Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn tỉnh Gia Lai đã có 70 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM và 2 thị xã, 1 thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Theo dự kiến, UBND tỉnh sẽ công nhận thêm 17 xã đạt chuẩn NTM trong năm nay.
Diện mạo nông thôn khởi sắc
Kết quả này là nhờ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự chung sức đồng lòng của người dân. Đáng chú ý, với sự đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, HTX, cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày một nâng cao.
Đồng bào các dân tộc, tôn giáo tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới (Ảnh: Int) |
Tại huyện Đak Đoa - nơi tập trung nhiều đồng bào theo đạo Tin Lành sinh sống, các HTX đang từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu hút người dân tham gia, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Hiện, toàn huyện có 33 HTX kiểu mới, nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp đã quan tâm phát triển thêm thành viên và huy động thêm vốn góp, tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực, phát triển kinh doanh, làm tốt các khâu dịch vụ như cung ứng các dịch vụ đầu vào cho sản xuất, mạnh dạn đầu tư thiết bị máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kho sơ chế, máy sấy, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
Các HTX đã đóng góp 2,5% vào giá trị sản xuất của huyện, phấn đấu đến năm 2025 đưa tỷ lệ đóng góp vào giá trị sản xuất của khu vực kinh tế tập thể đạt khoảng 5%.
Điển hình tại huyện Đak Đoa là HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, xã Nam Yang. Để giúp người dân tiếp cận phương thức sản xuất hồ tiêu sạch theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, HTX đã triển khai thực hiện Dự án "Liên kết sản xuất hồ tiêu sạch, bền vững tại 2 xã Nam Yang và Hải Yang". Năm 2020, HTX đã đóng góp 1,5 tỷ đồng vào ngân sách địa phương.
Cũng không thể không nhắc đến HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong (xã Đak Krong) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung mua bán, ký gửi và chế biến cà phê nhân cho người dân trên địa bàn xã.
Hiện nay, HTX đã kinh doanh có lãi và đóng góp hơn 1 tỷ đồng/năm vào ngân sách năm 2020. Thời gian tới, HTX dự kiến sẽ phát triển thêm mô hình nuôi trồng thủy sản và sản xuất cà phê theo hướng bền vững, tạo năng suất và sản lượng ổn định phục vụ chế biến, góp phần tạo việc làm, đáp ứng các tiêu chí về xây dựng NTM.
Đến nay, toàn huyện Đak Đoa đã thực hiện được 150,82km đường giao thông nông thôn, trong đó 40,58km đường trục xã, liên xã, trên 35km đường trục thôn làng, 53,215km đường nội thôn làng, 19km đường trục chính nội đồng, xây dựng nâng cấp được 10 công trình thủy lợi, thực hiện kiên cố hóa được 25km kênh mương, xây dựng mới được 14 nhà sinh hoạt cộng đồng thôn làng. Đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 43 triệu đồng, tăng gấp 1,45 lần so với năm 2015. Các HTX đã hoàn thành tiêu chí trong xây dựng NTM như: cơ sở hạ tầng, hình thức tổ chức sản xuất, xoá đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập.
Ông Huỳnh Siểm, Phó chủ tịch UBND huyện Đak Đoa cho biết, cùng với việc thành lập các HTX hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, đáp ứng tiêu chí xây dựng NTM, trong thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư cho các HTX sản xuất kinh doanh cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, nuôi trồng thủy sản, rau an toàn… Đặc biệt, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị bền vững, tiếp tục đầu tư xây dựng sản phẩm đặc trưng, mang lại niềm tin cho các thành viên và người dân, nỗ lực hoàn thành các tiêu chí tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Đến nay, huyện đã có 6 xã và 5 làng đạt chuẩn NTM, phấn đấu đến năm 2023 sẽ đạt chuẩn huyện NTM.
Đoàn kết xây dựng quê hương
Trong những năm gần đây, cuộc sống của đồng bào các dân tộc theo đạo đã có những chuyển biến rõ nét, đặc biệt là với đạo Tin Lành.
