Theo bà Phạm Thị Hoa, Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai, với những chính sách mới đối với đạo Tin Lành nói chung và với các cấp hội phụ nữ nói riêng được triển khai, gần như người dân theo đạo Tin Lành ở Gia Lai đều đã có nơi để thực hành đạo, đời sống tôn giáo tín ngưỡng được bảo đảm cũng là một trong những nền tảng để phụ nữ phát triển kinh tế của gia đình mình và cộng đồng.
Liên kết làm kinh tế
Việc vận động, tuyên truyền được các chi hội trưởng kết hợp trong các buổi sinh hoạt đạo, cuộc họp thôn, làng hay các ngày lễ hội. Các chị luôn đi đầu trong các phong trào, làm gương cho chị em trong chi hội học tập, noi theo.
Đời sống tôn giáo tín ngưỡng được bảo đảm cũng là một trong những nền tảng để chị em phụ nữ phát triển kinh tế |
Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có gần 150.000 hộ đạt các tiêu chí Cuộc vận động “Gia đình 5 không, 3 sạch”: không nghèo đói, không phạm pháp và tệ nạn xã hội, không bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học, sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ với các bộ tiêu chí ứng với 8/19 tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM
Chị Hu Uôm là chức việc giúp đỡ mục sư tại nhà thờ Hnam Bok Kei Dei ở xã A Dơk, huyện Đak Đoa, đồng thời cũng là hội viên Hội phụ nữ của xã. Từ chính gia đình mình, chị cũng nhận ra những hạn chế của người dân làng, đó là trình độ dân trí còn hạn chế, kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp mà người dân chưa chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo sản xuất.
Từ nhận thức đó, công tác vận động phụ nữ phát triển kinh tế của các tín hữu Tin Lành là một trong những ưu tiên hàng đầu. Chị đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác phụ nữ nuôi heo năm 2017 với số vốn ban đầu là 200 triệu đồng, thu hút 11 hội viên phụ nữ tham gia. Từ số vốn ban đầu này, chị Hu Uôm cùng các chị em trong Tổ hợp tác mở rộng sản xuất phát triển chăn nuôi.
“Việc xây dựng mô hình với mục đích liên kết phụ nữ trong thôn cùng nhau chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đồng thời, tạo được việc làm tại chỗ cho hội viên, phụ nữ, các hộ được tiếp cận và biết áp dụng tiến bộ khoa học trong chăn nuôi, bảo vệ được môi trường sống, liên kết được đầu ra cho sản phẩm giúp cho hội viên, phụ nữ nghèo tăng thu nhập cho gia đình”, chị Hu Uôm chia sẻ.
Là một tín hữu theo đạo Tin Lành, chị Hu Huân phấn khởi cho biết, từ khi tham Tổ hợp tác, chị được Tổ hợp tác liên kết cho đầu ra ổn định, nên đã mở rộng chăn nuôi lợn nái, mỗi năm gia đình thu lãi trên 100 triệu đồng.
HTX là cầu nối
Trong những năm gần đây, sự chỉ đạo của cấp hội phụ nữ được đánh giá là đồng bộ, thu hút được nhiều nguồn lực trong và ngoài nước để thí điểm xây dựng các mô hình đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn, mô hình phụ nữ khởi nghiệp và mô hình giúp phụ nữ nghèo. Từ đó, thành lập các HTX để tạo việc làm bền vững và thu nhập ổn định.
Việc thành lập các HTX đã tạo việc làm bền vững và thu nhập ổn định cho chị em phụ nữ tại Gia Lai |
Thời gian qua, HTX May gia công An Phú (TP Pleiku) đã xây dựng thành công mô hình HTX may gia công đầu tiên trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Hiện tại, HTX đang giải quyết việc làm cho 60 lao động, chủ yếu là phụ nữ và hơn 50% trong số đó là tín hữu theo đạo Tin Lành ở TP Pleiku và huyện Đak Đoa.
Chị Nưn (làng Ring Rai, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) chia sẻ: “Lúc trước, mình chỉ ở nhà phụ giúp cha mẹ làm những công việc vặt. Từ khi được người quen giới thiệu đến HTX làm, mình rất vui. Mình thấy công việc này nhẹ nhàng, phù hợp với bản thân và có thu nhập cao".
Hiện tại, mỗi ngày chị Nưn có thể ráp được 200-300 bo tay áo. Mỗi tháng, chị nhận được tiền công hơn 3 triệu đồng. Chị cũng mới giới thiệu 2 người bạn cùng làng vào làm trong HTX.
Ngoài giải quyết việc làm cho 60 lao động tại chỗ, HTX còn liên kết với 8 tổ, nhóm hợp tác ở các xã: Tân Sơn, Biển Hồ và phường Thống Nhất (TP Pleiku), xã Nam Yang, xã Kdang (huyện Đak Đoa) và cả TP Kon Tum.
Chị Hoàng Thị Đỡ (nhóm liên kết với HTX ở xã Biển Hồ) cho hay: HTX chính là cầu nối giúp chị em có công việc ổn định, nâng cao thu nhập và xây dựng gia đình hạnh phúc. 22 công nhân trong nhóm đa phần là những người chưa biết may, nhưng chỉ sau 6 tháng vừa học vừa làm, nay đều đảm đương tốt các công đoạn được giao. Hiện tại, thu nhập bình quân của mỗi người dao động khoảng 4 triệu đồng/tháng.
Hay như HTX Thương mại và Dịch vụ xã Tơ Tung (huyện Kbang) vào hồi tháng 10 năm ngoái đã khai trương làng nghề đan truyền thống. Làng nghề có trên 30 thành viên, vừa khôi phục, phát triển nghề đan lát truyền thống, vừa gia công sản phẩm ghế nhựa giả mây.
Trước khi thành lập làng nghề, HTX đã tạo điều kiện cho 20 học viên đi đào tạo nghề gia công ở TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Sau đó, các học viên này về truyền đạt, hướng dẫn kỹ thuật cho các thành viên còn lại. Làng nghề sẽ giúp tận dụng công lao động nhàn rỗi của các thành viên HTX và người dân trên địa bàn để có công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần vào tiêu chí giải quyết việc làm trong xây dựng NTM.
Ngoài 2 HTX này, việc đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông thôn đang được các HTX và nhiều địa phương khác ở tỉnh Gia Lai chú trọng. Như hồi năm ngoái, các HTX trong tỉnh đã giải quyết việc làm cho 1.822 lao động địa phương.
Ông Văn Phú Bộ, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho biết: “Trong quá trình xây dựng NTM của tỉnh Gia Lai, mô hình kinh tế HTX đóng vai trò quan trọng. Mô hình kinh tế này vừa là một trong những tiêu chí cần đạt được, vừa là công cụ hiệu quả để phát huy nội lực trong xây dựng NTM. Ngoài ra, các HTX đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương huy động tối đa các nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa canh từng bước nâng cao năng lực để tham gia làm chủ các dự án liên quan đến phát triển nông nghiệp, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng NTM”.
Minh Thành
(Bài cuối): Phát triển hàng hóa nông nghiệp chủ lực