Doanh nghiệp | Thứ hai, 10/8/2020 | 07:36 GMT+7
0 |

Đổ vỡ trong gia tộc tỷ phú giàu nhất châu Á

Nhà Ambani, gia tộc giàu có và bí ấn nhất Ấn Độ từng rơi vào cuộc chiến phân chia tài sản khi người sáng lập đế chế tỷ đô qua đời mà chưa kịp để lại di chúc.

Hơn một thập kỷ trước, Mukesh Ambani và em trai ông, Anil Ambani, bị kéo vào cuộc chiến tranh giành "đế chế" Reliance Industries trị giá 50 tỷ USD sau khi cha của cả hai, ông Dhirubhai, qua đời mà không kịp để lại di chúc.

.....................

Tròn 30 năm kể từ khi thành lập, tập đoàn Reliance Industries lọt top 500 công ty trị giá 100 tỷ USD trên thế giới theo xếp hạng của tạp chí Fortune, trở thành một trong những doanh nghiệp đắt giá nhất Ấn Độ và đưa gia đình Ambani lên vị thế gia đình giàu nhất châu Á.

Người khởi đầu cho đế chế Reliance Industries là ông Dhirubhai Ambani, sinh năm 1932 tại một ngôi làng nhỏ ở Chorwad, bang Gujarat (Ấn Độ), trong một gia đình bình dân, cha làm giáo viên. 

Ngay từ khi còn nhỏ, ông Dhirubhai đã đặc biệt quan tâm tới tới việc kiếm tiền. Ông thường trốn học và ra phố quan sát những người bán hàng rong.

Bỏ mặc những buổi trốn học bị mẹ trách phạt, cậu bé Dhirubhai vẫn quyết tâm kiếm tiền. Ông Dhirubhai bắt đầu bán món chiên bhajias (một món truyền thống của người Ấn Độ) trong một ki ốt nhỏ vào cuối tuần.

Sau khi tốt nghiệp, ông tới Yemen và làm việc cho một công ty giao dịch xuyên lục địa với vị trí nhân viên bán xăng và thư ký văn phòng. 

Năm 1960, từ bỏ công việc nhân viên tại trạm xăng ở Suez, ông Dhirubhai Ambani trở về quê hương Gujarat để xây dựng công ty Reliance Commercial cùng với anh trai.

5 năm sau, ông tách riêng ra và tiếp quản mảng sản xuất sợi tổng hợp polyeste. Năm 1977, Dhirubhai sáng lập tập đoàn Reliance Industries và lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực hóa dầu và viễn thông.

Dù thu được khỏan lợi nhuận kếch xù từ việc kinh doanh, ông vẫn sống tại một căn hộ nhỏ cùng vợ và hai con trai suốt nhiều năm trước khi chuyển tới căn nhà lớn hơn tại con phố nổi tiếng Altamount, phía nam Mumbai.

Sau khi lớn mạnh và chính thức lên sàn chứng khoán, Reliance đã gây chấn động khi thu hút được hơn 50.000 nhà đầu tư, mang lại khối tài sản khổng lồ cho Dhirubhai và nâng cao vị thế của ông trong giới kinh doanh.

Trong suốt sự nghiệp vĩ đại, người sáng lập Reliance Industries thể hiện khả năng thiên bẩm trong việc phát hiện những dư địa kinh doanh trên thị trường. Trong khi đó, sự cần mẫn và những ý tưởng sáng tạo đã giúp công ty dệt may và hóa dầu của ông trở thành một đế chế khổng lồ trên toàn cầu.

Ông Dhirubhai Ambani từng chia sẻ: “Tôi tự coi mình là một người dò đường. Tôi phá rừng, mở đường cho người khác đi. Tôi muốn là người đầu tiên đặt nền móng trong mọi thứ mình làm".

Người đứng đầu gia tộc Ambani cũng được công nhận là người thay đổi cục diện kinh doanh tại Ấn Độ. Đam mê thành công và khả năng truyền cảm hứng cho những người xung quanh của ông vẫn còn được lan tỏa đến tận ngày nay.

Không chỉ giỏi trong kinh doanh, ông Dhirubhai Ambani còn nổi tiếng nuôi dạy hai người con Mukesh và Anil khá nghiêm khắc. Cuối tuần, ông dẫn họ đi chơi ngoài trời, khuyến khích con đi bộ 10 km dưới trời mưa và dùng một hộp xoài làm phần thưởng.

Cả hai người con của gia tộc Ambani tham gia vào hoạt động kinh doanh rất sớm. Những năm 20 tuổi, họ đã đảm nhận vai trò nổi bật trong công ty. 

Mukesh là người quản lý các nhà máy, trong đó có nhà máy polyester trong nước đầu tiên của Reliance. Còn Anil phụ trách các hoạt động liên quan đến chính phủ, nhà đầu tư và báo chí.

