![]() |
PGS.TS Trần Văn Ơn |
Đó là trăn trở của PGS.TS Trần Văn Ơn - người được biết tới là "cha đẻ", cố vấn Quốc gia Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm (OCOP).
Thưa ông, cơ duyên nào mà ông biết tới chương trình OCOP và vì sao ông lại nảy sinh ra ý tưởng đưa Chương trình này về phát triển ở Việt Nam?
Việt Nam là nước đa dạng văn hoá, sinh học, có lịch sử phát triển lâu đời. Mình có tiềm năng lớn trong phát triển, cái đó là lợi thế so sánh. Như chúng ta biết nguyên tắc của kinh tế là phát triển dựa trên nguồn tài nguyên hợp lý nhất mà đặc sản địa phương, dòng sông, ngọn núi, cây đa - chỉ mình có thì tại sao mình cứ để vùng nông thôn của mình phải đi làm giống người khác, mà không làm dựa trên lợi thế.
Ngày nay, khi công nghiệp hóa gặp khó khăn trong phát triển ở vùng nông thôn, người trẻ bỏ quê hương, vậy ai là người phát triển kinh tế nông thôn. Chính vì vậy, chúng ta phải tìm cách phát triển vùng nông thôn thịnh vượng lên.
Khi trao đổi vấn đề này, tôi ra nước ngoài học tập xem người ta làm thế nào. Quay về nước mặc dù vấp phải nhiều phản đối nhưng tôi vẫn quyết định lên Sapa thực hiện mô hình đầu tiên - nguyên mẫu của Chương trình OCOP. Đó là công ty CP sản phẩm bản địa Sapa của người Dao đỏ được thành lập, do người Dao đỏ vận hành từ 2006, để người dân đứng ra làm chủ tài sản, vận mệnh của mình không. Sản phẩm là thuốc tắm của người Dao đỏ. Sau 5 năm chiến đấu vật lộn, kết quả sản phẩm tồn tại và phát triển được người tiêu dùng đón nhận.
Rất may năm 2012, tôi gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - lúc bấy giờ ông đảm nhiệm cương vị Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh. Tôi trao đổi, ông đồng tình ngay, vì vậy mới có OCOP ở Quảng Ninh. Sau đó đến năm 2016, nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng quyết định nhân rộng mô hình Quảng Ninh ra toàn quốc. Đến nay, Chương trình đã kết thúc giai đoạn 1 và chuyển sang giai đoạn 2.
Vậy tổng kết chương trình giai đoạn 1, ông nhìn thấy kết quả đạt được lớn nhất là gì? Có bất cập nào đang cản trở chương trình này phát triển không?
Cái đạt được lớn nhất là nhận thức, phần lớn địa phương nhận thức chưa rõ nên ham làm lớn, làm to trong khi cần làm từ từ, tuân thủ quy luật hãy đi từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp. Khi người dân làm được sản phẩm rồi thì lúc đó phải làm to, chứ làm to rồi đi "giải cứu" thì chẳng có ích. Nhiều lãnh đạo nhận thức được phát triển như vậy mới đúng quy luật.
Chúng ta hình thành được hệ thống hỗ trợ Nhà nước từ Trung ương đến tỉnh, đặc biệt cấp tỉnh, cán bộ OCOP cấp huyện, lãnh đạo huyện rất quan trọng để định hướng và thúc đẩy.
Đồng thời chạy thông chu kỳ OCOP gồm 6 bước từ tuyên truyền, đăng ký sản phẩm, xây dựng kế hoạch kinh doanh, triển khai, đánh giá sản phẩm, xúc tiến thương mại.
Chốt lại ở giai đoạn một việc xây dựng mô hình, chuỗi giá trị, sản phẩm chỉ là thứ yếu. Quan trọng nhất là nhận thức về vai trò của OCOP với phát triển kinh tế nông thôn đó là rất tốt, sau đó có định hướng phát triển.
Ở giai đoạn một, những địa phương nào có hệ thống chính trị vào cuộc thì thành công như Quảng Ninh, Bắc Kạn, Quảng Nam... Mỗi một địa phương thực sự phải có người tận tâm và hiểu biết người dân thì mới phát triển được chương trình OCOP, đối nghịch với nó là lơ mơ và vô cảm với người dân thì không phát triển.
