Dự án Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại 2 tỉnh Lào Cai và Sơn La (GREAT) đặt mục tiêu sẽ giúp cải thiện thu nhập cho 40.000 phụ nữ tại Sơn La và Lào Cai; tăng 15% số phụ nữ lãnh đạo và đồng quản lý doanh nghiệp hoặc HTX. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào làm “đầu tàu” liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, với kỳ vọng sẽ huy động khoảng 6 triệu USD đầu tư từ khối doanh nghiệp tư nhân vào các hoạt động của dự án.
Trợ lực để phụ nữ vươn lên
Để thực hiện mục tiêu này, nhiều chuỗi giá trị nông sản tại các tỉnh Lào Cai và Sơn La đã và đang được xây dựng, gồm các sản phẩm: rau, quế, dược liệu, chè, hoa quả, du lịch cộng đồng…
![]() |
Ông Nguyễn Ngọc Minh hướng dẫn nông dân ở Nậm Tha canh tác quế. |
740 hộ gia đình ở 2 xã Nậm Tha và Liêm Phú của huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đã tham gia dự án trồng quế hữu cơ với tổng diện tích hơn 1.250 ha. Nông dân trồng quế tại đây ứng dụng “Nhật ký điện tử QGS”, sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) vào canh tác quế, đã nâng chuỗi giá trị quế của địa phương lên tầm quốc tế.
Đến xã Nậm Tha, chúng tôi bắt gặp chị Đặng Thị Diện, người dân tộc Dao vừa chăm sóc rừng cây quế, vừa bấm smartphone. Tưởng chị đang lướt mạng, đọc báo hay "chát chít", nhưng hóa ra chị mở ứng dụng mới cài đặt để cập nhật những công việc vừa làm hôm nay trong việc chăm sóc cây quế dưới dạng nhật ký vào trang tài khoản của mình.
“Số hóa” đi vào vườn cây
CTCP Sản xuất và Xuất khẩu Quế hồi Việt Nam (Vina Samex) đã phổ biến ứng dụng “Nhật ký điện tử QGS” tới hơn 700 hộ gia đình tham gia dự án trồng quế hữu cơ.
Chị Diện chia sẻ, hàng ngày chị nhận những thông tin hướng dẫn kỹ thuật từ cán bộ hướng dẫn canh tác của Công ty Vina Samex. “Trong quá trình chăm sóc cây quế, nếu phát hiện cây có những dấu hiệu bất thường, chẳng hạn như bị sâu bệnh, chúng tôi có thể chụp ảnh sâu, cập nhật vào sổ nhật ký và nhờ nhân viên kỹ thuật hỗ trợ cách xử lý. Chúng tôi luôn nhận được sự hướng dẫn từ các chuyên gia một cách nhanh chóng. Sau mỗi ngày làm việc, chúng tôi phải cập nhật những việc mình đã làm vào nhật ký điện tử, nhằm đảm bảo cho hoạt động truy xuất nguồn gốc”, chị Diện nói.
![]() |
Chị Đặng Thị Diện đang chăm sóc vườn quế. |
Theo chị Diện, trồng quế theo phương pháp hữu cơ đòi hỏi nhiều công lao động hơn như làm cỏ, bắt sâu, và phải làm bằng tay chứ không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào. Công ty thu mua quế khô với giá từ 50.000 - 90.000 đồng/kg tùy theo chất lượng, quế tươi được mua với giá từ 25.000 - 27.000 đồng/kg. Đối với sản phẩm hữu cơ, giá cao hơn 15-20%. Vì vậy, người dân tộc Dao ở xã Nậm Tha đang rất tin tưởng, sẵn sàng thực hành công nghệ số, sử dụng điện thoại thông minh để hướng tới sản xuất quế thu nhập cao hơn, bền vững hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng phòng Dự án của Công ty Vina Samex cho biết, ứng dụng nhật ký điện tử dành cho các hộ nông dân do Công ty liên kết với CTCP Công nghệ Xác minh Kỹ thuật số là đơn vị cung cấp ứng dụng cung cấp phần mềm. Mỗi gia đình có một tài khoản để cập nhật thông tin về quế, qua đó các chuyên gia có thể nắm được thông tin mà không cần phải đi thực tế.