Ngoài các buổi hành đạo, các tín hữu Tin lành luôn nỗ lực xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. |
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có 12 chi hội Tin lành được chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện thuận lợi hoạt động đúng pháp luật, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các tôn giáo.
Các tín hữu Tin Lành ngoài giờ sinh hoạt đạo, thường cùng tập thể Ban chấp sự chi hội cùng nhau thực hiện cuộc vận động “Xây dựng làng NTM”
Mục sư Huỳnh Duy Linh, Trưởng Ban đại diện Hội thánh Tin Lành tỉnh Gia Lai cho biết: “Hiện nay, đời sống các tín hữu Tin Lành người dân tộc thiểu số nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, việc tiếp thu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế”. Do vậy, cùng với việc vận động các tín hữu Tin Lành chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ông thường xuyên nhắc nhở bà con phải giữ đất sản xuất, định canh định cư, học hỏi làm ăn để nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước cải thiện đời sống, xây dựng thôn làng ngày càng phát triển.
Cách TP Pleiku 12km, nhà thờ Tin lành Hnam Bok Kei Dei thuộc Hội thánh Tin lành tỉnh Gia Lai nằm ở xã La Phang, huyện Chư Pưh, tín hữu Tin lành ở đây đa số là người Jrai, sống chủ yếu bằng nghề nông.
Chị Hưm, là tín đồ Tin Lành người Jrai ở làng Gào là người đi đầu vận động giáo dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng giống lúa mới cho năng suất cao.
Chị đã cùng 11 hộ dân theo đạo Tin lành tại đây thành lập Tổ hợp tác làng Gào, doanh thu năm 2020 của Tổ hợp tác đạt 800 triệu đồng, lợi nhuận sau thuế chia cho các thành viên là 150 triệu đồng. Năm 2020, Tổ hợp tác triển khai cho 9 hộ dân trồng chanh dây với diện tích 0,9ha. Tiếp đó, Tổ hợp tác trồng lúa Kê Lau - giống lúa 6 tháng truyền thống của đồng bào Jrai địa phương, cho cơm mềm, dẻo và thơm. Tổ hợp tác đã từng bước xây dựng nhãn hiệu gạo Kê Lau để nâng cao giá trị kinh tế của đặc sản này, tăng thu nhập cho các thành viên.
Đang chăm sóc ruộng lúa Kê Lau vừa xuống giống được hơn một tháng, ông Rơ Lah Chăm, làng Plei Tao vui vẻ nói: “Nhờ có Tổ hợp tác đứng ra hướng dẫn, liên kết, bao tiêu đầu ra, bà con đã sống ổn định hơn nhờ cây lúa. Tôi cũng rất mừng khi thấy giống lúa truyền thống của dân tộc mình giờ có cơ hội được bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế”.
Hay như ở làng Yeh (xã La Phang, huyện Chư Pưh) có ông Uôn là thành viên của HTX nông lâm nghiệp Long Hưng. Ông đã tích cực vận động nhân dân đóng góp quỹ để xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo, làm đường giao thông nông thôn.
Ông Uôn cũng vận động nhân dân xây dựng tình đoàn kết gắn bó trong cộng đồng, cùng bà con góp ý xây dựng hương ước và quy ước, đồng thời quan tâm nhắc nhở bà con đề cao tinh thần cảnh giác, không nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, yên tâm lao động sản xuất để xây dựng cuộc sống ấm no trên quê hương mình, chấp hành quy định pháp luật về tôn giáo cũng như Hiến chương của Hội thánh.
Bà Đinh Thị Giang - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai nhận xét: “Thực hiện phương châm "sống tốt đời, đẹp đạo", đồng bào Tin lành đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tỉnh, hưởng ứng và thực hiện hiệu quả cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, thôn, làng văn minh, khang trang, sạch đẹp”.
Minh Thành
(Bài 2): Phát huy vai trò của phụ nữ