Một số tỉnh giai đoạn đầu đi tắt, cắt bớt công đoạn OCOP, chọn những sản phẩm có sẵn, sau đó yêu cầu người ta đi thi. Hiệu quả có thể nhanh, nhưng mà sai tính chất, nguyên tắc là hãy để người dân khởi xướng. Sau khi tuyên truyền bước 1, người dân có nhu cầu sẽ đăng ký sản phẩm dịch vụ thì mới là OCOP.
Để phát triển OCOP, chúng ta cần phải tuân thủ những nguyên tắc nào, thưa ông?
Chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc của OCOP là toàn cầu. Có nghĩa là tôi làm sản phẩm ở làng xã, vùng sâu vùng xa thì nó phải tồn tại được trong bối cảnh toàn cầu hoá. Toàn cầu hoá là DN nước ngoài có thể "thò tay" bóp chết từng DN, từng sản phẩm ở luỹ tre làng. Vậy bài toán đầu tiên thì sản phẩm ở luỹ tre làng không được "chết mà phải vươn ra biển lớn". Muốn hướng đến toàn cầu thì phải áp dụng tiêu chuẩn, tổ chức và áp dụng công nghệ mới vào. Trong kinh tế không có từ "thông cảm" nên chúng ta buộc phải lớn lên, thay vì nói mình chỉ làm được đến thế thôi.
Nguyên tắc thứ 2 là tự lực, tự tin và sáng tạo. Người dân phải tự tin, tự lực, đừng trông chờ vào ai hỗ trợ mình để phát triển kinh tế. Sáng tạo là thay đổi liên tục, có thể năm nay sản phẩm của mình thi trượt OCOP thì sang năm thi tiếp, chỉnh sửa lại sản phẩm, tạo cho người dân phát huy sức sáng tạo liên tục để tồn tại.
Nguyên tắc thứ 3 là phát triển nguồn nhân lực, thanh niên đi xuất khẩu lao động, đi làm công nhân thì ai phát triển kinh tế nông thôn. Do vậy, chúng phải đào tạo nhân lực.
Trên thực tế, vẫn còn những sản phẩm đạt OCOP vẫn không thể vào siêu thị trong nước, ông nghĩ sao về điều này?
Xúc tiến thương mại và bán hàng là bước số 6. Chúng ta gặp nhau hay hỏi nhau là "có mấy sản phẩm OCOP và đạt mấy sao"? Hiện nay, khi nếu sản phẩm OCOP đạt 3 sao thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ bán hàng. Tuy nhiên, đến nay nhiều người vẫn hiểu nhầm rằng sản phẩm OCOP là phải đưa vào siêu thị.
Chúng ta cần phân loại sản phẩm, loại một là làm ít nhưng bán đắt, đã đặc sản mà làm lớn thì không được. Cả nước trồng bưởi Thanh Trà ở Huế là không tưởng, thay vào đó chúng ta chỉ nên trồng ở Huế nhưng giá bán phải cao. Sản phẩm đặc sản thì đừng bao giờ mơ làm lớn nên tất nhiên sản phẩm này không thể vào được siêu thị, do vậy phải tăng cường bán hàng trực tuyến để nâng cao giá trị. Hiện nay, thị trường nằm trong "túi quần người dân chính là chiếc điện thoại". Chúng ta cần hỗ trợ bán hàng online cho các đặc sản OCOP.
Loại thứ hai là sản phẩm có thể mở rộng sản xuất. Hiện nay, có khá nhiều sản phẩm có thể nhân rộng phát triển, làm lớn là xây dựng chuỗi giá trị, chuẩn hóa, hạ giá thành. Do vậy, chúng ta cần thu hút các tập đoàn kinh tế trong và nước ngoài vào hỗ trợ phát triển.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể xuất khẩu sản phẩm OCOP qua kênh trực tuyến như Amazon, Alibaba... tới từng người dùng toàn cầu, thay vì xuất khẩu cứ phải là container to đùng. Do vậy, chúng ta cần thích ứng nhanh để hỗ trợ người dân đi đúng hướng.
Trân trọng cám ơn ông!
Lê Thúy (thực hiện)
Bài cuối: Để 'mũi tên' OCOP trúng nhiều đích