“Chúng tôi có thể đặt câu hỏi trực tuyến cho nông dân về những gì họ nên làm để trị sâu bệnh hoặc nhắc họ thu hoạch khi đến thời điểm. Vì vậy, ứng dụng này rất thuận tiện cho cả nông dân và Công ty. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp phải trở ngại, chúng tôi sẽ nêu vấn đề để nhà cung cấp cải tiến phần mềm sao cho tiện lợi hơn. Đơn cử như mới đây, chúng tôi đã yêu cầu bổ sung thêm chức năng cập nhật thông tin bằng giọng nói để mọi người có thể sử dụng nhanh chóng và tiện lợi hơn”, ông Minh chia sẻ.
Thiết lập chuỗi giá trị quế hồi 1.200 ha
Dự án Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại 2 tỉnh Lào Cai và Sơn La (GREAT) do Chính phủ Australia tài trợ với khoản kinh phí 33,7 triệu đô la Úc (AUD) - tương đương khoảng 600 tỷ đồng Việt Nam, phối hợp triển khai với Chính phủ Việt Nam, được thực hiện trong 4 năm 2017-2021.
Đến thời điểm này, hơn 740 hộ gia đình ở 2 xã Nậm Tha và Liêm Phú của huyện Văn Bàn đã tham gia dự án trồng quế hữu cơ với tổng diện tích hơn 1.250 ha. Sản phẩm quế đã được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nên được Công ty thu mua lâu dài với giá ổn định.
Việt Nam là nước sản xuất quế lớn thứ ba trên thế giới, chỉ đứng sau Indonesia và Trung Quốc, và hiện đang xuất khẩu sang Ấn Độ, Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu. Trong những năm gần đây, thị trường quốc tế cho quế hữu cơ đã tăng 30-40% và Vina Samex - một công ty xuất khẩu gia vị trên khắp thế giới, đã duy trì được lượng đặt hàng khoảng 2.000 tấn mỗi năm. Với lượng lớn các đơn đặt hàng trước đã được bảo đảm, thách thức đối với Vina Samex là cần phải có vùng nguyên liệu ít nhất hàng nghìn ha. Vì vậy, Công ty đang triển khai thiết lập vùng trồng quế hữu cơ rộng 1.200 ha, đồng thời xây dựng cơ sở thu mua và sơ chế mới tại Lào Cai, lắp đặt hệ thống sấy và chế biến hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Minh cho hay, có được những thành quả đó là nhờ Dự án GREAT đã rất tích cực hỗ trợ Công ty để thành lập vùng nguyên liệu quế lâu dài trên địa bàn huyện Văn Bàn, đồng thời hỗ trợ kết nối ứng dụng công nghệ mới và kỹ năng quản lý, phát triển chuỗi giá trị vào hoạt động liên kết sản xuất.
Trong hợp phần “Cải thiện vai trò của phụ nữ trong chuỗi giá trị quế để nâng cao chất lượng sản phẩm” thuộc Dự án GREAT, Vina Samex được chọn làm “đầu tàu” liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Cùng với nguồn vốn tài trợ từ dự án, Công ty tham gia đồng đầu tư đối tác với số tiền 621.316 AUD.
Ông Vấn Gia Lâm, Chủ tịch UBND xã Nậm Tha cho biết, sự hỗ trợ của GREAT là rất quan trọng đối với sự phát triển của địa phương. Hiện nay, Công ty Vina Samex và Dự án cam kết thị trường đầu ra cho các sản phẩm, giúp đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Đặc biệt, trồng cây hữu cơ cũng giúp cải thiện môi trường địa phương.
Chu Minh
Bài 2: Măng tre thúc đẩy kinh tế hợp tác