Là con nhà nòi theo ngành giáo dục, mẹ là Hiệu trưởng của trường mầm non, còn chị là giáo viên. Trong một lần đi tham quan tại tỉnh Hòa Bình, chị thấy cây sả được người dân chú trọng trồng và chế biến thành tinh dầu mang lại lợi nhuận cao.
Chọn cây sả để khởi nghiệp
Bản thân Thùy Dương đã chứng kiến sự khó khăn vất vả của bà con, chị thấy cần phải làm việc gì đó cho quê hương, để nâng cao thu nhập bền vững cho bà con. Sau rất nhiều đêm trăn trở, đắn đo, chị quyết định xin nghỉ dạy và chọn cây sả để trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho bà con và lấy việc thành lập HTX để làm điểm tựa khởi nghiệp vươn lên.
Vậy là năm 2017, HTX với cái tên Hương Ngàn được thành lập với 8 thành viên, vốn điều lệ ban đầu là 1 tỷ đồng. Năm 2018, đơn vị mới bắt đầu phát triển vùng nguyên liệu, tiếp cận và sản xuất các sản phẩm là tinh dầu quýt, tinh dầu sả, tinh dầu quế…
Chị Vi Thùy Dương, Giám đốc HTX Hương Ngàn kiểm tra sản phẩm tinh dầu quýt từ nồi chưng cất. |
Chị Vy Thùy Dương chia sẻ, khi bỏ nghề giáo viên ra ngoài làm và đứng đầu một đơn vị với vai trò là Giám đốc HTX, nhưng khó khăn mới thực sự bắt đầu. Bởi kiến thức thực tiễn, quan hệ ngoại giao, kinh phí triển khai, khoa học kỹ thuật đều bắt đầu từ con số không.
“Đến lúc này tôi mới thực sự nhận thấy, làm kinh tế không hề dễ dàng như mình nghĩ”, chị Dương nói.
Khó khăn không làm nhụt ý chí của "bông hoa rừng" với khát vọng làm giàu, đưa HTX bứt phá vươn lên. Để vượt qua khó khăn, chị Dương dành nhiều thời gian tìm hiểu công nghệ làm tinh dầu, đồng thời tiếp tục khởi nghiệp bằng nguồn vốn vay ít ỏi của Hội liên hiệp phụ nữ huyện và tham gia chương trình "OCOP – Mỗi xã phường 1 sản phẩm".
“Khi tham gia chương trình này được sự hướng dẫn bài bản của các chuyên gia, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, tôi bắt đầu có định hướng cho sản phẩm của mình, từ đấy, sản phẩm được hoàn thiện và kết nối để bán ra ngoài”, chị Dương nhớ lại.
Tinh chế dầu quýt từ sản phẩm lỗi
Theo chị Dương, ngoài cây sả đang được HTX tinh chế dầu, chị còn nhận thấy ở Bắc Kạn còn có một vựa quýt lớn, tổng diện tích lên đến 1.600ha, cho thu hoạch khoảng 23.000 tấn/1 năm. Tuy nhiên, khoảng 5.000 tấn quýt, tương đương với hơn 1/4 sản lượng rụng và quýt bi không đưa được ra ngoài thị trường hoặc bán với giá cực rẻ nên rất lãng phí và gây ô nhiễm môi trường khi quýt rụng, quýt thối.
Vậy là chị Dương đã tìm hiểu, học hỏi cách để quả quýt không phải bỏ đi bất cứ thứ gì. Vỏ quýt chiết xuất thành tinh dầu, ruột quýt để làm rượu quýt sau khi áp dụng quá trình cho lên men... như vậy lợi nhuận từ quýt sẽ cao hơn.
Sản phẩm của HTX Hương Ngàn tham gia các hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm và được khách hàng đặc biệt quan tâm. |
Chính vì vậy, ngoài sản phẩm tinh dầu sả, từ năm 2019 HTX Hương Ngàn, đã mạnh dạn phát triển thêm sản phẩm tinh dầu quýt. Để mở rộng sản xuất, mới đây HTX Hương Ngàn đã đầu tư hệ thống chưng cất tinh dầu quýt với công suất 2 tấn/ngày, đồng thời mở rộng thêm nhà xưởng để đảm bảo cho việc vận hành đạt hiệu quả.
Ngay trong mùa đầu tiên HTX đã ký được hợp đồng xuất khẩu tinh dầu quýt lớn với 1 công ty Dược tại Hà Nội với trị giá hợp đồng lên tới gần 700 triệu đồng và giải quyết cho bà con được hơn 100 tấn quýt tận dụng. Hiện tại HTX đã có đơn vị ký kết hợp đồng bao tiêu là Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, Công ty TNHH Hữu Nghị Lạng Sơn, Công ty TNHH Thịnh Phát-Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
Năm 2019, các sản phẩm của HTX Hương Ngàn đã được huyện Bạch Thông lựa chọn tham gia chương trình OCOP “Mỗi xã một sản phẩm”. Đặc biệt tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 5 (2018-2019), HTX đã được giải Khuyến khích với giải pháp “Xây dựng chuỗi giá trị từ quả quýt”. Đây là động lực để HTX tiếp tục thực hiện các kế hoạch kinh doanh, khởi nghiệp tương lai, mở ra cơ hội đưa các sản phẩm nông nghiệp của Bắc Kạn vươn xa, đồng thời còn tạo sinh kế, giải quyết việc làm cho người dân nông thôn.
Để khẳng định thêm vị thế, năm 2020 chị đã thực hiện thành công đề tài: Chế biến nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ quả quýt bản địa. Thông qua đề tài này, chị Dương đã tìm giải pháp cho quả quýt được xử lý theo chuỗi, giá trị tăng lên rất nhiều lần so với việc bán quýt thô, hơn nữa còn tận dụng được quýt rụng, quýt loại và quýt bi để đưa vào sản xuất, từ đó, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Điểm đặc biệt là bã quýt sau khi chưng cất dùng vi sinh xử lý để làm phân bón tạo độ mùn và thêm chất dinh dưỡng cho đất.
Qua đề tài chế biến nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ quả quýt bản địa với tinh dầu Quýt là sản phẩm OCOP 3 sao đã được nhận giải thưởng "Nhà khoa học của nhà nông" lần thứ 3 năm 2020. Hy vọng rằng với những ý tưởng mạnh bạo HTX Hương Ngàn sẽ mở rộng được quy mô sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương, giúp bà con nông dân vươn lên thoát nghèo.
Phạm Duy
Bài cuối: Khẳng định vai trò, bản lĩnh của... "phái yếu"