Theo thống kê đến đầu năm 2021, khu vực Tây Nguyên có hơn 1 triệu đồng bào DTTS còn dư nợ với tổng số tiền là hơn 18.000 tỷ đồng. Hầu hết nguồn vay này được bà còn dành để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, qua đó đã giải quyết kịp thời nhu cầu về vốn đối với sản xuất kinh doanh, cũng như tiêu dùng. Đây cũng là nguồn lực có ý nghĩa quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh, chính trị trên địa bàn.
Đáp ứng nhu cầu thiết thực
Ở khu vực Tây Nguyên, bà con chủ yếu là làm nông nghiệp, do vậy thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) rất tạo điều kiện để các tổ vay vốn hoạt động nhằm xóa đói, giảm nghèo.
Và thực tế cho thấy, người dân ở các vùng DTTS tại Gia Lai đã không còn cảnh phải vất vả ngược xuôi đi tìm cán bộ ngân hàng để làm hồ sơ vay vốn. Bởi, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được triển khai đến tận thôn, làng, thậm chí đến tận tay người dân thông qua mô hình tổ vay vốn và tiết kiệm tại thôn, làng.
![]() |
Thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn đang tham khảo thủ tục vay vốn để đầu tư sản xuất. |
Tổ trưởng tổ vay vốn thường là cán bộ cốt cán hoặc là người có uy tín ở thôn làng, thành viên của tổ là người dân có nhu cầu vay vốn và hoạt động của tổ vay vốn xuất phát từ nhu cầu thiết thực của bà con trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Chính những thiết thực đó mà tại địa bàn Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng tính đến đầu năm 2021 đã có hơn 46.000 hộ nghèo đăng ký tham gia với 1.600 tổ tiết kiệm vay vốn tại 874 thôn, làng. Chị Yh Lưr, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn chia sẻ: "Mỗi thành viên của Tổ vay vốn tối thiểu là 50 triệu đồng, tối đa là 100 triệu đồng".
Vốn vay chủ yếu là để đầu tư chăn nuôi và mua phân bón, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Với lãi suất thấp, thời hạn vay lại kéo dài, gia đình chị đã tính toán rất kỹ, làm sao để sử dụng đồng vốn hiệu quả, vừa trả được nợ lại vừa thu được lãi.
Theo đại diện Hội nông dân xã, với số tiền vay, bà con có thể làm được rất nhiều việc, người thì mua nông cụ, máy móc để canh tác cây công nghiệp, hộ thì đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện cuộc sống. Và thực tế ngày càng có nhiều hộ đồng bào DTTS tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này thì cánh cửa thoát nghèo lại càng rộng mở hơn.
Gần 10 năm gắn bó cùng với NHCSXH huyện Chư Păk với vai trò là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xã Chư Đang Ya, ông A Yưh đã không ngại khó khăn, tận tụy với công việc, quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, giúp nhiều thành viên vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Theo đó, ông A Yưh luôn sâu sát nắm bắt kịp thời hoàn cảnh, nhu cầu của hội viên. Đồng thời, nghiêm túc tìm hiểu, nghiên cứu kỹ nội dung các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH huyện, đối tượng áp dụng và quy trình thực hiện vay vốn, từ đó tư vấn, hỗ trợ hội viên vay vốn và sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả đồng vốn, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.
Còn theo ông A Ngoi, Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Gia Lai, thông qua các tổ vay vốn, những hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua các buổi sinh hoạt giữa các thành viên trong tổ, người dân đã nắm bắt được các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, các thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn cũng có thể tương trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống cũng như trong sản xuất.
Phát huy vai trò Hội phụ nữ
Nắng hạn kéo dài cộng với thiên tai dịch bệnh đã khiến năng suất cây trồng giảm mạnh, rồi giá cả các loại nông sản bấp bênh, liên tục rớt giá, gia đình chị Ksor Hayêt, làng Klăk 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai gặp không ít khó khăn. Biết được hoàn cảnh, những thành viên của Hội phụ nữ xã đã hướng dẫn chị thủ tục vay nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư khôi phục sản xuất.
Để sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả, trước đó gia đình chị đã bàn bạc kế hoạch sản xuất cụ thể để các cấp thông qua. Chị cho biết: “Mình vay vốn bên ngân hàng chính sách là 50 triệu đồng với lãi suất thấp hơn nhiều so với ngân hàng thương mại. Hiện tại, mình đã mua phân bón 30 triệu, mua máy bơm nước, số tiền còn lại mua heo giống, tăng gia sản xuất”.
![]() |
Đại diện Hội phụ nữ xã đến tận nhà của các hộ dân gặp khó khăn để nắm bắt nguyện vọng của hội viên, đồng thời đề đạt cấp trên hỗ trợ vay vốn. |
Với phụ nữ dân tộc Jrai, Bahnar ở huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai, trong thời điểm khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, chị em có cơ hội khôi phục lại sản xuất thông qua hoạt động nhận ủy thác vốn vay tín dụng chính sách của Hội phụ nữ tại địa phương, trực tiếp các chị em đại diện Hội phụ nữ xã xuống tận nhà, tận rẫy của các hộ dân gặp khó khăn để nắm bắt nguyện vọng của hội viên, đồng thời đề đạt cấp trên hỗ trợ vay vốn.
Thuộc diện hộ cận nghèo, lại cần vốn để sản xuất nên gia đình chị Rơ con Hnăn, xã Ia Dêr đã vay được nguồn vốn ủy thác từ Hội phụ nữ để mở rộng sản xuất. Chị cho biết: "Trước đây, gia đình tôi thuộc diện khó khăn về kinh tế, thiếu vốn sản xuất. Khoảng 3 năm trước, tôi được Hội phụ nữ xã giúp đỡ và tạo điều kiện được tiếp cận nguồn vay ưu đãi vay 50 triệu đồng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Khi có vốn, tôi đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi heo và nuôi vịt. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi mà cuộc sống gia đình tôi được cải thiện hơn trước. Mức thu nhập bình quân của gia đình tôi hiện đạt trên 100 triệu đồng/năm".
Chị Puih Hsới, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ia Dêr chia sẻ, nhờ được vay vốn kịp thời mà nhiều chị em phụ nữ, nhất là hộ gia đình phụ nữ nghèo, DTTS, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức và các dịch vụ tài chính lành mạnh để kinh doanh và đầu tư phát triển sản xuất; giúp chị em biết sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay và thực hành tiết kiệm để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Còn theo ông Puih Blí, Chủ tịch UBND xã Ia Dêr: “Do thiên tai, dịch bệnh, các mặt hàng xuống giá, chúng tôi đã kết hợp với NHCSXH chỉ đạo các hội, đoàn, thể, tổ tiết kiệm và vay vốn để hỗ trợ người dân, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp để bà con có vốn đầu tư phát triển”.
Có thể thấy, việc thực hiện tốt chương trình ủy thác nguồn vốn vay của Hội phụ nữ xã thông qua NHCSXH đã phát huy hiệu quả, tin cậy đối với hội viên phụ nữ. Thông qua hoạt động uỷ thác vay vốn của NHCSXH đã tạo điều kiện để Hội phụ nữ xã quan tâm hơn đến hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Qua đó, có điều kiện hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.
Hoàng Hằng
Bài cuối: Kinh tế hợp tác và vai trò "dẫn đường"