Hoạt động quản lý của họ khá tương đồng với tính cách. Mukesh ăn mặc đơn giản, kết hôn với một người phụ nữ được cha mẹ chọn ở tuổi 27, và dành hầu hết các buổi tối để xem phim ở nhà.

Anil thì hướng ngoại, thích thời trang, kết thân với nhiều người nổi tiếng và ngôi sao Bollywood, đi du lịch bằng máy bay riêng của công ty. Ông kết hôn ở tuổi 31, với nữ diễn viên Tina Munim, vốn không được bố mẹ bằng lòng.

Có nhiều khác biệt khi còn trẻ nhưng những bất hòa chỉ nảy sinh và trở nên không thể cứu vãn vào năm 2002, khi cha của họ, ông Dhirubhai, đột ngột qua đời vì đột quỵ ở tuổi 69.

Ban đầu, hai anh em Mukesh và Anil quyết định phân chia quyền lực theo vai vế. Người anh Mukesh trở thành Chủ tịch Reliance, còn người em Anil là Phó chủ tịch. 

Tuy nhiên, mối quan hệ của họ nhanh chóng trở nên căng thẳng bởi bất đồng quan điểm.

Mukesh bực mình khi Anil công bố một dự án sản xuất điện mà không hỏi ý kiến mình. Còn Anil tức giận khi Mukesh tái cấu trúc các công ty nắm giữ cổ phiếu của Reliance mà không thông qua ông.

Trên hết, tranh chấp của họ xuất phát từ bản chất mối quan hệ. Mukesh cho rằng ông hiển nhiên là ông chủ, trong khi Anil coi mình là một đối tác bình đẳng.

Vụ tranh chấp tài sản kéo dài 3 năm cho đến khi mẹ của họ, bà Kokilaben Ambani, phải ra tay can thiệp. Bà Kokilaben quyết định chia đôi đế chế Reliance. Ông Mukesh nắm quyền tại các doanh nghiệp hóa dầu, trong khi em trai Anil phụ trách các dự án mới trong lĩnh vực tài chính, cơ sở hạ tầng, điện và viễn thông.

Tỷ phú Mukesh Ambani và em trai Anil đi theo hai hướng rẽ riêng sau khi giải quyết tranh chấp vào năm 2005. Cũng trong năm này, giá dầu thô giảm mạnh xuống 60 USD/thùng khiến lợi nhuận của mảng lọc dầu do Mukesh Ambani nắm giữ sụt giảm đáng kể.

Tình hình vẫn không tiến triển cho đến năm 2010. Tỷ phú 62 tuổi nhanh chóng quyết định chuyển hướng, đặt cược 35 tỷ USD vào công ty Reliance Jio Infocomm để phát triển hệ thống mạng 4G tốc độ cao.

Đến tháng 9/2016, Reliance Jio đã có 252,3 triệu người dùng và kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ. Năm 2018, lợi nhuận ròng của công ty chạm ngưỡng 415 triệu USD, tăng 310% so với năm 2017.

Theo Bloomberg, Jio của Reliance làm rung chuyển ngành công nghiệp viễn thông Ấn Độ bằng các cuộc gọi miễn phí và dữ liệu giá rẻ, khiến số lượng nhà mạng giảm từ 12 xuống còn 3 trong vòng 4 năm thông qua các thương vụ M&A.

Song song với đó, các doanh nghiệp dầu mỏ và hóa dầu thừa hưởng từ ông Dhirubhai vẫn chiếm 90% tổng lợi nhuận của tập đoàn. Lợi nhuận kiếm được từ những lĩnh vực này được đổ vào các dịch vụ người tiêu dùng - mảng kinh doanh được dự kiến giữ vai trò cốt lõi ở tập đoàn vào cuối năm 2028.

Ngoài ra, tập đoàn nhà Mukesh Ambani đang cố gắng tận dụng hệ thống bán lẻ và viễn thông của mình để khai thác thị trường mua sắm trực tuyến tại Ấn Độ. Theo ước tính của Morgan Stanley, thị trường này sẽ tăng trưởng 600% lên 200 tỷ USD trong 10 năm tới.

Từ nhiều năm nay, 5 vị trí giàu nhất thế giới được thống trị bởi người Mỹ, châu Âu và Mexico. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi vào ngày 24/7/2020: ông Mukesh Ambani vượt tỷ phú Steve Ballmer để trở thành người giàu thứ 5 thế giới, với tài sản 77,4 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.

Đây là dấu mốc mới nhất với người anh nhà Ambani. Người giàu nhất châu Á đã có tài sản tăng gần 19 tỷ USD kể từ đầu năm 2020.

Trong khi các doanh nghiệp của người anh Mukesh ngày càng ăn nên làm ra, thì công việc kinh doanh của người em Anil dần lụn bại.

