng đối tượng.
Trong đó, các phong trào như: Chung sức xây dựng nông thôn mới, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thi đua yêu nước, giảm nghèo… được triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa, hiệu quả thông qua việc xây dựng những điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt. Các chính sách về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng mô hình kinh tế hàng hóa, phát triển HTX, tổ hợp tác được quan tâm nhằm giúp người dân có định hướng rõ ràng và tự tin phát triển sản xuất.
![]() |
Cuộc sống của đồng bào Ê đê đã khấm khá hơn trước nhờ các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước và sự chủ động của người dân trong sản xuất. |
Ngoài ra, chính quyền các địa phương có người Ê đê sinh sống cũng tích cực vận động những hộ sản xuất kinh doanh giỏi giúp đỡ những hộ nghèo bằng cách hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi. Trong những năm qua, đã có hàng trăm, hàng nghìn cây con giống, ngày công lao động được các hộ dân giúp nhau phát triển sản xuất. Không ít hộ gia đình người Ê đê từng là hộ nghèo đã ổn định cuộc sống.
Nhờ có sự ưu tiên đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước, đến nay 100% số xã có người Ê đê sinh sống đều có đường ô tô đến trung tâm. Các thôn, buôn đều có điện lưới quốc gia, trường lớp xây dựng khang trang. Tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào cũng giảm trung bình 5,5%/năm.
Bài 2: Sức sống mới từ nghề dệt thổ cẩm
Tùng Lâm