Liên kết người dân và các nhóm sinh kế
Theo đại diện Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Ea Súp, đa dạng hóa các loại hình sinh kế sản xuất hàng hóa, kết nối thị trường là một trong những mục tiêu quan trọng, hướng tới việc cải thiện thu nhập bền vững cho các hộ dân tham gia dự án. Vì vậy, việc liên kết người dân và các nhóm sinh kế thông qua mô hình kinh tế hợp tác là bước nối tiếp quan trọng, vừa có tính kế thừa các kết quả của dự án trong thời gian qua, vừa tiếp tục động viên, hỗ trợ bà con thay đổi tư duy sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu và nâng cao giá trị hàng hóa cho các sản phẩm thế mạnh vùng biên.
Lúa đen được một số đơn vị quan tâm phát triển thành một loại hàng hóa đặc sản, trong đó có HTX Giảm nghèo Ea Súp (Ảnh: Tư liệu) |
Trong 5 năm vừa qua, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại huyện Ea Súp đã tác động tích cực lên nhiều mặt đời sống của người dân, đặc biệt là phát triển kinh tế hộ, bước đầu hình thành tổ chức kinh tế hợp tác để phát triển thị trường cho nông sản vùng biên, nối dài giá trị của nguồn hỗ trợ ban đầu.
Điển hình trong các mô hình hiệu quả là HTX Giảm nghèo Ea Súp. Theo đó, đầu năm 2019, HTX ra đời với mục tiêu liên kết các nhóm sinh kế, xây dựng thị trường cho các sản phẩm thế mạnh vùng biên. HTX đã liên kết với khoảng 20 nhóm sinh kế hoạt động hiệu quả tại vùng dự án, nên nguồn cung ứng sản phẩm khá đa dạng và dồi dào. Ngoài sản phẩm chính là lúa gạo, HTX còn cung ứng các sản phẩm tinh dầu, dê, bồ câu, heo rừng lai… với chất lượng tốt, giá thành hợp lý đến người tiêu dùng.
Tháng 8/2019, HTX đã mở cửa hàng phân phối tại TP Buôn Ma Thuột, tổ chức kinh doanh các mặt hàng do nhóm sinh kế sản xuất. HTX cũng đã xây dựng 10ha lúa đen canh tác hữu cơ, được cấp chứng nhận ISO và đã bước đầu tiếp cận phân khúc thị trường lúa gạo chất lượng cao với nhãn hiệu “Khẩu Xiên Lăm”.
Từ “báu vật” Tây Bắc đến đặc sản Tây Nguyên
Những năm gần đây, cây lúa đen - vốn được coi là “báu vật” Tây Bắc, do bà con người dân tộc Thái mang theo hành trình di cư của mình đến vùng biên Ea Súp, đã được một số đơn vị quan tâm phát triển thành một loại hàng hóa đặc sản, trong đó có HTX Giảm nghèo Ea Súp.
Gạo lúa đen được nhiều người biết đến và sẵn sàng mua với giá cao hơn gấp 1,5 - 2 lần so với giá gạo thông thường (Ảnh: TL) |
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Ea Súp, cây lúa đen được bà con người Thái trồng chủ yếu tại xã Ya Tờ Mốt và xã Ia Lốp với tổng diện tích gần 100ha. Giám đốc HTX Giảm nghèo Ea Súp Nguyễn Thái Sơn cho biết, năm 2019, HTX đã thuê 10ha đất tại thôn 13, xã Ya Tờ Mốt để canh tác lúa đen theo phương pháp hữu cơ.
Những năm gần đây, gạo lúa đen được nhiều người biết đến và sẵn sàng mua với giá cao hơn gấp 1,5 - 2 lần so với giá gạo thông thường. Nhiều đơn vị cũng quan tâm, phát triển cây lúa đen thành một loại hàng hóa đặc sản,.
Nhờ đặc tính sinh trưởng mạnh, kháng sâu bệnh tốt nên quy trình canh tác cây lúa đen không hề có sự can thiệp của bất cứ loại thuốc hóa học, phân bón, thậm chí kể cả chế phẩm sinh học nào. Chính vì vậy, những người tiêu dùng khó tính nhất vẫn có thể yên tâm ngay từ khi lựa chọn loại gạo này về sử dụng.
Bên cạnh đó, loại lúa đen cũng đón đầu xu hướng sử dụng gạo dài ngày, nâng giá trị kinh tế của hạt gạo. HTX Giảm nghèo Ea Súp đã được cấp chứng nhận ISO cho gạo lúa đen vào tháng 7/2019. Đây được xem là tiền đề để HTX từng bước mở rộng vùng sản xuất, đưa hạt gạo đặc sản ở vùng biên tiếp cận phân khúc hàng hóa chất lượng cao.
“Bước đầu, HTX đã nhận được nhiều đánh giá tốt từ khách hàng về các sản phẩm do bà con vùng biên sản xuất. Hiện, các sản phẩm từ lúa gạo của HTX đang được thị trường đón nhận tích cực, doanh số đạt 4 tấn/tháng. HTX sẽ tiếp tục liên kết với người dân để tăng diện tích lúa hữu cơ trong các vụ kế tiếp, tập trung vào các giống chất lượng cao như: Khẩu Xiên Lăm, 5451, ST24…”, Giám đốc Nguyễn Thái Sơn chia sẻ.
HTX Giảm nghèo Ea Súp hiện là một trong 3 HTX trên toàn tỉnh Đắk Lắk được lựa chọn hỗ trợ từ nguồn xây dựng nông thôn mới của Trung ương, làm tiền đề để triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) kết hợp với phát triển du lịch nông thôn.
Đức Nguyễn