Sau khi giành quyền kiểm soát các mảng tài chính, cơ sở hạ tầng, điện và viễn thông, Anil Ambani cũng đặt cược khoản tiền khổng lồ để mở rộng danh mục đầu tư của mình. Tuy nhiên, ông không có các doanh nghiệp kinh doanh hóa dầu làm bệ đỡ như anh trai.

Điều đó khiến những khoản nợ cứ thế tăng lên, trong khi các hoạt động kinh doanh không đem lại đủ lợi nhuận để bù đắp. Cuối cùng, khoản nợ khổng lồ trị giá 210 tỷ USD buộc Anil phải bán số lượng lớn tài sản của mình.

Công ty đóng tàu và công nghiệp nặng Reliance Naval & Engineering của Anil giảm hơn 75% giá trị kể từ năm 2005. Ông thậm chí đối mặt với vụ kiện do Reliance Naval mất khả năng thanh toán.

Đầu năm 2019, phòng 6 tòa nhà Tòa án Tối cao New Delhi chật kín người đến xem. Anil - khi đó không còn là tỷ phú - bị triệu tập vì bảo lãnh cá nhân khoảng nợ 80 triệu USD cho Reliance Communications trước chủ nợ Ericsson (Thụy Điển). Ông từng cam kết trước tòa là sẽ trả tiền, nhưng đã không làm được.

Sau hơn một tháng xét xử, Anil bị tòa tuyên có tội nhưng được cho một tháng để hủy bỏ bản án bằng cách nộp tiền mặt trả nợ. Phán quyết khiến Anil bị sốc, nguồn tin của Bloomberg cho biết, vì ông không nghĩ rằng tòa án sẽ chống lại mình.

Anil đành phải tìm đến anh trai, van xin sự trợ giúp để không phải ngồi tù. Cuối cùng, sau nhiều lần đàm phán, họ đạt thỏa thuận. Trong một thông cáo báo chí tuyên bố về việc này, Anil cảm ơn anh trai vì đã giữ đúng giá trị gia đình.

Sau những sóng gió tranh chấp, ông Mukesh giữ vững vị trí người giàu nhất châu Á, lần đầu tiên vào top 5 tỷ phú giàu nhất thế giới, và dần thoát khỏi hình ảnh ẩn dật cũ. Ông thân thiện trong các buổi phỏng vấn quảng bá cho Jio. Ông tích cực tham gia các sự kiện lớn như Diễn đàn kinh tế thế giới và Sáng kiến đầu tư tương lai.

Ngược lại, ông Anil gần như biến mất khỏi công chúng. Là một người yêu thích thể hình, ông chăm cho cho vóc dáng và bắt đầu ngày mới với một chặng marathon 10 dặm.

Ông cũng sống đời sống tôn giáo nhiều hơn. Ông thường cầu nguyện tại đền thờ Hindu với mẹ và nói với bạn bè rằng giờ ông thấy thành công vật chất là rỗng tuếch so với sự thỏa mãn tâm linh.

Tuy nhiên, ông vẫn cố gắng xoay chuyển mọi thứ, làm việc tới 14 giờ mỗi ngày để giải cứu các công ty của mình và bảo vệ phần tài sản còn lại.

Có thể thấy, giai đoạn chuyển giao thế hệ của một tập đoàn gia đình luôn đi kèm những cạm bẫy, hai người thừa kế Mukesh và Anil của gia tộc Ambani là trường hợp điển hình.

Tỷ phú giàu nhất châu Á đã tấn công vào lĩnh vực viễn thông béo bở và chèn ép Reliance Communications của người em Anil. Nhưng cũng chính ông là người thay em trai thanh toán khoản nợ 80 triệu USD.

...............................

Nhật Minh

 

Tin khác

Đăng nhập

Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay

Đăng ký
Qui định
Quy định về đăng ký tài khoản và nội dung "Ý kiến của bạn" trên Vnbusiness

Hình đại diện và tên đăng ký ko phản cảm, ko có các thông tin bao gồm: link web, số điện thoại, email hoặc tên riêng..mang tính quảng cáo, thương mại cho cá nhân, tổ chức hoặc mang nội dung gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác.

Các hoạt động của User ko vi phạm pháp luật và các qui định của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Nội dung bình luận ko chia sẻ link, số điện thoại, email hoặc quảng cáo cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào

Nội dung bình luận không vi phạm đạo đức, pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam

Nội dung bình luận không vu cáo, bôi nhọ, miệt thị, xuyên tạc, gây hại cho tổ chức, cá nhân

Nội dung bình luận không chửi bới, thô tục

Khi phạm qui, tài khoản sẽ bị khóa tạm thời.

Thông báo

Đăng ký thành công. Hãy kiểm tra email và kích hoạt tài khoản

Quên mật khẩu